Hành trình tìm đường đi bền vững cho tổ hợp tác chăn nuôi dê Hiệp Thành

24/07/2018
Được thành lập năm 2017 với 23 hộ tham gia, đến nay, tổ hợp tác chăn nuôi dê Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã có 42 thành viên. Tổ hợp tác đã hoàn thiện xong thủ tục pháp lý nâng cấp lên thành Hợp tác xã Kinh doanh, chăn nuôi dê Hiệp Thành.

Đến thăm tổ hợp tác vào đúng buổi các thành viên tổ chức buổi họp chuẩn bị ra mắt HTX, không khí buổi họp nhộn nhịp và sôi nổi. Ai cũng rộn ràng niềm vui, cảm thấy mọi thứ “quan trọng, quy củ” lắm.

Cô Trần Thị Ngọ, tổ trưởng Tổ hợp tác, tân Giám đốc HTX vừa được bầu tại cuộc họp phấn khởi cho biết, HTX được thành lập với quy mô vốn điều lệ 680 triệu đồng, từ nhiều nguồn, trong đó có vốn đóng góp của các thành viên thông qua nhiều hình thức như tiền mặt, dê, cơ sở chuồng trại…

Chiến lược phát triển kinh doanh của HTX hướng tới cung cấp, bảo đảm nhu cầu của thị trường các sản phẩm thịt dê và các sản phẩm từ dê bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, dễ dàng truy xuất nguồn gốc; dịch vụ chăm sóc gia súc, giết mổ, thức ăn, tiêu thụ đồng loạt giống nhau và tuân thủ những quy định chặt chẽ, nghiêm khắc.

HTX chịu trách nhiệm trong việc thực hiện mua chung vật tư, dịch vụ đầu vào từ thị trường để phục vụ cho thành viên, bán chung sản phẩm, dịch vụ của thành viên ra thị trường, chế biến sản phẩm của thành viên, cung ứng phương tiện, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. HTX ra đời sẽ tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả hơn.

 Ảnh minh họa

 Cô Trần Thị Ngọ, tổ trưởng Tổ hợp tác, tân Giám đốc HTX trả lời phỏng vấn


Cô Ngọ cho biết, mặc dù việc nâng cấp lên HTX vẫn còn bộn bề khó khăn như vốn sản xuất kinh doanh ít, chủ yếu là đi vay ngân hàng và vay các thành viên, cơ sở vật chất, địa điểm kinh doanh của HTX chưa có, bộ máy quản lý của HTX chưa được đào tạo bài bản... Tuy nhiên, các thành viên trong Tổ hợp tác vẫn đồng lòng, quyết tâm cùng đồng hành với Ban Giám đốc vì bà con hiểu sâu sắc những lợi ích mà HTX mang lại cho họ. Đó là mục tiêu hỗ trợ thành viên cùng nhau hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, bảo đảm đầu vào, đầu ra ổn định, mang lại thu nhập tốt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên.

HTX cũng đã xây dựng kế hoạch hoạt động năm đầu tiên sau khi thành lập. Đó là triển khai quy trình sản xuất và xây dựng đồng bộ, sửa chữa lại đồng loạt các chuồng chăn dê; tiến hành đánh số và định danh đàn dê của từng hộ gia đình; phân loại dê và tạo lý lịch dê giống, dê thịt, xây dựng sổ theo dõi chăn nuôi của các hộ thành viên; ký hợp đồng với nhân viên thú ý chăm sóc sức khỏe, tiêm phòng dịch, khám chữa bệnh cho đàn dê định kỳ; tổ chức liên hệ và ký hợp đồng thu mua dê thịt với các đầu mối bảo đảm tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm...

Các năm tiếp theo sẽ mở rộng số thành viên tham gia; xây dựng cơ sở giết mổ riêng, thành lập cơ sở thu mua dê do HTX quản lý, thành lập cơ sở chế biến các sản phẩm từ dê....

Chị Phạm Thị Thúy Phượng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lộc Ninh chia sẻ, quá trình từ khi thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê đến thành lập HTX chăn nuôi dê Lộc Hiệp đều có sự đồng hành tích cực của Hội. Đó là cả một chặng đường khó khăn, vất vả khi cả ban quản lý tổ hợp tác và cán bộ Hội đều chưa có gì trong tay, kể cả về kiến thức lẫn kinh nghiệm. Mày mò, học hỏi, cán bộ Hội LHPN huyện, xã đã không quản ngại khó khăn, đến tận từng hộ gia đình thành viên tổ hợp tác vừa khảo sát nhu cầu, vừa tuyên truyền, vận động; rồi lặn lội đi học hỏi kinh nghiệm của những địa phương khác...

 Ảnh minh họa

Chị Phạm Thị Thúy Phượng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lộc Ninh chia sẻ, quá trình từ khi thành lập tổ hợp tác chăn nuôi dê đến thành lập HTX chăn nuôi dê Lộc Hiệp đều có sự đồng hành tích cực của Hội.


Giờ thì các thủ tục pháp lý đều đã hoàn thiện, HTX đã sẵn sàng cho lễ ra mắt với sự phấn khởi, niềm tin mãnh liệt và sự đồng thuận, quyết tâm của các thành viên- Chị Phượng thở phào nhẹ nhõm như vừa hoàn thành xong một nhiệm vụ khó trong công tác Hội.

Đến thăm các hộ gia đình thành viên của HTX chăn nuôi dê Lộc Hiệp, trực tiếp tham quan mô hình, trò chuyện với các thành viên về thực tế sản xuất, kinh doanh cũng như mong muốn của các thành viên, một điều chung dễ nhận thấy là các thành viên đều tin tưởng vào HTX, thể hiện quyết tâm cùng phấn đấu để HTX phát triển, vì lợi ích chung của mọi thành viên và của chính gia đình họ.

- Chị Nguyễn Thị Vân, 53 tuổi, tổ 47, ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp: Gia đình chị Vân hiện đang nuôi 30 con dê, trồng hơn 2 ha hồ tiêu, keo. Chị sử dụng lá hồ tiêu, keo làm thức ăn cho dê, phân dê lại làm phân bón cho cây, quy trình sản xuất này vừa giúp gia đình chị tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường, thu nhập của gia đình chị từ nuôi dê đạt khoảng 60-70 triệu/năm. Chị Vân phấn khởi cho biết, tham gia Tổ hợp tác, chuồng dê nhà chị được xây dựng theo quy chuẩn chung, bảo đảm kỹ thuật nên dê phát triển tốt. Cùng với đó, trước kia chăn nuôi theo hộ cá thể, đàn dê nhà chị không được khám bệnh, tiêm chủng định kỳ mà chỉ khi nào dê bị bệnh gia đình mới tự mua thuốc về chữa, dẫn đến dê hay bị mắc bệnh, chết, chậm lớn, thịt dê không đảm bảo chất lượng. Từ khi vào tổ hợp tác, cứ 3 tháng 1 lần, cán bộ y tế lại đến thăm khám cho dê, tổ chức chích ngừa cho dê theo lịch. Chị Vân hy vọng, sau khi tổ hợp tác nâng cấp thành HTX sẽ giúp các hộ thành viên có được đầu ra cho sản phẩm ổn định, thu mua theo giá chung, tránh bị tư thương ép giá; đồng thời chị cũng mong muốn sẽ được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật để áp dụng vào chăn nuôi, mở rộng quy mô đàn dê để phát triển kinh tế gia đình.

 Ảnh minh họa

Các thành viên dụng lá hồ tiêu, keo làm thức ăn cho dê, phân dê lại làm phân bón cho cây, quy trình sản xuất này vừa giúp gia đình chị tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường


- Chị Võ Thị Giang, 56 tuổi, tổ 56, ấp Hiệp Thành:
Gia đình chị đã chăn nuôi dê được 3 năm. Khởi đầu, gia đình chị mua 5 con, do không có vốn nên chỉ mua được giống dê nhỏ, thời gian chăm sóc, nuôi dê mất nhiều, không có lãi. Chuồng trại ban đầu chị tận dụng tối đa những gì nhà có nên xây dựng không theo quy chuẩn nào dẫn đến rất nhiều hạn chế, tác động không tốt đến quá trình phát triển của đàn dê. Sau khi tham gia Tổ hợp tác, gia đình chị đã đầu tư làm chuồng cho dê hết 17 triệu đồng. Chuồng dê nhà chị hiện nay rất thoáng mát, khoa học, có máy cho dê ăn, loại bỏ thức ăn thừa đảm bảo không bị nấm mốc, đặc biệt, dê còn có khoảng sân chơi nên mặt mũi con nào trông cũng rất “sáng sủa, yêu đời”. Chị Giang mong muốn, sau khi lên HTX sẽ giúp các thành viên có đầu vào con giống tốt hơn, to hơn, rút ngắn thời gian chăn nuôi. Bên cạnh đó, chị cũng tin tưởng, thông qua HTX, sản phẩm dê xuất ra sẽ được bảo đảm về giá cả, các hộ chăn nuôi sẽ không còn chịu cảnh bị tư thương ép giá như trước nữa.

- Cô Trần Thị Ngọ, 68 tuổi, tổ trưởng Tổ hợp tác, tân giám đốc HTX: Gia đình chị vốn thuộc diện rất khó khăn, chồng mất sớm. Năm 2003, chị tham gia Ban thường vụ Hội LHPN xã. Thấy hoàn cảnh chị vất vả, Chủ tịch Hội LHPN xã đã bán chịu cho chị 2 con dê về chăn nuôi, dần dần chị đã phát triển đàn dê của gia đình lên. Chị Ngọ nhận thấy, nuôi dê vừa ít vốn, vừa không mất nhiều thời gian chăm sóc lại có thể tận dụng lá cây keo, cây hồ tiêu làm thức ăn cho dê và dùng phân dê bón lại cây trồng, rất kinh tế. Thịt dê bán ra thị trường cũng rất có lãi, nếu chăn nuôi thuận lợi, đảm bảo sản phẩm thịt ngon, sạch thì trung bình cứ 2 kg dê bán sẽ được lãi 1 kg. Khi kinh tế gia đình ổn định, chị giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn khác bằng việc cho các chị mua chịu con giống, cho vay vốn làm chuồng... Trăn trở của chị Ngọ là trước đây, chị phải mày mò tự tìm đầu ra, tự tiêu thụ sản phẩm. Vì không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho thịt dê nên chị cũng như nhiều hộ gia đình khác không thể chen chân cung cấp sản phẩm cho các siêu thị, hệ thống nhà hàng lớn. Chính vì vậy, điều chị Ngọ và các thành viên trông đợi nhất sau khi có HTX là tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm dê của địa phương mình; đồng thời HTX phát triển, có lãi để có vốn đầu tư lại cho các thành viên mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập để chị em gắn bó lâu dài với HTX, làm cho HTX phát triển, bền vững.


VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video