Hãy để trẻ em có HIV được lớn lên công bằng như chúng ta.

03/12/2010
Đấu tranh chống kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ mà siêu mẫu quốc tế Vũ Nguyễn Hà Anh “gánh vác” trong nhiệm kỳ 2 năm làm Đại sứ thiện chí vì quyền lợi của trẻ em và phụ nữ của mình do Tổ chức Unicef Việt Nam bổ nhiệm. Ngày thế giới phòng chống AIDS 1.12 sắp đến gần, Đại sứ thiện chí Hà Anh đã dành cho Báo Pháp luật Việt Nam Chủ nhật một cuộc trò chuyện về trọng trách và những nghĩ suy của cô trong công cuộc đấu tranh “cứu” những nạn nhân của căn bệnh thế kể ra khỏi sự kỳ thị nặng nề của xã hội.

PV: Chào Hà Anh, nhiệm kỳ Đại sứ thiện chí của bạn đã đi được một chặng đường và chắc hẳn cũng đã để lại cho bạn nhiều suy nghĩ. Hà Anh có thể chia sẻ?

 

HA: Tôi xin kể một kỷ niệm, trong một chuyến đi thăm cùng Tổ chức Unicef đến một gia đình có người nhiễm HIV, tôi đã bế trên tay một em bé bị nhiễm HIV trong suốt chuyến đi từ Trung tâm đến nhà em. Ngồi trong lòng tôi, em bé liên tục hát, kể chuyện líu lo. Em kể với tôi rằng em rất giống mẹ em, mẹ em cũng bị HIV giống em… Từ câu chuyện của em, tôi nhận thấy rằng bản năng của tất cả mọi người trong xã hội từ khi sinh ra là đều mong muốn được yêu thương. Nhưng nếu vì một lý do nào đó mà họ bị xã hội ghẻ lạnh, nhìn nhận với ánh mắt ngờ vực, thì tự nhiên từ tiềm thức đến hành động họ sẽ rút vào không gian riêng của mình để lẩn trốn, tránh những tổn thường mà mọi người có thể gây ra cho họ. Vì thế, việc đòi hỏi người nhiễm HIV chủ động hòa nhập với cộng đồng là rất khó vì họ rất mặc cảm, tự ti và đã ít nhiều từng bị tổn thương. Thế nên, đối với chúng ta để xóa bỏ sự kỳ thị đối với những người nhiễm HIV không gì hơn là việc chủ động rút bỏ khoảng cách với họ mà đôi khi chỉ qua những hành động hết sức bình thường như cái gật đầu, nụ cười chào hỏi những người như thế ở gần mình, trong khu vực mình sinh sống. Đặc biệt với trẻ em nhiễm HIV, phần lớn các em không thể hiểu được HIV là như thế nào, vì sao các em bị nhiễm, chỉ khi các em bị xã hội xa lánh các em mới bắt đầu có mặc cảm về bản thân mình. Nếu được đối xử yêu thương và bình đẳng như những trẻ em khác thì các em sẽ không thấy mặc cảm và để có được điều này thì vai trò của người lớn là rất quan trọng.

 

PV: Trong vai trò Đại sứ thiện chí, cá nhân Hà Anh cũng như Tổ chức Unicef đang có dự định gì để chống lại sự phân biệt, kỳ thị của xã hội đối với những người có HIV, nhất là trẻ em?

 

HA: Tôi thấy rằng việc phân biệt và kỳ thị đối với trẻ em trong bất kỳ môi trường nào cũng là một vấn đề đáng để chúng ta quan tâm. Bởi chúng ta vẫn nói rằng mỗi trẻ em sinh ra như một tờ giấy trắng, người lớn, xã hội viết gì lên đó thì khi các em lớn lên, trưởng thành sẽ được đúng như vậy. Việc con người ta lớn lên trở thành người tốt, hay xấu là chịu sự ảnh hưởng rất lớn từ gia đình, xã hội xung quanh ngay từ tuổi thơ. Nếu xã hội kỳ thị những đứa trẻ có HIV thì khi lớn lên các em sẽ rất mặc cảm vì tiềm thức sẵn có là xã hội xung quanh không chấp nhận mình. Nếu không có sự bao dung, yêu thương của môi trường xung quanh, các em sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều và cuộc sống của các em sau này diễn ra như thế nào thì chúng ta khó mà hình dung, lường trước được. Ngược lại, nếu các em được bao dung, được yêu thương, được đối xử công bằng thì đây sẽ là cơ hội các em lớn lên công bằng như chúng ta. Trong thời gian tới chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm để mang các thông điệp yêu thương đến cộng đồng, xóa bỏ đi sự kỳ thị đối với trẻ em có HIV. Nhiều lúc người lớn do thói quen suy nghĩ sâu xa, to tát nên vấn đề thường bị nhìn nhận một cách nghiêm trọng, trong khi thực ra đối với trẻ em nhiều cơ hội chỉ đơn giản là được cầm đèn lồng trên tay và đi rước đèn chung với các bạn trong tết Trung thu chẳng hạn, điều đó thực sự có ý nghĩa với các em rồi. Dù nhiễm HIV nhưng các em vẫn xứng đáng có một tuổi thơ hạnh phúc, một sự mơ ước về tương lai như những trẻ em bình thường khác, tại sao người lớn chúng ta lại nỡ tước bỏ của các em điều đó?

 

PV: Hiện nay có rất nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đang phải chịu sự kỳ thị của xã hội và không được đến trường. Bạn nghĩ thế nào về thực trạng này và bạn cùng Tổ chức Unicef có kế hoạch gì để thay đổi?

 

HA: Đây là điều rất là trăn trở của xã hội và của Tổ chức Unicef. Theo tôi nghĩ những vấn đề kỳ thị thuộc về quan niệm này rất khó nhưng cũng rất dễ thay đổi. Khó vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người. Tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ với tình yêu thương, mong muốn bảo vệ con mình của các bậc cha mẹ. Nhưng, nếu nhìn rộng ra thì tất cả những sự lo lắng thái quá này do họ chưa có được kiến thức thực tế về HIV/AIDS. Chính vì thế cuốn sách 9 điều về HIV vừa được giới thiệu chính là để các cha mẹ, thầy cô giáo và chính bản thân các em hiểu biết được việc chung sống, học tập và làm việc với trẻ em nhiễm HIV thực chất không có gì đáng lo ngại, dẫn đến kỳ thị cả. Còn nói dễ vì nó sẽ được thay đổi trong chính bản thân mỗi cá nhân chúng ta. Một cuốn sách nhỏ về HIV chỉ cần đọc trong 20 phút nhưng vấn đề quan trọng ở đây là có bao nhiêu người đi tìm và dành ra 20 phút để đọc cuốn sách đó, để hiểu, để thông cảm. Vì thế nhiệm vụ của cá nhân tôi cũng như của Tổ chức Unicef trong thời gian tới là đẩy mạnh quảng bá cuốn sách này trong xã hội, trong trường học để cộng đồng cùng có ý thức tiếp nhận. Khi mọi người đã hiểu được rằng mối lo ngại của mình là không cần thiết thì dần dần trong tiềm thức của họ sẽ cảm thấy bớt đi rào cản, bớt đi lo ngại với những em bé có HIV, rồi dần sau đó sẽ là chấp nhận rồi đến yêu thương, che chở cho các em.

 

PV: Pháp luật Việt Nam không cho phép bất kỳ một hành vi kỳ thị nào đối với người nhiễm HIV, nhất là trẻ em. Hay nói cách khác, kỳ thị trẻ nhiễm HIV, tước bỏ quyền được đến trường của các em là vi phạm pháp luật. Trong hoạt động tuyên truyền của mình, bạn có thường lưu ý và nhấn mạnh đến chi tiết này không?

 

HA: Vẫn biết rằng các quy định về quyền trẻ em nói chung cũng như quy định của luật pháp Việt Nam nói riêng thì các trường học không có quyền từ chối trẻ em nhiễm HIV khi các em có nhu cầu được đi học. Thế nhưng, cũng cần phải hiểu rằng, trong vấn đề này các trường học sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, vì nếu phụ huynh không có ý thức, rút đơn theo học của con em mình thì sẽ không có học sinh đồng nghĩa với việc trường cũng không thể dạy được. Hơn nữa, đề cập đến chuyện xử phạt các hành vi ngăn cản các em đến trường cũng rất khó và hầu như là không thể. Vì thế nên trước mắt chúng ta phải tuyên truyền sao cho các trường học biết cách bảo mật các thông tin về bệnh tật của các em. Trong một lần tôi có dịp tiếp xúc với các em ở một ngôi trường đã được nghe các em nói nếu như các em có kiến thức về HIV thì chính các em sẽ giải thích cho bố mẹ là môi trường của các em là vẫn an toàn. Thế nên có thể thấy, người lớn chúng ta rất hay nói về quyền của các em nhưng hoàn toàn theo kiểu người lớn và đã có bao nhiêu người lớn hiểu được các em suy nghĩ như thế nào và mong muốn gì. Bản thân các em bé bình thường đi học chung với các bạn có HIV nhiều khi suy nghĩ rất khác với sự lo sợ của các bậc cha mẹ các em. Và, điều quan trọng là giáo dục sự nhân ái và hiểu biết cho các em để các em có thể đối xử bình thường với những bạn bè không may bị nhiễm HIV.

 

PV: Xin cảm ơn Hà Anh!

 

Bộ tài liệu “Sự thật về trẻ em và HIV/AIDS” vừa được công bố tại Hà Nội. Bộ tài liệu nêu ra 9 điều, trong đó nhấn mạnh một số điều như: “Trẻ em nhiễm HIV nếu được chăm sóc và điều trị thích hợp vẫn có khả năng học tập, phát triển cuộc sống bình thường như mọi trẻ em khác; phòng lây nhiễm HIV không phải là lý do để tách biệt trẻ em có HIV với những trẻ em khác tại trường học, nơi vui chơi, nơi ở, vì HIV không lây truyền qua những tiếp xúc thông thường… Đồng thời, việc yêu cầu xét nghiệm hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV là vi phạm quyền trẻ…

Theo Báo Pháp luật Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video