Hiệu quả từ loại hình Câu lạc bộ nữ doanh nhân

27/08/2008
Trong những năm qua, mô hình Câu lạc bộ (CLB) phụ nữ đã được nhân rộng và đạt được những kết quả đáng kể trong việc tập hợp và thu hút phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Ở Văn Lâm (Hưng Yên), loại hình CLB nữ doanh nhân đang phát triển mạnh và từng bước thể hiện rõ vai trò tác động của Hội LHPN trong doanh nghiệp.

Nằm giáp với Thủ đô Hà Nội, có quốc lộ 5 chạy qua, huyện Văn Lâm có điều kiện thuận lợi về nguồn nhân lực, thị trường để thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp. Với những lợi thế đó, những năm qua, Văn Lâm đã trở thành huyện mạnh nhất trong tỉnh Hưng Yên có các dự án phát triển công nghiệp và thực hiện tốt quá trình công nghiệp hóa. Do có đất chuyển đổi sang công nghiệp nên phần lớn người dân trong đó có chị em phụ nữ không có đất để sản xuất nông nghiệp. Một số người dân làm việc trong các công ty, số còn lại chuyển sang sản xuất, kinh doanh. Trước tình hình đó, Hội LHPN huyện Văn Lâm đã đi sát với từng cơ sở, nghiên cứu, tìm tòi nhằm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với đặc thù của địa phương. Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã tham mưu với Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh thành lập loại hình CLB nữ doanh nhân để tập hợp và giúp đỡ chị em làm doanh nghiệp.

CLB nữ doanh nhân đầu tiên đã được thành lập ở xã Lạc Hồng cũng là CLB nữ doanh nhân đầu tiên của tỉnh Hưng Yên được chị em hưởng ứng mạnh mẽ và bước đầu mang lại hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có tổng số 95 CLB phụ nữ, trong đó có 9 CLB nữ doanh nhân trong tổng số 29 CLB nữ doanh nhân toàn tỉnh, chiếm 31%. CLB là nơi tập hợp, thu hút các chị em làm nghề kinh doanh, sản xuất, buôn bán nhỏ, là nơi chị em được trang bị những kiến thức cơ bản về kinh doanh, về marketing và cách quản lý tài chính. Đây cũng là diễn đàn để chị em có dịp trao đổi những kinh nghiệm hay, những bài học quý trong kinh doanh, được tuyên truyền về văn hoá, văn minh trong thương nghiệp, cách giao tiếp với khách hàng... Loại hình CLB này đã mang lại sức hấp dẫn cao đối với những nữ chủ doanh nghiệp.

Mỗi CLB khi thành lập đều xây dựng quy chế hoạt động riêng, nhưng hầu hết các CLB đều sinh hoạt theo tháng, quý và các ngày lễ lớn của Hội, của đất nước như 8/3, 19/5, 20/10… với nhiều nội dung sinh hoạt phong phú. Ngoài những nội dung trao đổi về lĩnh vực kinh doanh, chị em còn được tìm hiểu về các hoạt động của Hội, cách chăm sóc sức khoẻ, xây dựng cuộc sống gia đình, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, được trực tiếp tham gia giao lưu văn hoá - văn nghệ…

Với nhiều nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực nên mặc dù rất bận rộn với công việc kinh doanh, song hầu hết chị em đều dành thời gian tham gia sinh hoạt CLB. Có chị vừa kinh doanh giỏi vừa làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm CLB như chị Nguyễn Thị Síu ở Lạc Hồng, chị Dương Thị Ngân, chị Nguyễn Thị Thoa, chị Phạm Thị Cảnh ở Lạc Đạo…

Chị Síu tâm sự: “Tôi tham gia CLB từ năm 2003, được chị em tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm CLB. Trước đây, do kinh tế khó khăn nên gia đình tôi quyết tâm mở xưởng sản xuất gỗ nhưng kinh nghiệm và kiến thức về kinh doanh chưa nhiều. Từ khi tham gia CLB, được hiểu biết rộng hơn về kiến thức kinh doanh tôi đã mạnh dạn mở rộng sản xuất bàn ghế cao cấp, đưa đi xuất khẩu và được các thị trường khó tính trong và ngoài nước chấp nhận…”. Đến nay, xưởng sản xuất gỗ của chị có số vốn trên 3 tỷ đồng, thu hút hơn 30 lao động với mức lương trung bình từ 800.000 đồng - 1.200.000 đồng, mỗi năm cho thu lãi gần 200 triệu đồng. Gia đình chị đã sắm được một ô tô con trị giá 700 triệu đồng và xây nhà cao tầng với đầy đủ tiện nghi.

Các thành viên của CLB nữ doanh nhân thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn doanh nghiệp do Hội LHPN tổ chức. Qua các lớp tập huấn, chị em được trang bị kiến thức về nhận thức kinh doanh như hướng dẫn đăng ký kinh doanh, phẩm chất đạo đức của người kinh doanh; kiến thức về Marketinh như nghiên cứu thị trường, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, địa điểm kinh doanh, phương pháp quảng cáo sản phẩm, cách quản lý tiền mặt, hạch toán lỗ, lãi… Hầu hết các nữ chủ doanh nghiệp khi mới bước vào kinh doanh đều rất rụt rè và sợ mạo hiểm, vốn hiểu biết về thương trường còn hạn chế. Được lĩnh hội những kiến thức cơ bản trong kinh doanh, chị em có thêm kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường để tiếp tục mở rộng và phát triển sản xuất. Tham gia sinh hoạt CLB, được Hội LHPN giúp đỡ từ khi khởi sự doanh nghiệp như cho vay vốn, hướng dẫn cách làm, đến khi doanh nghiệp của các chị kinh doanh có hiệu quả Hội lại giới thiệu, cung cấp nguồn lao động nhàn rỗi, góp phần tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ và con em họ có việc làm. Thông qua CLB nữ doanh nhân, Hội LHPN trở thành cầu nối hai chiều làm cho hội viên và các doanh nghiệp nữ cùng phát triển, góp phần nâng cao uy tín của Hội.

Để hoạt động CLB thêm phong phú, chị em đã tình nguyện tham gia xây dựng quỹ CLB. Số quỹ hàng năm của các CLB có từ 5 đến 6 triệu đồng dùng để thăm hỏi chị em lúc ốm đau, thưởng động viên con em thành viên trong CLB đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp và thi đỗ vào đại học, ủng hộ các loại quỹ của địa phương. Ngoài ra CLB còn tổ chức cho chị em đi thăm quan các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh.

Đứng trước cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nhân nữ cần phải tạo thế chủ động, mạnh mẽ và quyết đoán trên thương trường. Hội đồng doanh nhân nữ phối hợp với Hội LHPN Việt Nam đã kiến nghị lên Chính phủ dành nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nhân nữ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp kinh doanh cá thể và cộng đồng doanh nhân nữ ở nông thôn… Bởi hầu hết các mặt hàng do chị em kinh doanh, sản xuất đều là các mặt hàng có vốn ít, quay vòng nhanh, mức rủi ro thấp lại tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi… sẽ có nhiều ưu thế và linh hoạt trong sự biến động của nền kinh tế thịtrường. Từ mô hình CLB nữ doanh nhân ở huyện Văn Lâm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo nhân rộng mô hình CLB này tới 10/10 huyện - thị Hội, giúp cho nữ chủ doanh nghiệp trong toàn tỉnh có cơ hội tiếp cận với các kiến thức doanh nghiệp cơ bản nhất để phát triển doanh nghiệp.

Loại hình CLB nữ doanh nhân ở Văn Lâm đã và đang tạo ra một cộng đồng đoàn kết cùng nhau xây dựng môi trường văn hoá trong kinh doanh, hỗ trợ nhau về nhiều mặt để cùng phát triển. Thành công trong xây dựng loại hình CLB nữ doanh nhân đã góp phần thu hút đông đảo hội viên tham gia, gắn bó với tổ chức Hội, góp phần vào thành tích chung của công tác Hội và phong trào phụ nữ của huyện nhà. Hội LHPN huyện Văn Lâm được Ban Thường vụ Huyện uỷ đánh giá là đoàn thể nổi bật nhất, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua nhiệm kỳ 2002 – 2007 và vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba giai đoạn 2003-2007./.

Lê Thị Hiền
Tỉnh Hội phụ nữ Hưng Yên

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video