Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ Trẻ em gái ở Hướng Hóa, Quảng Trị

01/08/2019
Nhiều năm qua, tình trạng kết hôn sớm (tảo hôn) diễn ra khá phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Những hủ tục như hứa hôn, cưỡng ép hôn nhân mang tính gả bán, tâm lý muốn có con đàn cháu đống, sớm có người nối dõi để gia đình có thêm người làm nương rẫy, quan niệm kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản, kết thân thêm thân trong gia đình không mang của cải sang họ khác... là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kết hôn sớm, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn.

Bên cạnh đó, sự nghèo đói, trình độ thấp, không có việc làm, thiếu hiểu biết pháp luật, hướng dẫn và thực thi pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình chưa được chú trọng đúng mức; một số nơi vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và gia đình chưa tốt... cũng là những nguyên nhân tác động, ảnh hưởng làm gia tăng tình trạng tảo hôn ở địa bàn huyện.

Theo thống kê của Trung tâm dân số KHHGĐ huyện Hướng Hóa, trong giai đoạn 2012-2017, trên địa bàn huyện có 618 cặp tảo hôn, trung bình một năm có trên 120 cặp tảo hôn. Tuổi nhỏ nhất kết hôn là 12 tuổi, độ tuổi kết hôn trung bình là 16 tuổi, đặc biệt ở xã Thanh độ tuổi kết hôn trung bình là 14,9 tuổi. Gần như 100% trẻ sau khi lấy vợ/lấy chồng đều không tiếp tục đi học. Trong năm 2017, tại xã Húc có thôn 42.9% bà mẹ mang thái dưới 18 tuổi. Đây là một vấn đề nhức nhối đáng quan ngại, nó không những vi phạm quy định của pháp luật mà còn ảnh hưởng chất lượng nòi giống, cuộc sống người dân, ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ em.

Tỷ lệ tảo hôn tập trung cao vào các xã đồng đào dân tộc thiểu số. Năm 2018, trong tổng số 582 cặp kết hôn trên địa bàn thì có đến 93 cặp tảo hôn.

Trước thực trạng trên, được sự nhất trí của Hội LHPN tỉnh Quảng Trị và Thường vụ Huyện ủy, Hội LHPN huyện Hướng Hóa đã tiến hành khảo sát, nắm số lượng các trẻ em gái tại các thôn có nguy cơ bỏ học, kết hôn sớm cao; tìm hiểu nhu cầu của phụ nữ và người dân địa phương, căn cứ vào đó để triển khai xây dựngmô hình CLB Trẻ em gái.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện đã có 29 câu lạc bộ Trẻ em gái với 554 thành viên tham gia. Các CLB sinh hoạt định kỳ 1 tháng một lần với thành phần ban chủ nhiệm là trẻ vị thành niên cốt cán, có kỷ năng tổ chức điều hành tốt hoạt động của nhóm để tổ điều hành các buổi sinh hoạt.

Khi mới thành lập các CLB, Hội đã tổ chức các lớp tập huấn về quy trình các bước tổ chức sinh hoạt và các kỹ năng cần thiết cho Ban chủ nhiệm các CLB để các em mạnh dạn, tự tin và có thể tự điều hành các buổi sinh hoạt theo các chủ đềđã lựa chọn. Nội dung sinh hoạt được xây dựng phong phú với các chủ đề về giáo dục kiến thức, sức khỏe chăm sóc vệ sinh cá nhân, kiến thức sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống. Ngoài ra, các tình nguyện viên còn hướng dẫn cách chế biến các món ăn truyền thống, các trò chơi dân gian,,thi cầu lông, đá cầu, bóng chuyền, tập hát, tập múa để giúp các em tự tin hơn. Đồng thời, bên cạnh các em luôn có các chị, các mẹ là tình nguyện viên, chi hội trưởng hỗ trợ các em trong quá trình tổ chức, điều hành sinh hoạt CLB.

Với những hoạt động thiết thực, bổ ích đó, CLB thực sự trở thành sân chơi bổ ích, giúp cho các em gái vùng khó khăn có được những kiến thức cơ bản, phát triển toàn diện, hài hòa về thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Để thúc đẩy sự phát triển của các CLB, hàng năm Hội LHPN huyện tổ chức các cuộc thi về tuyên truyền viên kiến thức sức khỏe sinh sản, hội thi phòng ngừa kết hôn sớm, vẽ tranh truyền thông, ... Thông qua đó tạo cơ hội để các thành viên CLB trên địa bàn huyện được giao lưu học hỏi và chia s kinh nghiệm hoạt động; Đồng thời góp phần giúp người dân và cộng đồng hiểu rõ hơn về hậu quả của kết hôn sớm và vai trò của gia đình trong việc giáo dục và chăm sóc con cái.

Để giúp các em có điều kiện tiếp tục học tập, học nghề, Hội LHPN huyện đã đề xuất với dự án Plan xây dựng 4 mô hình phát triển sinh kế do chính các em thực hiện với số vốn hỗ trợ hơn 120 triệu đồng. Các em được lựa chọn và xây dựng các mô hình chăn nuôi lợn bản, dê và ngan ngay tại địa phương; đồng thời được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cho vật nuôi tại các nhóm bằng phương pháp cầm tay chỉ việc nên hiệu quả các hoạt động sinh kế mang lại khá rõ nét, đem lại động lực và niềm vuicho các em khi tham gia CLB.

Em Hồ Thị Hà, thành viên của CLB phấn khởi cho biết, từ 9 con dê được cấp ban đầu cho nhóm(tháng 10/2018), đến nay đã phát triển được thêm 8 con. Hiện tại, nhiều hộ muốn đặt mua nhưng các em chưa bán vì muốn chăm sóc để phát triển thêm số lượng đàn dê.

Em Hồ Thị Trang, một thành viên khác chia sẻ: “Từ khi em tham gia câu lạc bộ này, em rất là vui vì được biết thêm nhiều kiến thức bổ ích mà trước đó em không dám hỏi ai, thông qua các buổi sinh hoạt em có cơ hội được gặp gỡ các bạn cùng lứa tuổi của mình và cùng nhau xây dựng mô hình sinh kế của nhóm ngày càng phát triển. Từ đó em thấy rằng việc lấy chồng sớm rất là vất vả, ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai của bản thân, nên em muốn được đi học hoặc học nghề, sau này có việc làm rồi mới lấy chồng”.

Để mô hình hoạt động ngày càng hiệu quả, thời gian tới, Hội sẽ tăng cường phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương để triển khai các hoạt động định hướng nghề nghiệp, tạo việc làm cho các em, giúp cho các em xác định và định hướng tương lai trước khi nghĩ đến chuyện lập gia đình; kịp thời nắm bắt tình hình về tình trạng tảo hôn và những nguy cơ của đối tượng tảo hôn đến có những giải pháp phù hợp, kịp thời; đẩy mạnh nâng cao công tác tuyên truyền và chất lượng nội dung của các buổi truyền thông về tình trạng tảo hôn, đua ra những giải pháp để tiếp cận những nhóm đối tượng; đồng thời ưu tiên đối với những đối tượng khó tiết cận thông tin; tăng cường tuyên truyền, vận động từng bước nâng cao nhận thức của người dân và thay đổi những tư tưởng lạc hậu; đề cao và phát huy hơn nữa vai trò của trưởng thôn, những người có uy tin, già làng trưởng bản trong đồng bào DTTS huy động họ tham gia công tác tuyên truyền, vận động đồng bảo xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phòng chống tình trạng tảo hôn.

Thu Hòa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video