Hiệu quả từ mô hình cô đỡ thôn bản

18/09/2011
Thực hiện Dự án “Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản”, từ năm 2006 đến nay tỉnh Ninh Thuận đã cử 45 cô đỡ thôn bản là người đồng bào dân tộc thiểu số đi đào tạo chuyên môn tại Bệnh viện Từ Dũ, Tp.Hồ Chí Minh.

Với những kiến thức được học, từ năm 2007 đến nay, các cô đỡ thôn bản đã thực hiện khám thai cho 3.650 người, đỡ đẻ tại nhà cho 237 ca, tham gia đỡ đẻ tại Trạm y tế được 390 ca, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà sau khi sinh trong tuần đầu 778 người. Ngoài ra, các cô đỡ thôn bản còn tham gia tư vấn, vận động phụ nữ tham gia các chương trình chăm sóc sức khỏe, thực hiện KHHGĐ...

Bác sĩ Huỳnh Thăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: “Hầu hết các cô đỡ đều thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, khám thai, đỡ đẻ đúng kỹ thuật, tư vấn tốt về chế độ dinh dưỡng và kiến thức tự chăm sóc sức khoẻ cho người dân tại địa phương của mình; đồng thời thường xuyên thông tin hai chiều với các Trạm y tế cơ sở về số trẻ sẽ sinh, sẽ tiêm chủng trong tháng... rất hiệu quả”.

Chị Chamaléa Thị Thém ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung (Bác Ái) là một trong những cô đỡ thôn bản tiêu biểu. Tháng 5 năm 2007, khi Ban quản lý Dự án “Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản” tỉnh thông báo cử đi học nghiệp vụ cô đỡ thôn bản tại Bệnh viện Từ Dũ là Chamaléa Thị Thém nhận lời ngay. Chị Thém tâm sự: “Sau lần chứng kiến một sản phụ tử vong do tập quán sinh nở tại nhà, em ước mơ trở thành một bác sĩ để chữa bệnh, cứu người. Ước mơ chưa đạt, nhưng em cũng trở thành một cô đỡ thôn bản, giúp đỡ rất nhiều người dân địa phương.

Từ hiệu quả hoạt động của các cô đỡ thôn bản đã đào tạo, năm 2011 tỉnh ta tiếp tục tuyển chọn đào tạo thêm 30 cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số, huyện Bác Ái có 14; Ninh Sơn 7; Thuận Bắc 5; Thuận Nam 3 và 1 cô của huyện Ninh Hải.

Cũng theo bác sĩ Huỳnh Thăng Sơn: Thuận lợi của các cô đỡ thôn bản đó là họ đều người địa phương nên việc tuyên truyền, vận động chị em thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, cách phòng, chống dịch bệnh rất hiệu quả, nhờ đó tỷ lệ sản phụ bị tai biến, nhiễm trùng hậu sản, trẻ em bị uốn ván ở địa phương đã được hạn chế.

Với những nỗ lực của mình trong thời gian qua, đội ngũ cô đỡ thôn bản tỉnh nhà đã góp phần cùng ngành Y tế vận động người dân nâng cao nhận thức về làm mẹ an toàn, cách phòng tránh có thai ngoài ý muốn và các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản…

Theo baoninhthuan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video