Hỗ trợ phụ nữ nghèo - những kinh nghiệm hay của các Chủ tịch phụ nữ cơ sở giỏi

12/10/2009
Với lòng nhiệt tình, tận tâm và tâm huyết, nhiều cán bộ Hội phụ nữ ở cơ sở đã cố gắng, nỗ lực góp phần không nhỏ vào sự nghiệp XĐGN, phát triển kinh tế đất nước. Và tại ngày hội Giao lưu Chủ tịch Hội LHPN cơ sở giỏi 2009, các chị đã mang đến, chia sẻ cùng nhau những kinh nghiệm, nhất là những mô hình hoạt động có hiệu quả của địa phương mình.

Đó là mô hình giúp phụ nữ nghèo của Hội LHPN xã Đông Tân (Đông Sơn, Thanh Hoá), mô hình chuyển giao, hỗ trợ phương tiện sản xuất, đồ dùng gia đình cho phụ nữ nghèo Hội LHPN phường 3 (TP. Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu), mô hình phối kết hợp với các ban, ngành địa phương 4 nhà: Nhà nông + Nhà nước + Nhà khoa học + Nhà doanh nghiệp của LHPN xã Tân Phú (Đức Hoà, Long An) hay cách phát huy nội lực từ gia đình chị em được giúp của Hội LHPN phường Sông Hiến (thị xã Cao Bằng).vv...Mỗi mô hình, mỗi cách làm dù khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ: cùng đem lại hiệu quả và lợi ích cho người phụ nữ và gia đình, góp phần thu hút chị em đến với tổ chức Hội.

Với định hướng xây dựng kế hoạch cụ thể tới từng đối tượng phụ nữ nghèo ngay từ đầu năm, Hội LHPN xã Đông Tân, Đông Sơn, Thanh Hoá đã chỉ đạo các chi, tổ phụ nữ nắm danh sách hộ nghèo là chủ hộ, bình xét một phụ nữ làm chủ hộ khó nhăn nhất để tập trung giúp đỡ. Mục tiêu đặt ra là mỗi chi, tổ phụ nữ giúp đỡ một hộ phụ nữ nghèo. Ngoài việc thu hút các nguồn vốn qua các kênh vay vốn, Hội LHPN xã còn phát huy nội lực từ ngay phụ nữ như thành lập các tổ hùn vốn, quyên góp... cho phụ nữ nghèo vay không lấy lãi. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Đông Tân còn tích cực hỗ trợ chị em phụ nữ có điều kiện kinh tế trung bình vươn lên khá giả. Đây chính là nội lực của Hội, những chị em này lại chính là những người sẽ giúp đỡ các chị em nghèo khác. Hiện tại LHPN xã đang tập trung vào mô hình điểm trồng nấm và sẽ nhân rộng ra địa bàn khi đủ điều kiện cần thiết. 

Mô hình chuyển giao, hỗ trợ phương tiện sản xuất, đồ dùng gia đình cho phụ nữ nghèo của Hội LHPN phường 3, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lại có ý nghĩa riêng. Bên cạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn sản xuất, Hội LHPN phường còn phát động phong trào chuyển giao, hỗ trợ phương tiện sản xuất, đồ dùng gia đình cho phụ nữ nghèo. Khi biết một số gia đình phụ nữ mua trang bị phương tiện sản xuất, đồ dùng gia đình mới, Hội đứng ra vận động chị em chuyển các đồ dùng cũ còn giá trị sử dụng cho các hộ gia đình phụ nữ nghèo, chưa có điều kiện sắm sửa những trang thiết bị mới. Trong năm qua, Hội LHPN phường đã vận động chuyển giao được 6 ti vi, 10 bộ máy tính, hàng trăm bộ quần áo và vận dụng gia đình khác cho phụ nữ nghèo. Những vật dụng đó tuy giá trị không cao, nhưng đó là tình cảm của chị em phụ nữ phường 3 với tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Đó là mô hình phối kết hợp với các ban, ngành địa phương 4 nhà: Nhà nông + Nhà nước + Nhà khoa học + Nhà doanh nghiệp của Hội LHPN xã Tân Phú, Đức Hoà, Long An đã phát huy được tối đa sức lao động, tài nguyên của chị em phụ nữ nông thôn; vốn và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương; kiến thức, kỹ năng khoa học kỹ thuật của các nhà khoa học; giống, phương tiện sản xuất, bao tiêu sản phẩm... của doanh nghiệp. Mô hình hiện đang thu hút 19 gia đình hội viên phụ nữ tham gia. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã còn trích quỹ Hội mua bảo hiểm y tế cho các chị là uỷ viên BCH Hội LHPN xã không có phụ cấp hoạt động. Đây là việc làm hết sức thiết thực, đã khuyến khích, động viên kịp thời chị em hăng say, nhiệt tình với phong trào phụ nữ.

Các mô hình "3 trong 1": Cán bộ chi tổ + Nhà hảo tâm + Cán bộ chính quyền giúp 1 người cũng đã được nhiều cơ sở Hội triển khai ở Kon Tum, Bình Phước và Lạng Sơn. Cũng với phương thức vận động các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nữ chung tay hỗ trợ phụ nữ nghèo, phụ nữ cơ sở ở Kon Tum đã quyên góp kinh phí hảo tâm từ các doanh nghiệp thành lập quỹ “Chung 1 tấm lòng”. Đây là nguồn Quỹ hỗ trợ cho các hộ gia đình phụ nữ nghèo xây, sửa nhà cửa hoặc mua máy móc phục vụ sản xuất. Hội phụ nữ cơ sở tại Kon Tum, Lạng Sơn đã vận động được một số Trung tâm thương mại, chợ hỗ trợ chị em phụ nữ nghèo bằng cách: ưu tiên những chị em này được kinh doanh không phải đóng thuế và trả tiền thuê mặt bằng. Hội LHPN các cơ sở tỉnh Bình Phước đã huy động được sự hỗ trợ của nông trường cao su bằng cách nhận chị em phụ nữ nghèo vào làm cỏ, đồng thời cho chị em mượn đất để trồng xen canh rau trên đất trồng cao su. Với cách thức này, chị em có thu nhập từ 2 nguồn: phí làm cỏ và tiền lãi từ việc trồng rau. Hội LHPN xã Hưng Vũ, Bắc Sơn, Lạng Sơn đã vận động được chị em làm dịch vụ cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu cung cấp cho phụ nữ nghèo bằng hình thức trả sau với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi.

Huy động các nguồn lực ngay tại cộng đồng cũng là những kinh nghiệm hay mà các Chủ tịch Hội LHPN chia sẻ. Hội LHPN cơ sở tỉnh Bình Phước đã triển khai có hiệu quả mô hình "5 giúp 1", "10 giúp 1". Với mô hình này, cứ một chị phụ nữ nghèo được 5 hoặc 10 chị em phụ nữ có điều kiện kinh tế khá hơn giúp đỡ bằng các hình thức: cho vay vốn, hỗ trợ ngày công...

Hội LHPN phường Sông Hiến, thị xã Cao Bằng chia sẻ kinh nghiệm phát huy nội lực từ gia đình chị em được giúp. Trước khi thực hiện các hoạt động cấp phát vốn, cán bộ Hội trực tiếp đến từng gia đình hội viên trong diện được vay, gặp gỡ, tuyên truyền, vận động cả gia đình (chồng, con) cùng cam kết sử dụng đồng vốn có hiệu quả. Các thành viên trong gia đình cùng chung tay, góp sức, tận dụng tài nguyên có sẵn của gia đình (ruộng nương, đất đai, ao hồ, sức lao động...) để sản xuất. Bên cạnh đó, Hội LHPN xã còn hướng dẫn chị em trả góp dần nguồn vốn theo từng quý bằng cách huy động kinh phí từ các thành viên trong gia đình. Phương thức trả góp này giúp chị em nhẹ nhàng trong việc trả vốn, lãi. Cũng với phương thức phát huy nội lực, Hội LHPN Hưng Vũ (Bắc Sơn, Bắc Ninh đã thu hút được trên 1 tỷ đồng, Hội phụ nữ xã Tân Phú (Đức Hoà, Long An) thu hút được 440 triệu cho chị em phụ nữ nghèo vay.

Còn rất nhiều những kinh nghiệm hay khác mà chị em đã chia sẻ như: có kế hoạch tập trung giúp đỡ những chị em nghèo theo từng trường hợp cụ thể; tập trung vào những cây con giống có thu nhập cao; phát triển kinh tế mũi nhọn theo thực tế địa bàn; vận động sự hỗ trợ của chị em bằng ngày công, cây lá; phân loại phế liệu để bán; kêu gọi dự án khôi phục làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm...

Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm, các chị Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở còn mang tiếng nói, nguyện vọng của chị em phụ nữ từ các vùng miền của Tổ quốc đến với TW Hội LHPN Việt Nam với mong ước phong trào phụ nữ ngày càng vững mạnh, đời sống của chị em ngày càng được cải thiện.

Quỳnh Anh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video