Hòa Bình: Hàng trăm trẻ mồ côi được các cấp Hội nhận đỡ đầu

07/07/2022
Triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội LHPN tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các cấp Hội phối hợp rà soát, lập danh sách trẻ em mồ côi trên địa bàn toàn tỉnh để kịp thời hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, qua đó góp phần xoa dịu nỗi đau, trở thành điểm tựa vững chắc để các em mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, phát triển toàn diện, yên tâm học tập, trưởng thành trong cuộc sống.
Triển khai chương trình "Mẹ đỡ đầu" tại huyện Yên Thủy

Qua rà soát đến tháng 6/2022, toàn tỉnh Hoà Bình có 1.953 trẻ mồ côi, trong đó 66 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 1.887 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, 15 trẻ mồ côi do dịch bệnh COVID-19. Nhằm đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là mồ côi do ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã tích cực vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, các tổ chức, cá nhân hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu”; lựa chọn hình thức, cách thức hỗ trợ, nhận đỡ đầu và xây dựng quy trình nhận đỡ đầu phù hợp ; làm tốt vai trò kết nối giữa “Mẹ đỡ đầu” và các em, tiếp nhận và phân bổ nguồn lực hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu nuôi dưỡng trẻ trong khuôn khổ chương trình, đảm bảo các em được tiếp cận và sử dụng hiệu quả.

Đến ngày 28/6/2022, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng 93 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong đó có 03 trẻ mồ côi cha/mẹ do dịch covid-19) với tổng giá trị hỗ trợ là 362.500.000 đồng (trong đó: Hội LHPN cấp huyện/TP: đã nhận đỡ đầu 26 trẻ; cấp cơ sở nhận đỡ đầu 67 trẻ). Tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị mà các cơ sở Hội có sự hỗ trợ về tiền mặt, thực phẩm, đồ dùng học tập phù hợp, mức hỗ trợ từ 200-500 nghìn đồng/cháu/tháng, hoặc tặng sổ tiết kiệm, học bổng đến khi 18 tuổi … Cũng tuỳ điều kiện, mẹ đỡ đầu sẽ hỗ trợ thêm tiền, vật chất, xe đạp, đồ dùng học tập, đồ sinh hoạt hàng ngày. Để chương trình đạt ý nghĩa đúng như tên gọi – “Mẹ đỡ đầu”, các cấp Hội không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ về tinh thần, thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ… tạo cho trẻ không cảm thấy cô đơn, có thêm niềm tin, tình cảm ấm áp trong cuộc sống.

Đã có nhiều điển hình tập thể, cá nhân thực hiện tốt Chương trình Mẹ đỡ đầu như: Tập thể Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã tham mưu Đảng ủy Công an tỉnh, vận động đóng góp của sỹ quan, công nhân viên trong ngành nhận đỡ đầu 13 cháu, các cháu được nhận chăm sóc đỡ đầu sẽ được kinh phí hỗ trợ trị giá 500.000 đ/cháu/tháng, tiến hành hỗ trợ các cháu theo Quý, kinh phí thực hiện giai đoạn 1 (2022, 2023) là 156 triệu đồng. Hội LHPN xã Ngọc Lương, huyện Yên Thuỷ đã vận động, kết nối tốt nguồn lực thực hiện, kết nối được mẹ đỡ đầu là 01 hội viên phụ nữ trực tiếp nhận đỡ đầu, chăm sóc  01 trẻ mồ côi tại địa bàn với mức hỗ trợ bằng hiện vật trị giá 450 nghìn đồng/tháng, trong vòng 5 năm; Hội LHPN huyện Lạc Sơn nhận đỡ đầu 01 cháu đến 18 tuổi.

Bà Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Sau 6 tháng triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao của cán bộ, hội viên phụ nữ và các tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm trong tỉnh, khẳng định ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của phụ nữ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, chung tay, góp sức cùng chính quyền các cấp giúp đỡ, chăm lo, nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Để chương trình thực sự lan tỏa và có tính bền vững, thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Hoà Bình tiếp tục thực hiện tốt chương trình; tăng cường tuyên truyền đến hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân hiểu ý nghĩa nhân văn của chương trình; vận động, kết nối tổ chức, cá nhân, nhất là phụ nữ tại địa phương nhận hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại gia đình; quan tâm chăm sóc trẻ về sức khỏe, tâm lý, tình cảm… để trẻ có cơ hội phát triển toàn diện, giúp các em có tương lai tươi sáng hơn”.

Đinh Thùy

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video