Hội LHPN huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng thành công với mô hình tổ hợp tác chăn nuôi, trồng trọt

25/10/2013
Mô hình chăn nuôi, trồng trọt này được Hội LHPN huyện Thạnh Trị chọn ấp số 9, thị trấn Hưng Lợi để triển khai thực hiện.

Ấp số 9 có đông đồng bào Dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 72,93%), là một ấp thuần nông, số hội viên nghèo chiếm 24/76 hộ, trong đó Khmer 22 hộ.

Năm 2011, mô hình tập thể tổ hợp tác chăn nuôi chính thức được thành lập với tổng số 30 thành viên tham gia. Trình độ chị em hội viên thấp, chưa hiểu rõ cách làm ăn theo kiểu hợp tác, còn ngần ngại nhưng được sự chỉ đạo trực tiếp của Hội cấp trên, cấp uỷ chính quyền địa phương, ban chủ nhiệm đã vận động chị em phụ nữ trong tổ tiết kiệm tham gia tổ hợp tác để có điều kiện phát triển chăn nuôi, tạo thu nhập cho chị em. Với cách làm góp vốn xoay vòng 50.000đ/thành viên/tháng, đầu tư cho chăn nuôi heo nái, lãi suất cho vay là 1% được nhập quỹ tăng vốn và để chi phí quản lý sổ sách. Tổ phân công thành viên liên hệ địa điểm, hợp đồng với thú y, mua con giống tốt nhằm tránh rủi ro, điểm bán thức ăn, thời điểm xuất chuồng, giới thiệu chọn mối lái….

Để nâng cao kiến thức chăn nuôi cho các thành viên, tổ đề xuất với Hội cấp trên phối hợp với trạm khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn như: hướng dẫn cách chăn nuôi heo, kỹ thuật nuôi gà thả vườn,... Có kỹ thuật nên chăn nuôi được mở rộng, từ 20 heo nái giống ban đầu đến nay đã tăng lên 79 con. Hằng năm tổ xuất chuồng được 2,65 tấn heo, thu lãi được 12.720.000 đồng sau khi đã trừ chi phí. Ngoài ra có thêm 5 thành viên trong tổ còn phát triển thêm mô hình chăn nuôi gà thả vườn, đã xuất chuồng được 2.500kg, sau khi trừ đi chi phí mỗi hộ có lãi từ 7 – 10 triệu đồng.

Trong canh tác nông nghiệp, 30 thành viên trong tổ có diện tích đất canh tác hơn 34ha, trong vụ đông xuân vừa rồi tổ hợp tác sản xuất cùng một loại giống, xuống giống đồng loạt, bơm tưới tập trung…năng suất bình quân 6,8 tấn/ha, cao hơn so với vụ hè thu...

Bên cạnh các hoạt động chăn nuôi, sản xuất, tổ còn tích cực thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với hình thức nuôi heo đất. Mỗi ngày tùy theo điều kiện gia đình, các chị bỏ vào heo từ 3.000 – 5.000 đồng, khi có thu nhập cao các chị sẽ tiết kiệm nhiều hơn, đây là số tiền các chị tiết kiệm từ chi tiêu hàng ngày trong gia đình. Kết quả cuối năm 2012, các chị đập ống heo, thu được tổng số tiền tiết kiệm 64.455.000đ. Số tiền này các chị dùng để mua sắm dụng cụ trong gia đình, nuôi con ăn học…

Các thành viên trong ban chủ nhiệm tổ hợp tác đã có nhiều sáng kiến hay, việc làm cụ thể như: phong trào tiết kiệm góp xi măng xây nhà ở, sửa chữa chuồng trại, sân... Kết quả từ 2012 đến nay, đã tiết kiệm được 720 bao xi măng, giúp cho 24 chị được nhận để cất nhà, làm làm sân phơi, xây chuồng, nâng cấp nhà…. với tổng trị giá 68.400.000đ. Cách làm năng động, nhiệt tình của ban chủ nhiệm tổ hợp tác đã mang lại sự tín nhiệm, niềm tin yêu của các thành viên, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong chị em.

Với nhiệm vụ của Chi hội phụ nữ là vận động thuyết phục các tầng lớp phụ nữ vào tổ chức Hội; tuyên truyền kiến thức, hỗ trợ phụ nữ chăm lo việc nhà, góp phần xây dựng phát triển kinh tế gia đình giảm nghèo, vươn lên khá giàu, gắn với thực hiện phong trào thi đua và 6 nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, việc hình thành và phát triển mô hình hợp tác chăn nuôi, trồng trọt của chi hội phụ nữ ấp số 9 đã mang lại kết quả tích cực. Chi hội đã nhận được giấy khen của tỉnh Hội, UBND huyện, huyện Hội và được báo cáo điển hình tại hội nghị huyện ủy. Năm 2012 được UBND huyện khen tặng là mô hình Dân vận khéo.

Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video