Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn: Phát triển các CLB nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ

10/12/2010
Trước nguy cơ gia tăng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán, Hội Phụ nữ tỉnh đã thành lập các mô hình phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em. Các mô hình này bước đầu hoạt động có hiệu quả, góp phần ngăn ngừa tội phạm.

Được sự giúp đỡ của Quỹ phát triển phụ nữ Liên hợp quốc trong việc thực hiện dự án “Xúc tiến đa tổ chức tiếp cận dựa vào cộng đồng nhằm giải quyết hai vấn nạn song hành buôn bán phụ nữ, trẻ em (BBPNTE) và HIV/AIDS”, thời gian qua Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hôi LHPN huyện Tràng Định thành lập các mô hình câu lạc bộ (CLB) ở các xã. Theo đó, từ năm 2009 đến nay đã có 16 CLB “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ” và CLB “Người đàn ông thân thiện” được thành lập ở 8 xã, thị trấn gồm: Thị trấn Thất Khê, xã Đề Thám, Chi Lăng, Hùng Sơn, Đội Cấn, Tân Minh và Đào Viên. Với số thành viên tham gia gần 500 người, CLB tổ chức sinh hoạt nhóm định kỳ 3 tháng/ lần. Các hoạt động của CLB nhằm mục đích: tăng cường quyền lực cho phụ nữ, các chị được giao lưu, cung cấp thông tin, kiến thức về quyền con người, bình đẳng giới, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS… Qua đó, giúp chị em nâng cao nhận thức để phòng, chống lây nhiễm HIV/ AIDS, phòng, chống BBPNTE; đặc biệt đối với phụ nữ bị buôn bán trở về và có H được chia sẻ, vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng. Cùng với huyện Tràng Định, năm 2010 mô hình CLB “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ” được nhân rộng thêm ở 2 xã: Tân Văn và Tô Hiệu (Bình Gia). Tại các xã này, ngoài nội dung sinh hoạt CLB, các thành viên còn tiến hành phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống buôn bán người, bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực gia đình… tổng số phát được 33.000 tờ rơi tới 100% hộ gia đình thuộc 2 xã trên và 50% số hộ gia đình trên địa bàn huyện. 

  

Có thể khẳng định, thông qua hoạt động của CLB, các nạn nhân bị buôn bán trở về, phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị buôn bán thực sự được quan tâm, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, xoá bớt mặc cảm, có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Bằng hình thức cụ thể, hai năm qua, chị em tham gia CLB, định kỳ 6 tháng được khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí; giúp đỡ 1 phụ nữ bị buôn bán trở về đến “ Ngôi nhà bình yên” ở Hà Nội để được hưởng các dịch vụ hỗ trợ. Hiệu quả nhất là 2 năm qua, ở các huyện thành lập CLB trên đều không xảy ra trường hợp nào bị buôn bán ra nước ngoài. Từ thực tế hoạt động, kinh nghiệm rút ra trong việc xây dựng, phát triển các mô hình phòng, chống BBPNTE là nâng cao hơn nữa chất lượng sinh hoạt của các CLB, tổ phụ nữ chuyên đề, xây dựng đội ngũ hội viên nòng cốt tạo nên sự hấp dẫn của các mô hình. Nguồn tài liệu cần được đáp ứng đầy đủ hơn. Quan tâm xây dựng mô hình thích hợp để thu hút những phụ nữ cao tuổi, phụ nữ cư trú không ổn định hay nữ học sinh, sinh viên nghỉ hè tham gia sinh hoạt, khen thưởng, động viên kịp thời những mô hình có các sáng kiến hoạt động hiệu quả.

 

Trong thời gian tới, để các mô hình CLB tiếp tục phát huy hiệu quả, thu hút tập hợp đông đảo hội viên, các các ngành cần phối kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách liên quan đến quyền phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, tăng cường giúp đỡ và có chính sách hỗ trợ đối với những người là nạn nhân bị buôn bán trở về hòa nhập với cộng đồng.

Theo baolangson.com

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video