Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa thành lập nhiều mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ

01/06/2020
Triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (đề án 939), Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã tích cực đồng hành cùng phụ nữ trong làm ăn, phát triển kinh tế, đặc biệt là thành lập nhiều mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ
Thăm hợp tác xã dịch vụ và trồng cây ăn quả Xuân Thành

- Thành lập HTX dịch vụ và sản xuất rau củ quả an toàn Vạn Thắng

HTX dịch vụ và sản xuất rau củ quả an toàn xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống được thành lập với sự tham gia tự nguyện của 28 thành viên, tổng số vốn điều lệ 157 triệu đồng, trên diện tích quy hoạch là 6ha. Ngành nghề sản xuất kinh doanh của HTX là sản xuất rau, củ, quả đảm bảo quy trình sản xuất rau an toàn. Việc ra đời HTX là điều kiện thuận lợi cho hội viên, phụ nữ mạnh dạn thay đổi tư duy trong sản xuất, nhất là sản xuất, chế biến trong nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện khí hậu và thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần nâng cao đì sống thành viên.

Đồng thời HTX sẽ là cầu nối trong việc chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi; cung cấp các dịch vụ nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Phương án sản xuất của HTX hướng đến mục tiêu hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên; tạo ra sản phẩm đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường, đầu ra sản phẩm của thành viên HTX ổn định, chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận cao. Liên kết với công ty tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, đồng thời quảng bá sản phẩm, tiềm năng ra thị trường trong và ngoài nước.

- Ra mắt HTX dịch vụ và trồng cây ăn quả Xuân Thành

HTX dịch vụ và trồng cây ăn quả Xuân Thành được thành lập tại xã Xuân Hồng gồm 27 thành viên, với tổng diện tích đất sản xuất 100 ha. Các ngành, nghề sản xuất kinh doanh của HTX gồm: Trồng cây ăn quả, dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, bơm nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp cây giống, con giống, tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch, các sản phẩm nông nghiệp.

Mục tiêu của HTX là phát triển sản xuất cây ăn quả chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết với công ty bao tiêu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường đầu ra. HTX được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu liên kết sản xuất và tiêu thụ, tạo thành vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP, qua đó giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ gia đình, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế cho địa phương.

- Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản xã Yên Khương

Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản xã Yên Khương, huyện Lang Chánh có 36 thành viên. Tham gia mô hình, các thành viên được tham gia các lớp tập huấn KHKT về chăm sóc vật nuôi, được hỗ trợ mua thức ăn cho bò…. Đây là mô hình kinh tế tập thể thứ 3 Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ xã Yên Khương từ sau khi ký kết chương trình ““Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018 -2020”. Dịp này, Hội LHPN tỉnh tổ chức trao tặng 36 con bò sinh sản cho thành viên với tổng kinh phí gần 468 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng của các hộ là 108 triệu đồng.

- Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản tại xã Bát Mọt

Trao bò cho thành viên tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản xã bát Mọt, huyện Thường Xuân

Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản do phụ nữ làm chủ tại tại thôn Ruộng xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân có 15 hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo tham gia. Khi tham gia mô hình, các thành viên được tham gia tập huấn KHKT chăm sóc vật nuôi cho các hộ gia đình, liên kết với nhau trong chăn nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm. Để hỗ trợ mô hình, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức trao 10 con bò cho thành viên tổ hợp tác với tổng  kinh phí 100 triệu đồng. Từ sự hỗ trợ trên, Hội LHPN các cấp mong muốn khi được hỗ trợ sinh kế các chị sẽ tiếp tục vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Minh Yên Nhật Linh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video