Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế: Xây dựng 113 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình

13/02/2020
Từ khi Luật Phòng chống bạo lực gia đình có hiệu lực (ngày 01/7/2008), Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, hoạt động từ cấp tỉnh đến cơ sở nhằm phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGD), xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thi chung tay phòng chống bạo lực gia đình năm 2019

Các cấp Hội đã thường xuyên tổ chức các cuộc tập huấn, truyền thông về Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ, Công ước CEDAW, các văn bản hướng dẫn thi hành cho lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành, thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp, cán bộ Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở, các cng tác viên, giảng viên nguồn, đặc biệt trong đó có nhiều cán bộ chủ chốt là nam giới đã được tập huấn.

Hội cũng phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức các đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các huyện; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội cơ sở về công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo; tiến hành khảo sát 700 phụ nữ ở 10 xã xảy ra tình trạng BLGĐ cao về nhu cầu trợ giúp pháp lý; Phối hợp với Cục dân số tỉnh, Trung tâm phòng chống AIDS tổ chức 26 lớp tập huấn cho trên 1.000 tuyên truyền viên về Giới và sức khỏe sinh sản, giới và HIV/AIDS.

Đến nay, toàn tỉnh có 113 mô hình PCBLGĐ như: “Hạnh phúc gia đình”, “Phòng chống tệ nạn xã hội”,“Câu lạc bộ tiền hôn nhân”, “Câu lạc bộ HIV/AIDS”, “Gia đình phát triển bền vững”, “Gia đình hạnh phúc”, câu lạc bộ “Gia đình 5 không 3 sạch”, “Nam nông dân PCBLGĐ”,... 247 cơ sở tư vấn và 162 tổ hòa giải với 972 hòa giải viên, 121 cơ sở khám chữa bệnh, việc bố trí nơi tạm lánh, điều trị, sơ cấp cứu và tư vấn cho nạn nhân BLGĐ bước đầu có hiệu quả.

Nổi bật, 228 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững đang hoạt động có hiệu quả, đã thu hút sự tham gia của nhiều gia đình với những điều kiện sống và hoàn cảnh khác nhau. Đây là nơi để gặp gỡ, chia sẻ những vấn đề thường gặp trong cuộc sống, cung cấp cho các gia đình những kiến thức BLGĐ và cách PCBLGĐ. Thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình cũng được kịp thời giúp đỡ và can thiệp kịp thời.

Mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng đã góp phần kịp thời hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ có nơi tạm lánh, giúp đỡ chị em những nhu cầu thiết yếu khác nhằm tránh rủi ro về sức khoẻ, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả BLGĐ. 579 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 01 Trung tâm tư vấn pháp luật hoạt động đã tham gia thực hiện hoà giải thành nhiều vụ mâu thuẫn gia đình; tư vấn, tiếp nhận, giúp đỡ nhiều nạn nhân bị BLGĐ...

Sự chủ động, tích cực của các cấp Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế đã góp phần đưa Luật PCBLGĐ đi vào cuộc sống, được cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các cơ quan, đoàn thể quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện đạt kết quả. Người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã bước đầu nhận thức được nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình, hiểu được những hậu quả nặng nề mà BLGĐ gây ra từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc nói không và chống lại BLGĐ. Chị em phụ nữ khi bị bạo lực đã biết tìm đến các tổ chức, tập thể, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để được tư vấn, giúp đỡ. Tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh giảm từ 425 vụ (năm 2008) xuống còn 267 vụ (năm 2018), tỷ lệ nạn nhân của BLGĐ được phát hiện, tư vấn về pháp lý và sức khỏe đạt tỷ lệ 87,5%, tỷ lệ được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ là 70%; tỷ lệ người gây bạo lực gia đình được phát hiện tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ là 85,5%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCBLGĐ vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, trong đó nổi cộm là công tác phát hiện, xử lý, giải quyết vụ việc BLGĐ trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nạn nhân bị bạo lực còn mặc cảm, e ngại, các thành viên gia đình còn che giấu, không tố giác hành vi BLGĐ; định kiến giới, tư tưởng trọng nam kinh nữ vẫn còn tồn tại dai dẳng là nguyên nhân lớn xảy ra BLGĐ; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh đối với hành vi bạo lực gia đình...

Thời gian tới, để công tác PCBLGĐ có hiệu quả, các cấp Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, can thiệp, hỗ trợ phụ nữ bị BLGĐ; Đặc biệt là giám sát việc thi hành Luật PCBLGĐ ở các cấp địa phương nhằm tăng cường hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi người dân trong việc thực thi các nội dung của Luật, góp phần xây dựng môi trường an toàn thực sự từ mỗi gia đình cho phụ nữ, trẻ em.

Hội LHPN tỉnhThưà Thiên Huế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video