Hội LHPN TP Huế: Xây dựng nhiều mô hình tổ liên kết sản xuất hiệu quả

19/09/2018
Từ ngày “Tổ liên kết đúc bờ lô” thuộc Hội LHPN phường An Tây, TP Huế được thành lập, các thành viên ai cũng phấn khởi. Các chị không còn sản xuất đơn lẻ, mạnh ai nấy làm mà thực hiện theo quy chế chung là sản xuất đảm bảo chất lượng, xây dựng mức giá cả chung, hỗ trợ nhau vốn phát triển kinh tế thông qua việc đóng mỗi người 500 nghìn đồng/tháng...

Chị Châu Thị Diệp, thành viên tổ liên kết cho biết: "Vào tổ liên kết, chị em có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, khi cần thiết có thể hỗ trợ máy móc, nhân công nên thuận lợi hơn nhiều". Còn chị Châu Thị Kim Tuyết, một thành viên khác phấn khởi: "Đúc bờ lô tuy vất vả nhưng thu nhập cũng khá, mỗi thành viên trung bình thu nhập được vài ba trăm nghìn. Thỉnh thoảng chị em đóng góp kinh phí tổ chức đi chơi, bù đắp những cực nhọc nên ai cũng rất vui".

Chị Phạm Thị Thu Cúc, Chủ tịch Hội LHPN phường An Tây cho biết: Đúc bờ lô là nghề được nhiều người dân phường An Tây chọn để lập thân lập nghiệp từ hàng chục năm nay, trong đó có nhiều hội viên phụ nữ. Để xây dựng mô hình tổ liên kết đúc bờ lô giúp các chị phát triển kinh tế, Hội LHPN phường đã tổ chức khảo sát, thu thập thông tin về thực trạng lao động sản xuất kinh doanh sản phẩm bờ lô trên địa bàn phường; hỗ trợ các thủ tục thành lập, tổ chức ra mắt giới thiệu mô hình tạo việc làm tại chỗ cho lao động... Hiện tổ liên kết có 15 thành viên, tạo việc làm ổn định cho khoảng 40 lao động nữ, với mức thu nhập mỗi tháng từ 5 đến 6 triệu đồng/người. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ chị em làm thủ tục để đăng ký thương hiệu sản phẩm bờ lô cho tổ liên kết để dễ cạnh tranh và mở rộng thị trường”, chị Cúc cho biết.

Được biết, thời gian qua, Hội LHPN TP. Huế đã xây dựng nhiều tổ liên kết sản xuất, thu hút nhiều hội viên phụ nữ tham gia như: "Tổ liên kết giới thiệu sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ và sản phẩm bánh truyền thống của phụ nữ Huế", “Tổ liên kết đào tạo nghề và sản xuất hàng may mặc” của phụ nữ phường Phú Hậu, “Khu ẩm thực và mua sắm tại vườn hoa Diệu Đế” với 16 gian hàng của Hội LHPN phường Phú Cát... Từ các mô hình này, đã có nhiều hội viên phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp và đã thành công. Tiêu biểu là chị Huỳnh Thị Phương Ngọc, chi hội 19, phường Trường An kinh doanh thành công các mặt hàng sành sứ gia dụng; chị Phạm Thị Bảo Trâm, hội viên chi hội 7, Hội LHPN phường Phú Thuận khởi nghiệp thành công với sản phẩm nghề in lụa, in bao bì, thiệp…

Chị Nguyễn Thị Thúy Ngân, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Huế cho biết, để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, hội đã tiến hành rà soát, thống kê các mô hình khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch, tập trung triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; đồng thời, xây dựng các mô hình liên kết giới thiệu sản phẩm của cán bộ, hội viên phụ nữ cũng như mô hình đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ. Tuy vậy, nhiều phụ nữ còn gặp khó trên con đường khởi nghiệp do hạn chế khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ít thông tin về thị trường, do điều kiện thực tế của địa phương. Các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thường gắn với buôn bán nhỏ, ít có ý tưởng sản xuất, kinh doanh hàng hóa quy mô lớn nên khó tiếp cận nguồn lực hỗ trợ, nhất là về vốn đầu tư.

Theo bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 -2025” và Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế” đã được thành lập. Trên cơ sở đó, quỹ sẽ có những chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ; đồng thời, sẽ tổ chức kết nối giữa các đơn vị doanh nghiệp để hội viên học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường.

Hải Thuận

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video