Hội LHPN Việt Nam hưởng ứng, phối hợp thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động

18/09/2020
Sáng 18/9/2020, Đại hội Thi đua yêu nước Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2020-2025 lần đầu được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với 64 điểm cầu trong cả nước. Tại điểm cầu Hà Nội, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã có bài tham luận với chủ đề “Hội LHPN Việt Nam hưởng ứng, phối hợp thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động”
Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tham luận tại Đại hội (nguồn ảnh: PNVN)

Cổng TTĐT Hội LHPN Việt Nam trân trọng giới thiệu nội dung bài tham luận:

Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. Với tư cách là của thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, những năm qua Hội LHPN Việt Nam đã vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động bằng cách lựa chọn những nội dung cụ thể, tập trung về cơ sở, đồng thời phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức thành viên khác của MTTQ trong quá trình triển khai thực hiện.

Tại Đại hội Thi đua yêu nước MTTQ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam xin báo cáo, chia sẻ một số cách làm và kinh nghiệm như sau:

1) Hưởng ứng PTTĐ và các cuộc vận động do MTTQ phát động bằng việc lựa chọn nội dung thi đua cụ thể, bám sát chủ trương của Đảng, nhiệm vụ chính trị của đất nước, mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ.

Hưởng ứng phong trào thi đua“Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế", Hội tiếp tục triển khai phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Bằng nhiều hoạt động, cách làm đổi mới, Hội đã khuyến khích phụ nữ tích cực học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; khuyến khích phụ nữ sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lao động, sản xuất, kinh doanh.

TW Hội tiếp tục duy trì các Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, Giải thưởng Kovalevskia hàng năm[1], các cuộc thi khuyến khích phụ nữ sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng KHCN (phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp), tặng Bằng khen, trao học bổng cho nữ sinh có thành tích học tập xuất sắc. Từ năm 2015-2020, Hội đã trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam cho 50 cá nhân nữ và 34 tập thể nữ xuất sắc trên các lĩnh vực; Giải thưởng Kovalevskia cho 07 cá nhân nữ và 03 tập thể nữ tiêu biểu; trao tặng 273 Bằng khen cho nữ Giáo sư/Phó Giáo sư và bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ trong nước.

Đặc biệt, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, từ năm 2018 đến nay, hàng năm, TW Hội tổ chức các cuộc thi “ Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” cấp vùng và toàn quốc nhằm hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo phát triển kinh doanh và khởi nghiệp. Đã có 7.640 phụ nữ có ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp được Hội hỗ trợ vay vốn với số tiền 85,3 tỷ đồng.

 Năm 2020, TW Hội lựa chọn 02/ 33 sáng kiến, ý tưởng mới tiêu biểu gửi Ủy ban TW MTTQ Việt Nam xét công nhận để xây dựng ấn phẩm “ Gương người Việt đoàn kết, sáng tạo”.

Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Hội tiếp tục triển khai Cuộc vận động“Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (với 8 tiêu chí: Không đói nghèo; không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ ba trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; Sạch nhà; sạch bếp; sạch ngõ làm trọng tâm thực hiện).

Điểm nổi bật trong thực hiện Cuộc vận động đó là Hội đã tập trung đề xuất cơ chế, tạo nguồn lực hỗ trợ phụ nữ  thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động. TW Hội đề xuất thành công đưa Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” vào nội dung Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020; đề xuất thành công 05 đề án; ký kết và thực hiện 34 chương trình phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức để hỗ trợ phụ nữ thực hiện các tiêu chí 5 không 3 sạch; 63 tỉnh/thành Hội đều đã đăng ký với UBND các Tỉnh/Thành phố tham gia xây dựng NTM bằng Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. 100% cơ sở Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền với hơn 15.000 phần việc/hoạt động xây dựng nông thôn mới.

Điểm mới trong triển khai thực hiện cuộc vận động này đó là Hội đã tăng cường vận động xã hội hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ, phụ nữ khó khăn, vùng sâu, vùng xa thông qua triển khai Chương trình“Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trong 3 năm (2018-2020) với cách làm bài bản, đổi mới như: huy động người nổi tiếng làm đại sứ của Chương trình để tăng hiệu quả truyền thông; có fanpage “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với gần 2.500 người theo dõi và tiếp cận, chia sẻ bài viết; mở chuyên mục “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trên trang Web Hội, Báo điện tử Phụ nữ Việt Nam; đăng ký Logo bản quyền và áo nhận diện của Chương trình; tổ chức các sự kiện truyền thông quy mô lớn. Chương trình được các đơn vị đồng hành tổ chức khảo sát nhu cầu, trên cơ sở đó tổ chức các hoạt động hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của hội viên, phụ nữ biên giới như xây dựng mô hình sinh kế; hỗ trợ công cụ sản xuất, vật nuôi, cây, phân bón, con giống, vốn vay; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao kiến thức đặc biệt là việc hỗ trợ kết nối, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ công trình dân sinh; tổ chức khám chữa bệnh; hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế… Kết quả, đã huy động nguồn lực khoảng 110 tỷ đồng hỗ trợ phụ nữ 155  biên giới khó khăn của cả nước.

Song song với tuyên tuyền vận động, Hội chú trọng chỉ đạo thí điểm và nhân rộng các mô hình hiệu quả như: Mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”. Mô hình tiết kiệm. Các mô hình hiệu quả về vệ sinh môi trường Qua thực hiện cuộc vận động đã có  10,7 triệu gia đình hội viên phụ nữ đạt 8 tiêu chí gia đình 5 không, 3 sạch; hơn 2 triệu lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp đỡ, trong đó gần 300 nghìn hộ đã thoát nghèo.

Đối với Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ gắn với vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”, khởi nghiệp, tham gia tổ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá góp phần xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Tổ chức mạng lưới liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thiết lập kênh phân phối, đưa hàng Việt đến người tiêu dùng với nhiều hình thức sáng tạo: TW Hội ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VnPost) xây dựng đội ngũ cộng tác viên là chi hội trưởng phụ nữ cung cấp hàng Việt Nam đến với hội viên, phụ nữ ở cơ sở; nhiều tỉnh/thành phối hợp với ngành công thương, các Hiệp Hội, Hội doanh nhân nữ, Hội doanh nghiệp nữ vừa và nhỏ tổ chức đợt bán hàng lưu động đưa “Hàng Việt về nông thôn”, đưa “Hàng Việt về vùng sâu, vùng xa”... tiêu biểu như Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã đi đầu, liên kết với các doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị trên địa bàn thành phố tích hợp ưu đãi trong Thẻ Hội viên nhằm gia tăng quyền lợi cho hội viên; phối hợp thành lập các điểm bán hàng tại khu dân cư, mở các điểm bán hàng bình ổn giá cho người nghèo, công nhân, sinh viên.

2) Ký kết và triển khai các hoạt động/chương trình phối hợp với Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

Hàng năm Hội LHPN Việt Nam ký kết chương trình phối hợp và thống nhất hành động với Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chương trình phối hợp thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ Việt Nam phát động đồng thời ký kết 05 chương trình phối hợp với Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: (1) đối ngoại nhân dân, (2) giám sát thực hiện công tác bầu cử, (3) công tác cán bộ nữ, (4) chính sách người có công, (5) an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường[2] đạt được nhiều kết quả cụ thể.

Qua công tác phối hợp, Hội LHPN Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung, điều chỉnh  đảm bảo thực hiện đúng chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, của hội viên phụ nữ, qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khích lệ động viên các tầng lớp nhân dân tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VN XHCN.

Qua triển khai phong trào thi đua, các cuộc vận động, Hội LHPN Việt Nam rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, việc phát động phong trào thi đua phải bám sát chủ trương của Đảng, các phong trào thi đua yêu nước của Nhà nước và Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nội dung thi đua càng thiết thực, phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu thực tế của hội viên, phụ nữ thì nhận được sự ủng hộ và hiệu quả càng cao. Bên cạnh phong trào thi đua, cuộc vận động theo giai đoạn, cần chú trọng các đợt thi đua ngắn hạn nhằm tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách (như: thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid -19 vừa qua đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân), các nhiệm vụ khó, gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hàng năm.

Hai là, luôn coi trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để cán bộ, hội viên, phụ nữ hiểu ý nghĩa của thi đua từ đó khuyến khích, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội và phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động.  

Ba là, cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, nhất là sự hiệp thương thống nhất hành động giữa MTTQ và các tổ chức thành viên trong triển khai phong trào thi đua, các cuộc vận động để tránh sự chồng chéo về nội dung, đối tượng đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa, nhân rộng các điển hình tiêu biểu.

Bốn là, chú trọng phát hiện điển hình trong phong trào quần chúng để kịp thời biểu dương, nhân rộng; có sự đầu tư xây dựng các mô hình, điển hình tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động; kịp thời tuyên truyền, giới thiệu điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.

Năm, gắn kết chặt chẽ thi đua với khen thưởng; khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thời điểm, cần đa dạng hoá các hình thức khen thưởng trong những bối cảnh cụ thể để kịp thời ghi nhận, biểu dương các tập thể, cá nhân tích cực trong phong trào thi đua và các cuộc vận động.


[1] Từ năm 2014 đến nay, Hội đã trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam cho 60 cá nhân nữ và 39 tập thể nữ xuất sắc trên các lĩnh vực; Giải thưởng Kovalevskia cho 07 cá nhân nữ và 03 tập thể nữ tiêu biểu.

[2] Chương trình phối hợp số 90/CTrPH/CP- ĐCTUBTWMTTQVN về “Vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực  phẩm giai đoạn 2016-2020”; Chương trình phối hợp số 25 /CTPH-MTTW-TCTV-TNMT, ngày 8/11/2017 giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2019; Chương trình phối hợp hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giữa UBTW MTTQ VN và các tổ chức thành viên của Mặt trận (2016-2019); Chương trình phối hợp số 02/CTrPH-MTTQ-HLHPN, ngày 31/12/2018 góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.Chương trình phối hợp số 30/CTPH-MTTQ-TCTV ngày 30/10/2018 về phối hợp giám sát, PBXH của MTTQVN và các đoàn thể chính trị- xã hội; Chương trình phối hợp thực hiện các cuộc vận động, PTTĐ yêu nước do MTTQ Việt Nam chủ trì năm 2020.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video