Hội LHPN Việt Nam sẵn sàng kết nối, liên thông văn bản điện tử vào Trục liên thông văn bản quốc gia

27/04/2020
Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo tại cuộc họp chiều 27/4/2020 bàn về phương án kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử của MTTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Cuộc họp về phương án kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp. Cuộc họp có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel; và các đơn vị chức năng của Văn phòng Chính phủ.

Tại cuộc họp, đại diện MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội nhận định, Trục liên thông văn bản quốc gia có ý nghĩa quan trọng; đồng thời bày tỏ mong muốn sớm được kết nối, liên thông văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia để gửi, nhận văn bản với các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành để gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ nhưng chưa kết nối được các cơ quan bên ngoài.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết, Hội LHPN Việt Nam đã sẵn sàng các kết nối các hệ thống của Hội vào hệ thống chung của Chính phủ. Trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh covid-2019, Hội đã có 2 lần họp trực tuyến với Chính phủ từ điểm cầu của Hội. Hiện, Hội đang phối hợp với Viettel hoàn thành các bước kết nối liên thông văn bản với Trục liên thông văn bản quốc gia, dự kiến sau 30/4 sẽ hoàn thành.

Ban Cơ yếu Chính phủ, VNPT, Viettel cho biết, hạ tầng và các dịch vụ do các đơn vị cung cấp đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện thực tốt liên thông; sẵn sàng hỗ trợ MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội liên thông văn bản với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giao Cục Kiểm soát thủ tục hành chính chủ trì, phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị chức năng triển khai ngay việc kết nối liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành vào Trục liên thông quốc gia. Cố gắng hoàn thành vào trung tuần tháng 5.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc kết nối liên thông văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia có thành công hay không là do quyết tâm của người lãnh đạo. Văn phòng Chính phủ đề nghị lãnh đạo MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội quan tâm, chỉ đạo để công tác liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa các đơn vị được triển khai hiệu quả.

Trục liên thông văn bản quốc gia khai trương ngày 12/3/2019, phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, 31 cơ quan Trung ương và 63 địa phương đã kết nối hệ thống quản lý văn bản và điều hành vào Trục liên thông, thường xuyên gửi, nhận văn bản điện tử. Dự kiến, đến 30/6/2020, hoàn thành kết nối hệ thống quản lý văn bản và điều hành của cả 4 cấp chính quyền vào Trục liên thông.

Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ đang triển khai kết nối và thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, một số cơ quan Tỉnh ủy, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, các doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Tổng cộng, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối tới 129 điểm, với khoảng 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video