Hội LHPN Việt Nam tham vấn chuyên gia về tài liệu thúc đẩy lồng ghép giới trong các chương trình mục tiêu quốc gia

26/06/2021
Sáng 25/6, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia để hoàn thiện tài liệu “Thúc đẩy lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới và Chương trình MTQG Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025”.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu mở đầu hội thảo

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương và Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt đồng chủ trì hội thảo cùng với sự góp mặt của đại diện lãnh đạo, cán bộ UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội, TW Hội LHPN Việt Nam, UN Women và các chuyên gia.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương chia sẻ, từ năm 2019, Hội LHPN Việt Nam đã tập trung đề xuất các nội dung về nâng cao chất lượng đời sống người dân, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em, phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Toàn cảnh buổi hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia về lồng ghép giới trong hai Chương trình MTQG

Đặc biệt, nhằm đưa ra các căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, những khoảng trống hiện nay, từ đó đề xuất, kiến nghị lồng ghép giới trong các chủ trương đầu tư mà Quốc hội sẽ xem xét thông qua cũng như các văn bản triển khai, chỉ đạo thực hiện của Chính phủ, các bộ ngành, TW Hội đã phối hợp với UB các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng chủ biên tài liệu vận động lồng ghép giới vào 2 Chương trình MTQG về xây dựng Nông thôn mới và Chương trình MTQG Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Góp ý vào bộ tài liệu này, tại hội thảo, các chuyên gia  đều nhất trí đánh giá bộ tài liệu có bố cục, số liệu minh chứng được đánh giá dễ hiểu, chi tiết, ngắn gọn, tính logic. Các đại biểu đề nghị nên tách các chỉ tiêu, nội dung thành hai Chương trình để có những đánh giá sâu sát, cụ thể, thu hút sự chú ý nhằm đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, các số liệu minh chứng cũng cần cụ thể hơn trong lĩnh vực giáo dục, nghề nghiệp liên quan đến phụ nữ đặc biệt là phụ nữ vùng nông thôn, miền núi, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, dự thảo mới chỉ nêu ra các chỉ tiêu chứ chưa đưa ra được các giải pháp, mô hình thiết thực; vấn đề truyền thông về bình đẳng giới cũng cần quan tâm nhiều hơn bởi môi trường nông nghiệp nông thôn vẫn rất phổ biến ở Việt Nam, do đó cần có các phương pháp truyền thông tới phụ nữ và người dân để họ nắm rõ quyền lợi nhằm thay đổi hành vi, nhận thức về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ trong xã hội.

Ông Lê Khánh Lương, Phó Vụ trưởng Vụ Bình Đẳng Giới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra quan điểm tách dự thảo thành hai nội dung để bám sát mục tiêu, chỉ tiêu đề ra

Một số quan điểm cũng được chuyên gia nhấn mạnh khi nghiên cứu để xây dựng các tiêu chí về vấn đề thúc đẩy lồng ghép bình đẳng giới trong hai Chương trình MTQG như: trọng tâm hơn vào chỉ tiêu đánh giá vai trò của phụ nữ trong thúc đẩy bình đẳng giới; vấn đề giới trong cơ sở hạ tầng; nâng tầm tham gia của phụ nữ trong các buổi họp và ý kiến của phụ nữ ảnh hưởng tới thiết kế, dự án cũng cần được chú trọng; lồng ghép giới vào các giáo trình, chương trình học trực tuyến; cung cấp số liệu phụ nữ là các hộ nghèo, khó khăn để xác định nội dung chính đưa vào chương trình…

Từ những ý kiến đóng góp tại hội thảo, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu, tổng hợp, phân tích để hoàn thiện tài liệu. Đặc biệt, kết quả hội thảo cũng mang lại những gợi ý quan trọng trong bổ sung vào các nội dung liên quan đến vấn đề gia đình, các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng gia đình hạnh phúc trong công tác Hội thời gian tới.

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video