Hội Phụ nữ xã Vĩnh Thái: Tạo việc làm cho hội viên

15/07/2015
4 năm qua, với mô hình đan túi xách mỹ nghệ, Hội Phụ nữ xã Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hội viên, phụ nữ.

Việc làm lúc nhàn rỗi
Bà Đặng Thị Kim Duyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Thái cho biết, mô hình đan túi xách mỹ nghệ hình thành cách đây khoảng 4 năm từ gia đình hội viên Phạm Thị Khánh Băng ở thôn Thái Thông 1. Tuy mặt hàng này rất hút hàng, nhưng do không có vốn đầu tư nên gia đình chị Băng không mở rộng được quy mô sản xuất, chỉ hoạt động cầm chừng, kiếm sống qua ngày. Nhận thấy đây là mô hình có thể giải quyết việc làm cho hội viên, phụ nữ, Hội Phụ nữ xã đã tạo điều cho chị Băng vay 28 triệu đồng để mở rộng cơ sở. Đến nay, cơ sở đan túi xách từ hạt cườm của chị Băng đã trở thành ngôi nhà chung, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ nhàn rỗi trên địa bàn xã.

Chị Phạm Thị Thân ở thôn Thái Thông 1 có cửa hàng tạp hóa nhỏ để buôn bán. Chị nhận thêm hàng từ cơ sở chị Băng về may gia công, thu nhập tăng
thêm khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Còn chị Mai Thị Huyền Trân ở cùng thôn cho hay: “Chồng tôi chạy xe thồ, tôi ở nhà nội trợ nên cũng nhàn rỗi. Tôi nhận thêm hàng của chị Băng về làm, mỗi tháng thu nhập hơn 1 triệu đồng, giải quyết được khó khăn phát sinh trong gia đình”.
.
Đặc biệt, mô hình đan túi xách mỹ nghệ còn giúp nhiều học sinh trên địa bàn xã kiếm tiền trong thời gian nghỉ hè. Em Ngô Thị Ngọc Trâm - học sinh lớp 8 kể, mẹ em làm phụ hồ, bố em làm bốc vác nên thu nhập thấp. Em tham gia đan túi xách mỹ nghệ kiếm được từ 500.000-700.000 đồng/tháng. Em để dành số tiền này đóng tiền học khi vào lớp 9. “Em tham gia đan túi xách mỹ nghệ đến nay là mùa hè thứ 3 rồi. Giờ em đan giỏi, nhanh tay hơn nên mỗi tháng kiếm được gần 900.000 đồng phụ thêm với bố mẹ” - em Đỗ Thị Mỹ Tuyên, học sinh lớp 10 nói.


Chị Băng cho biết, hiện nay cơ sở của chị giải quyết việc làm cho khoảng 20 chị em phụ nữ và hàng chục học sinh tham gia trong dịp hè. Họ có thể làm tại cơ sở hoặc nhận hạt cườm về nhà và cho các thành viên, người thân trong gia đình đan thêm. Đó là chưa kể một số chị em ngoài địa bàn xã cũng đến cơ sở nhận hàng về gia công.


Cần vốn mở rộng mô hình
Theo bà Đặng Thị Kim Duyên, những năm trước, đa số phụ nữ trên địa bàn xã làm nghề dệt chiếu cói và làm nông. Nhưng đến nay, do quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn bị thu hẹp để thực hiện các dự án, nghề làm chiếu cói mai một dần, chỉ còn vài chục chị theo nghề này, một số chị làm nông không còn ruộng nên cũng nhàn rỗi. Đa số chị em phụ nữ trẻ chuyển sang các nghề lao động tự do như: giúp việc gia đình, phụ hồ, trông trẻ, buôn bán nhỏ hoặc ai thuê gì làm nấy, còn chị em phụ nữ lớn tuổi ở nhà nội trợ khá nhiều. Do chị em ở nhà nhàn rỗi nên tệ nạn cờ bạc, số đề… cũng từ đó phát sinh, để lại nhiều hệ lụy không tốt cho các gia đình. Chính vì vậy, mở rộng mô hình đan túi xách mỹ nghệ là một việc làm rất cần thiết nhằm giải quyết việc làm cho chị em hội viên, phụ nữ.


Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho cơ sở của chị Băng vay thêm 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm nông thôn để mở rộng các mặt hàng túi xách. Tuy nhiên, loại mặt hàng này đầu tư khá nặng vốn nên số vốn mà Hội tạo điều kiện cho mô hình vay khá khiêm tốn. “Hội đang kiến nghị hội cấp trên khảo sát, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay cho mô hình này để tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường. Từ đó có thể giải quyết khó khăn về việc làm cho hội viên, góp phần giảm tệ nạn xã hội” - bà Duyên nói.


Theo chị Băng cho biết thêm, đan túi xách là một nghề dễ làm, chỉ cần học vài ngày là có thể đan được với nhiều mẫu mã khác nhau. Nếu chịu khó, chị em nào không có việc làm hoặc tranh thủ lúc nhàn rỗi đều có thể tham gia nhận hàng về làm gia công, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Theo: Lưu Khánh- http://www.baokhanhhoa.com.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video