Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm cho trên 300 lao động nữ

23/04/2018
Đến thăm hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp (TTCN) của xã Tân Thọ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa, điều làm tôi thật sự ấn tượng là không khí đầy khẩn trương mà vẫn rất vui vẻ với những đôi bàn tay đang thoăn thoắt đan các sản phẩm thủ công thực sự đẹp mắt và chuyên nghiệp.
Thành viên của HTX

Chị Nguyễn Thị Thắm, chủ tịch Hợp tác xã chia sẻ, sau khi tham gia dự án “Nâng cao quyền tự chủ cho phụ nữ Thanh Hóa thông qua việc sản xuất hàng thủ công”, chị trở về mở các lớp dạy nghề cho thêm nhiều chị em khác trong và ngoài xã. Ý tưởng thành lập Hợp tác xã nhen nhúm từ đó, nhưng cho tới năm 2010, Hợp tác xã mới ra đời với sự tham gia của 102 xã viên. Ban đầu, Hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn: giá cả thị trường không ổn định, nguyên liệu nhiều lúc khan hiếm, hàng hóa tiêu thụ chậm, nguồn vốn của Hợp tác xã còn ít. Bên cạnh đó, tay nghề của các xã viên còn hạn chế, quá trình sản xuất còn tự phát, chưa biết áp dụng KHKT, phụ thuộc vào công ty đầu mối...

Quyết tâm cùng nhau vượt khó, Ban quản lý Hợp tác xã đã luôn tích cực nhiệt tình giúp đỡ những chị em tay nghề chưa cao, hướng dẫn chi tiết từng lỗi, đồng thời trực tiếp sửa lỗi cho chị em. Hợp tác xã đã đứng ra tổ chức 75 lớp học nghề cơ bản và nâng cao, đồng thời tìm cách đảm bảo duy trì công việc cho chị em cùng với không ngừng nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm.

Nhờ vậy, các sản phẩm do HTX làm ra đã ngày một đẹp hơn, chất lượng cao hơn, mẫu mã đa dạng hơn. Chỉ sau vài năm hoạt động, Hợp tác xã đã mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm và có thể chủ động lựa chọn đối tác, trong đó tích cực khai thác các đơn đặt hành phù hợp với tay nghề của chị em, thực hiện phương châm đa dạng các nghề, như nghề mây song xiên, nghề xiên giỏ tích, xiên giỏ rượu mây, lồng úp xuất khẩu, nghề đan hàng rào nứa,… Sản phẩm của HTX được bán ra cho nhiều công ty khác nhau và trực tiếp cho người tiêu dùng.

Để phù hợp với đời sống của số đông hội viên, phụ nữ nơi đây, HTX tạo điều kiện cho chị em có thể nhận nguyên liệu và mẫu về làm tại nhà và giao lại cho Hợp tác xã sản phẩm đã thực hiện. Chị Định, một xã viên vui vẻ cho biết: “Vì được nhận nguyên liệu về nhà, tôi có thể tranh thủ lúc rảnh rỗi, vừa xem tivi vừa làm nên thấy thoải mái lắm”.

Hiện nay, Hợp tác xã đang có trên 325 lao động sản xuất. Chị em tay nghề cao có thể đạt thu nhập từ 2.000.000 tới 3.500.000 đồng/tháng. Với những chị em không làm thường xuyên, HTX tính theo số sản phẩm hàng tháng với mức giá từ 9.000 -35.000 đồng/sản phẩm. Hợp tác xã cũng mở rộng quy mô, mở thêm xưởng may công nghiệp và kết nối đầu mối với một số công ty may hàng xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ăng gô la…, các trường học trong tỉnh may đồng phục cho học sinh. Đặc biệt, Hợp tác xã còn tổ chức được một lớp học nghề cho 22 người khuyết tật và tạo việc làm thường xuyên, giúp người khuyết tật vươn lên, tạo ra thu nhập, có cuộc sống ổn định với mức từ 600.000 tới 3.000.000 đồng/tháng.

Hoạt động của Hợp tác xã đã giúpchị em có việc làm thu nhập ổn định trong lúc nông nhàn, góp phần làmgiảm tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã từ trên 50% (năm 2010) xuống còn 14,18% (năm 2017), trong đó hộ nghèo do phụ nữ nghèo chủ hộ từ 86 chị giảm còn 15 chị. Doanh thu HTX đạt từ 4,2 tỷ đồng (2012) tăng lên gần 5 tỷ đồng (2017).

Trên đà kết quả đạt được, Hợp tác xã TTCN Tân Thọ đã đặt ra mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng, ổn định cơ sở, sáng tạo sản phẩm, ổn định thị trường, phấn đấu doanh thu mỗi năm đạt từ 5 đến 7 tỷ đồng cũng như tiếp tục đào tạo và tạo việc làm cho 100 đến 200 người lao động trong và ngoài tỉnh.

 

Phạm Minh, Ban Tuyên giáo TWH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video