Huế: Đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp, phát triển kinh tế

18/11/2021
Với phương châm “Trao quyền kinh tế cho phụ nữ, giúp phụ nữ tìm được tiếng nói trong gia đình, xã hội”, những năm qua, công tác vận động, hỗ trợ đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Thừa Thiên Huế và các cấp Hội đặc biệt chú trọng.
Chuối Gìa lùn - A Lưới có mặt tại Big C Huế

Sau 03 năm triển khai Kế hoạch số 249, ngày 5/12/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn I (2017 - 2020) của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 939), Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các chương trình hỗ trợ như: đào tạo năng lực khởi nghiệp, kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, vay vốn từ nguồn quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển… Qua đó góp phần khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp của các tầng lớp phụ nữ, trong đó ghi dấu ấn mạnh mẽ với các mô hình khởi nghiệp của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện vùng cao A Lưới và Nam Đông.

Trong đó, xây dựng mô hình kinh tế tập thể là hướng đi phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện phụ nữ vùng cao. Năm 2016, được sự hỗ trợ từ Hội LHPN tỉnh với nguồn vốn 30 triệu đồng để xây dựng Tổ liên kết sản xuất nông sản an toàn, sau một thời gian hoạt động, vượt qua những khó khăn đến năm 2018, Hợp tác xã (HTX) nông sản an toàn A Lưới được thành lập với 15 thành viên là hội viên phụ nữ  người đồng bào dân tộc thiểu số. HTX nhận bao tiêu tất các các sản phẩm từ các tổ liên kết chuối, rau, cây ăn quả, nuôi gà, lợn tại các xã Hương Phong, Nhâm, Hồng Bắc. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ đến đó, tạo nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình sản xuất, tạo công ăn việc làm cho chị em với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng/người. Để tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm làm ra, HTX đã mở 1 cửa hàng tại thành phố Huế. Diện tích trồng chuối tại xã Nhâm được mở rộng, các thành viên HTX, hộ gia đình được tham gia các lớp tập huấn kiến thức, quy trình sạch, an toàn thân thiện với môi trường do Hội LHPN tỉnh, các ban, ngành tổ chức. Năm 2019, đánh dấu sự thành công của HTX khi các sản phẩm chuối già lùn A Lưới đã chính thức có mặt tại siêu thị Big C Huế và đến năm 2020 sản phẩm đã có mặt tại 22 hệ thống siêu thị Big C toàn quốc.

Bước ra từ Cuộc thi khởi nghiệp lần thứ I, năm 2019 do Hội LHPN tỉnh tổ chức, mô hình sản xuất nấm hữu cơ của chị Đặng Thị Hồng ở thôn Cần Nông, xã Hồng Quảng đã được hỗ trợ về vốn, được học tập chuyển giao công nghệ và chính thức thành lập HTX  sản xuất Nấm - Ổi hữu cơ Hồng Lý tại xã Hồng Quảng huyện A Lưới vào tháng 8/2019 với số vốn điều lệ hơn 1,5 tỷ đồng và 10 thành viên chính thức là các chị em hội viên phụ nữ trên địa bàn xã. Sau 1 tháng ra mắt thì thành viên tham gia của HTX đã lên đến 16 người với thu nhập trung bình từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng/người. Với mức thu nhập này, các chị em phụ nữ đã có thể chăm lo cho cuộc sống gia đình được tốt hơn, đầy đủ hơn, đặc biệt hơn nữa là yên tâm sản xuất và kinh doanh để phát triển hợp tác xã bền vững.

Chị Đặng Thị Hồng - Chủ nhiệm HTX sản  xuất Nấm - Ổi hữu cơ Hồng Lý

Tiếp tục đánh dấu một dấu mốc mới của hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo đổi mới của phụ nữ huyện A Lưới khi có thêm HTX sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới, tại xã A Ngo được thành lập. Là người con của dân tộc Tà Ôi, chị Hồ Thị Thu Hà là giáo viên Trường THPT A Lưới đã quyết tâm giữ gìn bản sắc dệt Zèng của cha ông, đứa con tinh thần của chị ấp ủ bao năm qua đã ra đời vào năm 2019 với 12 xã viên và 15 cộng tác viên đến từ các xã A Ngo, A Đớt, A Roàng với thu nhập khá cho các cộng tác viên là 100.000 đồng/ngày công và các xã viên là 200.000đồng/ngày công. Hiện tại, HTX đã tạo được 20 mẫu sản phẩm lưu niệm có gắn kết vải Zèng và hoa văn cườm như: mũ nam nữ, cài, kẹp tóc, hoa tai, cà vạt, thắt lưng, túi xách nam nữ, khăn quàng cổ, búp bê, huy hiệu, ví điện thoại, dây đồng hồ, tranh thư pháp, áo dài, nơ, dây thun cột tóc, ba lô, vòng tay…

Cùng với phong trào khởi nghiệp của huyện A Lưới, phụ nữ huyện Nam Đông lại tìm hướng đi mới cho riêng mình với các mô hình “Giúp nhau cải tạo vườn tạp”. Minh chứng rõ nét nhất là khu vườn của chị Phạm Thị Với ở thôn A2, xã Hương Sơn. Hai năm trước, khu vườn của chị Với không mang lại giá trị kinh tế, nên dù có đất vườn nhưng kinh tế gia đình luôn khó khăn. Năm 2018, chị được Hội LHPN xã Hương Sơn chọn làm điểm thực hiện mô hình “Giúp nhau cải tạo vườn tạp” và được Hội hỗ trợ 1 tạ phân bón, tặng gần 200 cây giống là chuối và dứa, đồng thời được các chị huy động ủng hộ ngày công để trồng. Sau hơn 1 năm, vườn chuối của chị mang lại thu nhập hơn 15 triệu đồng. Thấy hiệu quả, chị Với cải tạo diện tích đất còn lại trồng thêm hơn 100 cây chuối mới. Hiện vườn cây ăn quả của gia đình chị đã cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, gia đình chị Với từ hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Ý nghĩa hơn, từ vườn cây của mình, chị đã nhân được cây giống để tặng lại cho hội viên phụ nữ khác trong xã khi họ cần.

Từ kết quả của chị Với, nhiều chị em trong xã đã được chị chia sẻ kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư, cải tạo vườn tạp thành các khu vườn trồng rau, cây ăn quả theo mùa, năng suất hiệu quả cao. Để giúp hội viên tiêu thụ sản phẩm, Hội LHPN xã cũng đã thành lập tổ liên kết “Trồng và tiêu thụ chuối thanh tiên và dứa an toàn xã Hương Sơn”. Hiện nay, tổ liên kết đang nỗ lực kết nối, đưa sản phẩm của hội viên vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp chị em nâng cao thu nhập.

Với 3 HTX, 2 THT, tổ liên kết sản xuất dịch vụ đã tạo việc làm cho 300 thành viên chị em phụ nữ, tạo thu nhập ổn định, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong xóm, ngoài làng, đồng thời đã phát huy vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế tại địa phương.

Văn phòng Hội LHPN tỉnh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video