Khi trẻ bỏ học

06/02/2012
Việt Nam là đất nước có truyền thống hiếu học. Từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta luôn nỗ lực tạo mọi điều kiện để trẻ được đến trường học tập. Điều này đã được khẳng định trong Hiến pháp, Pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bỏ học vẫn xảy ra ở nhiều nơi bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Con đường từ bỏ học đển phạm tội rất gần…

Các chia sẻ của đại biểu tại Hội thảo “Xây dựng gia đình không có trẻ bỏ học và vi phạm pháp luật” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 13.1.2012 đều có chung nhận định: tình trạng trẻ em bỏ học dẫn đến vi phạm pháp luật rất phổ biến, đã và đang trở thành nỗi lo chung của toàn xã hội.

Điều tra Quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam lần 2 năm 2009[1] (SAVY 2) được thực hiện với 10.044 thanh thiếu niên 14-25 tuổi  tại tất cả 63 tỉnh/ thành phố cho thấy: khoảng một nửa số người được hỏi trong SAVY2 hiện đã thôi học, 24% trong số đó đã thôi học khi chưa đến 15 tuổi và 16% thôi học trong độ tuổi từ 20-25. Tỷ lệ bỏ học chủ yếu ở nông thôn: từ 48% đến 87%. Cấp bỏ học cao nhất là THCS chiếm 47,17%.

Theo Tiến sĩ Lê Thúc Dục, Trưởng nhóm nghiên cứu “Những cuộc đời trẻ thơ”, có 4 nhóm nguyên nhân chính dẫn đến trẻ em bỏ học là: chán học, học yếu không theo kịp lớp (chiếm tới 40%); không có điều kiện đi học; cha mẹ thiếu trách nhiệm, bắt con nghỉ học để giúp việc nhà gia đình, nhà trường không quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện cho các em đến trường; chương trình giáo dục không thiết thực, ít phù hợp, đơn điệu, nghèo nàn, chất lượng dạy học và phương pháp giảng dạy thiếu sự hấp dẫn, thiếu thuyết phục và tính sáng tạo; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu học tập… Và con đường từ bỏ học đến vi phạm pháp luật rất gần nhau. Tiến sĩ Dục cho rằng, tri thức, học vấn của người mẹ là một trong những yếu tố quyết định học vấn của trẻ.

Ông Lê Kim Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng số 2, tỉnh Ninh Bình cho biết, học sinh của trường đều có trình độ học vấn rất thấp: trên 90% có trình độ tiểu học, trung học cơ sở; thậm chí có khoảng 6% là những em chưa được đi học. Các em đều dưới 18 tuổi nhưng có nhiều em phạm những tội ác khiến xã hội phải khiếp sợ: trộm cắp, cướp giật (70-80%); thậm chí buôn bán ma túy, giết người…

Theo Phó Hiệu trưởng, độ tuổi vị thành niên có sự thay đổi về mặt tâm sinh lý tác động mạnh đến nhận thức và hành vi của trẻ mà tâm lý học gọi là thời khủng hoảng. Trẻ dậy thì, không còn là trẻ con mà cũng chưa là người lớn, trẻ luôn muốn khẳng định bản thân với những người xung quanh. Chính vì vậy, khi thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình và nhà trường, trẻ thường bị lệch lạc về mặt nhận thức, dễ dẫn đến bỏ học và sa đà vào các tệ nạn xã hội.

Một điều cần quan tâm khác: Khi được trở về với xã hội sau thời gian cải tạo ở trường giáo dưỡng, có đến hơn 1/3 các em bị đưa trở lại trường. Đó là do: học vấn thấp nên các em khó tìm được cơ hội việc làm ngoài xã hội; không vượt qua được sự mặc cảm về những sai lầm của mình, khó tái hòa nhập cuộc sống… Trong nhiều trường hợp, các em bị chính gia gia đình, xã hội, cộng đồng thiếu bao dung, nghi ngờ, không tạo điều kiện cho các em quay trở về cuộc sống bình thường, trở thành “người thừa” nên nhiều em lại vi phạm pháp luật để khẳng định sự tồn tại của bản thân.

Chung tay hành động

“Xây dựng gia đình không có trẻ bỏ học và vi phạm pháp luật” là một trong những hoạt động thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” của Hội LHPN ViệtNam hướng tới góp phần hạn chế trẻ em bỏ học, xây dựng cộng đồng lành mạnh, an toàn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp Hội.

Hội LHPN tỉnh Điện Biên đã phối hợp với ngành Giáo dục của tỉnh xây dựng mô hình “Trường nội trú dân nuôi” với hơn 1.000 phòng nội trú, tạo điều kiện sinh hoạt, học tập cho các em. Hội LHPN tỉnh Long An xây dựng mô hình “Tấm áo trao bạn” vận động phong trào “Nuôi heo đất” để hỗ trợ con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Hội LHPN tỉnh Hà Nam đã thành lập các CLB “Nữ vị thành niên”, “Mẹ có con vị thành niên” đồng thời thực hiện các mô hình truyền thông, tổ chức hội thảo, giao lưu trao đổi kinh nghiệm để tìm ra những biện pháp tốt nhất giải quyết tình trạng trẻ bỏ học trên địa bàn tỉnh. Tại Quảng Nam, Gia Lai, Điện Biên, các chi hội “Nuôi dạy con tốt”thu hút đông đảo các thành viên tham gia sinh hoạt, trao đổi, tuyên truyền về kiến thức, kinh nghiệm nuôi dạy con. Trước thực trạng trẻ bỏ học, tổ chức cơ sở Hội đã tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân từ đó tìm ra giải pháp giúp đỡ, động viên các em trở lại trường học. Câu lạc bộ "Mẹ vắng nhà” của Hà Tĩnh là mô hình thiết thực hướng dẫn kỹ năng sống độc lập, phòng chống, ngăn ngừa trẻ lang thang bên cạnh các giải pháp tuyên truyền giao lưu nâng cao nhận thức về quyền học tập của trẻ, huy động nguồn lực giúp đỡ các gia đình khó khăn….

Những mô hình, hoạt động của các cấp Hội LHPN Việt Nam đã và đang được nhân rộng trên cả nước, hy vọng sẽ tiếp sức cho ngành giáo dục – đào tạo, góp phần thiết thực chung tayngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học, giúp các em lớn lên và trưởng thành dưới những mái nhà, mái trường an toàn, yên ấm, trở thành những công dân có ích cho xã hội..

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, Hội: Để từng bước giải quyết tình trạng trẻ bỏ học dẫn đến vi phạm pháp luật, cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của nhiều phía, nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó gia đình là nền tảng quan trọng và đặc biệt là vai trò của người mẹ đối với việc khuyến khích con học hành. Bên cạnh đó, không thể thiếu sự hỗ trợ, động viên kịp thời của các tổ chức xã hội, đoàn thể, chính quyền địa phương từ cơ sở. Chúng ta hãy nỗ lực để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc cho các em.



[1] Website Tổng cục Dân số - KHHGĐ; SAVY 2; Báo cáo chuyên đề về Giáo dục nhà trường

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video