Kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển Hội vững mạnh

17/05/2007
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, mang lại quyền lợi thiết thực cho hội viên, là nơi chị em gửi gắm tâm tư nguyện vọng, chỗ dựa tinh thần vững chắc trong lúc khó khăn hoạn nạn -

đó là phương châm hoạt động của Hội LHPN huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước – một huyện miền núi có tới 17% (32.471 người) đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

 

Trong khi đời sống của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn; trình độ nhận thức của chị em còn nhiều hạn chế, BCH Hội LHPN huyện đã xác định: lấy phát triển kinh tế làm khâu đột phá. Muốn làm được điều đó, điều đầu tiên là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: có năng lực, năng động, sáng tạo, khả năng thuyết phục quần chúng và có mối quan hệ tốt với các cấp, các ngành, các đối tượng, thành phần dân tộc, tôn giáo. BCH Hội đã tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương rà soát, tạo nguồn, lấy hiệu quả công việc làm thước đo chất lượng cán bộ; kiện toàn bộ máy ngay từ đầu nhiệm kỳ. BCH phân công cụ thể từng uỷ viên BCH huyện phụ trách 18 xã, thị trấn và 252 uỷ viên BCH cơ sở hoạt động thường xuyên, đều tay. Đồng thời BCH chỉ đạo các chi, tổ Hội xây dựng kế hoạch cụ thể, đi sâu đi sát đến từng gia đình, gặp gỡ, phân tích quyền và lợi ích của chị em khi tham gia tổ chức Hội cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với Hội, với Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương. Từng chi, tổ Hội rà soát các gia đình hội viên phụ nữ khó khăn, phân công cán bộ và các gia đình hội viên khá giúp đỡ. Chủ động khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay phát triển kinh tế. Kết quả, đã vận động xây được 10 nhà tình thương, quyên góp được 38 sổ tiết kiệm, xoá được 186 nhà tranh tre dột nát, giúp 3.752 hộ thoát nghèo và 2.316 hộ vươn lên khá. Bên cạnh đó, Hội còn thuyết phục chị em giúp tiền không lấy lãi, vàng, cây con giống, ngày công lao động sản xuất; khai thác các nguồn vốn cho chị em vào làm tại các xí nghiệp, xưởng sản xuất hạt điều với mức lương ổn định.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt từ các cơ sở Hội đến các chị, tổ Hội luôn được Hội quan tâm. Bên cạnh đó, Hội cũng không ngừng củng cố, phát triển các câu lạc bộ: CLB Gia đình hạnh phúc, CLB sức khoẻ sinh sản, CLB không có người sinh con thứ 3, CLB Thể dục thể thao, CLB nữ doanh nhân - là nơi chị em được giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao đời sống tinh thần cho chị em sau những tháng ngày lao động vất vả.

 

Trong nhiệm kỳ Hội cũng tổ chức được nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho hội viên, thu hút hàng nghìn người dự, đồng thời tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về giới, Luật ATGT và tổ chức nhiều hội thi, tạo sân chơi bổ ích cho chị em như: Hội thi cán bộ giỏi, cán bộ, hội viên giỏi, Gia đình hạnh phúc, Gia đình văn hoá, thi tìm hiểu ATGT…100% BCH từ xã đến các chi, tổ Hội đều gây dựng được Quỹ với tổng số tiền 790 triệu đồng. Số tiền đó dùng để thăm hỏi hội viên khi ốm đau, cho hội viên vay với lãi suất thấp phát triển kinh tế gia đình.

 

Lăn lộn, trăn trở với phong trào, quan tâm đến lợi ích thiết thực của hội viên, thường xuyên đi sâu đi sát cơ sở, Hội LHPN huyện Phước Long đã trở thành “ngôi nhà chung”, gắn kết chị em với tổ chức Hội. 5 năm Hội đã có thêm 3.428 hội viên, nâng tỷ lệ hội viên đạt 68,75% so với tổng số phụ nữ toàn huyện (tăng 15,6%) so với đầu nhiệm kỳ), trong đó hội viên nòng cốt là 5.056, đặc biệt phát triển đượcnhiều hội viên tôn giáo (1.478 người), dân tộc thiểu số (876 người) và hội viên là đảng viên (352 người). Ghi nhận thành tích của cán bộ, hội viên huyện Phước Long, T.W Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Bình Phước đã tặng Bằng khen đơn vị xuất sắc 5 năm liền.

Đỗ Hoa - Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video