Kinh nghiệm xoá đói giảm nghèo ở một thôn nghèo của một Chủ tịch Hội LHPN xã

11/10/2009
Là Chủ tịch Hội LHPN xã Hà Hiệu (huyện Ba Bể - tỉnh Bắc Kạn) - một xã nằm trong số 62 huyện nghèo nhất của cả nước, chị Đỗ Thị Sen luôn trăn trở làm thế nào để chị em phụ nữ nơi đây bớt nghèo, bớt khổ. Ý nghĩ đó ngày càng thôi thúc và chị đã bắt đầu “công cuộc” đẩy nghèo khó ra khỏi thôn Lủng Tráng.

Thôn Lủng Tráng là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Hà Hiệu với 48 hộ dân (trong đó có 30 hộ nghèo) và 303 nhân khẩu dân tộc Dao sinh sống. Đa số phụ nữ đều mù chữ, điều kiện tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào việc làm nương rẫy. Đặc biệt, ở thôn Lủng Tráng chưa có hội viên tham gia sinh hoạt Hội phụ nữ.

 

Trước thực trạng trên, chị Sen rất trăn trở bởi chị biết rằng, lạc hậu, nghèo đói sẽ là rào cản rất lớn, nhất là đối với phụ nữ. Muốn thu hút, tập hợp được phụ nữ đến với tổ chức Hội, điều cần làm trước tiên là giúp họ đẩy cái nghèo, cái đói ra khỏi mái nhà của họ. Tâm nguyện này của chị đã được cấp uỷ, chính quyền xã ủng hộ rất nhiệt tình khi đưa ra bàn bạc. Song khó khăn đặt ra trước mắt là phần đông chị em không biết chữ nên việc tiếp cận những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chính sách dân tộc, chính sách liên quan đến phụ nữ là rất hạn chế.

 

Bằng tinh thần trách nhiệm của người cán bộ Hội và vốn tiếng Dao học được trong quá trình sinh sống, chị Sen đã tích cực tuyên truyền, kiên trì giải thích cho chị em hiểu được những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những phong trào, nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Nhờ đó, các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp đỡ phụ nữ nghèo có địa chỉ”… đã dần dần được hình thành, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia. Phấn khởi hơn là, sau một năm vận động, Chi hội phụ nữ thôn Lủng Tráng đã được thành lập với 27 hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên và đóng hội phí đầy đủ.

 

Tiếp đó, để thiết thực giúp hộiviên xoá đói giảm nghèo và củng cố niềm tin vào tổ chức Hội, chị Sen đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành của xã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi. Tuy vậy, do hạn chế về nhận thức và nặng về cách sản xuất theo tập quán nên ban đầu nhiều chị em phụ nữ không tin và áp dụng những kiến thức đã được học vào thực tế. Chị Sen lại đến từng nhà, kiên trì thuyết phục từng người, đồng thời phối hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm xã xây dựng các mô hình cụ thể như trồng ngô, chăn nuôi trâu bò sinh sản… rồi mời hội viên đến tham quan, tận mắt chứng kiến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với những người chưa thực sự tin vào những kiến thức đã được học, chị trực tiếp đến tận nhà để hướng dẫn họ cách lựa chọn giống, cách trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi phù hợp. Cứ như thế, bằng thực tế quan sát được và qua tuyên truyền vận động, đến nay 100% hội viên phụ nữ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào để chăn nuôi đại gia súc và cây trồng trong gia đình.

 

Ngoài ra, dưới sự lãnh đạo của chị Sen, Hội LHPN xã đã đứng ra tín chấp hơn 900 triệu đồng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho 35 phụ nữ vay để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

 

Bằng những việc làm thiết thực của chị Sen và sự ủng hộ nhiệt tình của đội ngũ Ban chấp hành Hội phụ nữ xã, Hội LHPN cấp trên và cấp uỷ, chính quyền xã, đến nay, cuộc sống của hội viên phụ nữ thôn Lủng Tráng đã dần được ổn định. Toàn thôn đã có 22 hộ gia đình thoát nghèo bền vững. Nhiều hội viên đã có cuộc sống gia đình ổn định với 3-5ha đồi chuyên trồng ngô và 15-20 con trâu, bò sinh sản. Từ chỗ thiếu ăn, hội viên phụ nữ thôn Lủng Tráng đã mua sắm được nhiều trang thiết bị đắt tiền như: tivi, đài rađio, xe máy… Nhiều gia đình có thu nhập hàng năm từ 20-35 triệu đồng/năm.

 

Kinh tế gia đình ổn định, ngày càng có nhiều phụ nữ tin tưởng hơn vào tổ chức Hội. Phong trào phụ nữ thôn Lủng Tráng được duy trì thường xuyên. Nhiều chị em phụ nữ chủ động viết đơn tham gia vào tổ chức Hội. Đến nay, Chi hội phụ nữ thôn đã có 52/78 hội viên tham gia sinh hoạt Hội, đóng góp tích cực vào các hoạt động cộng đồng, chủ động phát triển kinh tế gia đình, góp phần xoá đói giảm nghèo cho địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính gia đình mình.

Khánh Vi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video