Kinh tế biển - Nguồn lực vượt trội của Khánh Hòa trong thế kỷ 21

03/12/2005
Có thể nói Khánh Hòa là một hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam với đầy đủ đồng bằng, miền núi, biển và hải đảo. Diện tích tự nhiên trên đất liền và của hơn 200 đảo và quần đảo là 5.197km2. Bờ biển với chiều dài 150km là mặt tiền trông ra biển Đông của Khánh Hòa.

Ngày nay, các nhà nghiên cứu biển đã thống nhất coi kinh tế biển là một nền kinh tế hoàn chỉnh gồm 6 lĩnh vực kinh tế thành phần: kinh tế cảng, kinh tế đóng tàu, kinh tế du lịch biển đảo, kinh tế thủy sản, kinh tế khai thác mỏ và kinh tế lấn biển. Trong đó kinh tế cảng giữ vai trò chủ đạo.


Trong số 27 tỉnh thành có biển thì bờ biển Khánh Hòa có những nét riêng độc đáo. Không đâu trong nước Việt Nam có nhiều vịnh biển đẹp, sâu và kín gió như ở Khánh Hòa. Đó là các vịnh nổi tiếng: Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong. Cả 6 lĩnh vực kinh tế nói trên, kinh tế biển Khánh Hòa đều có với tiềm năng lớn.

 

* Kinh tế thủy sản:

 

Gồm nhiều ngành, trong đó 2 ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản có quan hệ trực tiếp với biển.

 

Nông nghiệp nói chung gồm thủy sản, lâm nghiệp và nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi). Nếu chỉ so sánh giá trị sản xuất 3 lĩnh vực này với nhau thì ở Khánh Hòa từ lâu giá trị sản xuất (GTSX) của ngành thủy sản đã vượt tổng GTSX của nông nghiệp và lâm nghiệp. GTSX của 3 ngành thủy sản, lâm nghiệp và nông nghiệp năm 2004 (giá 1994) như sau: GTSX nông nghiệp: 958 tỷ đồng; GTSX lâm nghiệp: 51,6 tỷ đồng; GTSX thủy sản: 1.157 tỷ đồng. Tỷ lệ tổng GTSX nông lâm nghiệp trên GTSX thủy sản là 0,89.

 

* Kinh tế du lịch biển:

 

Toàn bộ chiều dài 150km bờ biển Khánh Hòa ôm trọn 3 vịnh đẹp nổi tiếng của đất nước, trong đó vịnh Nha Trang đã được công nhận là vịnh đẹp của thế giới và là thành viên thứ 29 của Câu lạc bộ các nước có vịnh đẹp. Các vịnh này đều có phong cảnh khí hậu tuyệt vời, thích hợp cho việc phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái biển. Đến nay du lịch biển Khánh Hòa chỉ mới khai thác chủ yếu ở Nha Trang, còn Vân Phong, Cam Ranh đẹp không kém thì mới bắt đầu. Ngoài 3 vịnh nói trên, Khánh Hòa còn có quần đảo Trường Sa - một huyện đảo của tỉnh, nếu tình hình ổn định và được phép làm du lịch, thì đây cũng là một điểm thu hút lớn của du lịch Khánh Hòa.

 

* Kinh tế khai thác mỏ:

 

Chưa biết dưới đáy biển Khánh Hòa có những mỏ gì? Nhưng dầu khí thì chắc chắn có. Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Quý và Kỹ sư Lê Văn Dung (Viện Dầu khí) thì biển Khánh Hòa được đánh giá là có khả năng chứa dầu cao với trữ lượng tiềm năng thu hồi trên 300 triệu tấn dầu quy đổi. Đây chỉ là con số sơ bộ ban đầu, đáng để cho chúng ta tiếp tục đầu tư tìm kiếm.

 

*  Kinh tế lấn biển:

 

Thoạt đầu chúng tôi nghĩ kinh tế lấn biển chỉ diễn ra ở hai đầu đất nước, còn miền Trung nước sâu, ít có điều kiện lấn biển. Tuy nhiên, với trình độ phát triển cao của khoa học công nghệ và kinh tế hiện nay thì tư duy của con người táo bạo hơn. Hễ tính toán thấy có hiệu quả kinh tế và không làm tổn hại đến môi trường là có thể hành động. Thực tế này đang diễn ra ở Khánh Hòa.

 

Dự án “dời non lấp biển” do Công ty Địa chính làm chủ đầu tư sẽ lấn biển hơn 30 ha ở Đường Đệ, đồng thời tạo ra thêm hơn 10 ha khác do san ủi Hòn Xện mà có. Ở đây, một khu phố mới với nhiều biệt thự, công viên, nhà hàng, đường giao thông cao cấp sẽ ra đời. Dự án đang được triển khai rầm rộ từ cuối năm 2004.

 

Tương tự như vậy, một dự án “dời non lấp biển” khác với quy mô lấn biển còn lớn hơn với khoảng 70 ha ở phía Nam TP. Nha Trang, phía dưới núi Chụt cũng đang được thực hiện hối hả.

 

Nếu hai dự án đầu tiên này thành công, chắc rằng khuynh hướng lấn biển không chỉ dừng lại ở đây. Bờ biển Khánh Hòa còn nhiều nơi có thể lấn biển được.

 

* Kinh tế đóng tàu:

 

Ở Khánh Hòa, công nghiệp đóng tàu khá phát triển và nhờ điều kiện thiên nhiên thuận lợi nên phát triển ngày càng nhanh. Không kể hàng chục cơ sở đóng tàu lớn bé đã có từ trước, vài năm gần đây đã và đang xuất hiện những công ty sửa chữa và đóng mới tàu các loại cỡ lớn. Lớn nhất là Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin ở Vân Phong. Với những âu đà đã có hiện nay cho phép có thể sửa chữa và đóng mới những tàu biển trọng tải lớn nhất thế giới.

 

Công ty Công nghiệp tàu thủy Nha Trang hiện đang đóng những chiếc tàu trọng tải vài ngàn tấn. Đặc biệt, Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh đang được gấp rút xây dựng, có khả năng sửa chữa và đóng mới các tàu trọng tải đến 50.000 tấn. Ai dám chắc rằng Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh sau khi đã “đủ lông đủ cánh” lại chịu trói buộc mình chỉ sửa chữa và đóng mới các tàu trọng tải dưới 50.000 tấn, trong khi điều kiện thiên nhiên ở đây cho phép có thể đóng và hạ thủy những con tàu trọng tải lớn nhất.

 

Chỉ mới điểm qua vài nét, cũng đủ thấy Khánh Hòa hiện nay và tương lai sẽ là một trong những trung tâm công nghiệp tàu thủy lớn nhất Việt Nam.

 

* Kinh tế cảng:

 

Hạnh phúc biết bao khi đất nước ta có những vịnh rộng, sâu, kín gió và rất gần với đường hàng hải quốc tế như Vân Phong, Cam Ranh. Những vịnh này đã nổi tiếng từ lâu, nhưng chỉ được khai thác, sử dụng ở mức độ thấp. Đến thời kỳ mở cửa, phát triển kinh tế, giao lưu hòa nhập với thế giới, giá trị của chúng được nhân lên gấp bội. Vân Phong và rồi đây Cam Ranh sẽ có những nhà máy đóng tàu cỡ lớn của khu vực và thế giới. Nhưng còn lớn hơn thế nữa, chúng cũng đồng thời là những nơi lý tưởng cho việc xây dựng những cảng biển nước sâu.

 

Hiện nay, Vân Phong đã được Chính phủ chọn làm nơi xây dựng cảng trung chuyển quốc tế (TCQT) container. Toàn bộ chiều dài bờ biển tại khu vực vịnh Vân Phong có thể xây dựng cầu cảng lên tới 30km (theo Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng) dài hơn tổng chiều dài cầu cảng đang có hiện nay của cả nước. Theo dự kiến, quy hoạch tổng lượng hàng hóa thông qua cảng lên đến 17 triệu TEUS/năm cho thời điểm sau 2020, tương đương với công suất của cảng Singapore hiện nay.

 

Cảng TCQT Vân Phong hiện nay đang trên đường hình thành nhưng thực sự đang làm nhiệm vụ trung chuyển một phần xăng dầu nhập khẩu cho cả nước. Khi tổng kho ngoại quan xăng dầu ở Vân Phong xây dựng xong cùng với một số công trình phụ trợ khác, toàn bộ hơn 12 triệu tấn xăng dầu đang nhập khẩu hàng năm hiện nay sẽ thực hiện ở Vân Phong. Chỉ riêng việc này cũng sẽ đem đến cho ngân sách Nhà nước xấp xỉ 10.000 tỷ đồng thuế.

 

Điều muốn nói là khi mà Vân Phong trở thành cảng (TCQT) thực sự thì Vân Phong sẽ trở thành một thành phố. Cảng càng lớn thì thành phố càng lớn. Đã có Nha Trang đô thị loại II, nay lại thêm Cam Ranh và đặc biệt Vân Phong, trong tương lai đây sẽ là những đô thị lớn. Khánh Hòa chắc chắn sẽ xứng đáng trở thành đô thị loại 1.

Trong các yếu tố tạo nên kết quả tổng hợp thì sự phát triển kinh tế biển trong những năm sắp tới là một trong những yếu tố chính, thực tế giúp Khánh Hòa đạt được mục tiêu - thành phố loại 1.

Theo báo Khánh Hoà

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video