Kỷ niệm 40 năm Huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc (24.7.1968 - 24.7.2008) - Ký ức người ở lại

24/07/2008
Về Ngã ba Đồng Lộc để viếng mộ 10 cô gái TNXP, 10 bông cúc trắng, chúng tôi đã nghe được thêm những câu chuyện về 10 cô gái. Những câu chuyện làm sống dậy thời khắc của 10 cô gái anh hùng.

“Tiếng hát át tiếng bom”


Chiến tranh đã đi qua hơn 35 năm, những người bạn trong Đại đội 552 ngày ấy người mất, người còn nhưng những cô gái TNXP trong ký ức của một người văn công đại đội ngày ấy không bao giờ phai. Nhất là hình ảnh chị Nguyễn Thị Xuân, một trong mười cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc vào ngày 24-7 định mệnh.


Người văn công TNXP ấy là chị Dương Minh Châu (xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), người bạn thân cùng quê với cô gái TNXP anh hùng Nguyễn Thị Xuân. Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày chị Xuân hy sinh, trong chị vẫn còn đọng mãi hình ảnh của người bạn thân, về lá thư của người yêu mà bạn chị chưa kịp đọc thì đã hy sinh.


Chị Dương Minh Châu từ nhỏ đã tham gia sinh hoạt Đội Thiếu niên khăn quàng đỏ, rồi sinh hoạt Đoàn. Đến tháng 6-1965, khi vừa tròn 18 tuổi, chị hăng hái tình nguyện gia nhập lực lượng TNXP. Nhưng do nhỏ con, sức yếu nên chị không được ra chiến trường mà phải ở lại nấu ăn và sinh hoạt trong đội văn công.


Sau một tháng, chị được làm việc trong Tiểu đội 3 (Đại đội 552). Chị Châu làm việc với chị Xuân, ngủ cùng chị trên chiếc phản nhỏ gần một năm, biết bao nhiêu kỷ niệm của hai cô gái TNXP cùng quê hương, cùng chí hướng vẫn còn đọng mãi.


Là một văn công nên chị Châu được tham gia sinh hoạt văn nghệ với rất nhiều đơn vị bộ đội như đơn vị pháo cao xạ 37.57, ra đa, tên lửa. Từ năm 1965 đến 1966, đơn vị 552 luôn bám trụ trên tuyến đường từ cột số 21 đến Lộc Yên. Tuyến lửa này không có ngày nào bom Mỹ không cày xới.


Những cô gái TNXP luôn ngày đêm bám trụ, giữ vững mạch máu giao thông thông suốt, đảm bảo đầy đủ lương thực cho chiến trường. Nhiều đêm pháo sáng bay đầy trời nhưng các cô gái vẫn vác gạo vào kho, pháo sáng ác liệt trở thành ánh sáng soi đường cho họ.


Đêm càng về khuya, mưa càng nặng hạt nhưng tiếng hát, câu hò vẫn cứ cất lên: “Hố bom chưa lấp xong thì ta chưa về nghỉ/ Hố bom lấp chưa xong là nhiệm vụ chưa hoàn thành/ Đêm nay ta quyết lấp xong/ Cho xe ta chạy thong dong ra chiến trường”. Mặc mưa bom cứ trút xuống, tinh thần làm việc của các cô gái vẫn ngày càng hăng say. Khi thấy bộ đội an toàn đi trên những con đường do chính mình đắp lên, các cô gái xúc động vẫy tay đồng thanh: “Đi khỏe nha!”.
 
Những tiếng hát trong trẻo vang lên tiễn đưa đoàn quân ra chiến trận, góp thêm sức mạnh cho các anh nơi chiến trường. Những nơi mà Đại đội 552 từng đóng quân từ Kỳ Anh đến Can Lộc luôn vang lên lời ca tiếng hát của những văn công TNXP. Đi đến đâu, những nữ TNXP cũng được nhân dân và bộ đội yêu mến. Tuy gian khổ nhưng đó lại là quãng đời hạnh phúc nhất của chị Châu bên đồng đội.

Bức thư tình chưa kịp đọc


Chị Châu vẫn còn nhớ như in nụ cười của Xuân. Chị Xuân rất hay cười, nụ cười mang lại niềm tin cho toàn thể chị em TNXP. Những ngày trong đơn vị, có anh Dương Thanh Vĩnh - bộ đội công binh phá bom - rất yêu Xuân.


Tình yêu của đôi bạn trẻ chưa kịp trọn vẹn thì Vĩnh lên đường vào đường 9 Nam Lào, luôn gửi thư cho Xuân và bảo chị Châu cùng vui chung với Xuân những lá thư đó. Chị Châu nhớ như in, lá thư cuối cùng Vĩnh gửi chị đã trao cho Xuân vào 1g20 ngày 24-7, nhưng do nhiệm vụ cấp bách Xuân không kịp xem.


Xuân cầm phong bì lá thư màu nhạt trên tay, cười bảo “hồi nữa xem”, chị Châu nhớ lại. Rồi Xuân tỉ tê cùng Châu: “Châu ơi, cha Xuân đau nặng, nhắn hai lần rồi, bảo nếu không về được thì gửi cho cha ít lạng đường uống nước”. Và chị đã để lại cho cha 1 cân đường, 2 bánh xà phòng, 1 hộp thuốc đánh răng. Chị Châu đâu biết rằng đây là lần cuối cùng trong cuộc đời chị được trò chuyện với người bạn thân.

Ngày định mệnh!


Trưa hôm đó, Đại đội 552 nhận được lệnh phải ra chiếm lĩnh Ngã ba Đồng Lộc để 10g đêm thông xe ra chiến trường. Chiều, máy bay quần dữ dội, đến lần thứ 15 còn 2 chiếc, chúng nhào xuống trút bom và mọi người vội chui vào cống để tránh.


Đến khi tiếng máy bay lặng, mọi người chui ra không thấy Tiểu đội 4 đâu, hào hầm đã bị đất đá lấp bằng. Chị Châu hốt hoảng chạy đi tìm bạn, mọi người chết điếng khi chứng kiến một hầm có 6 cô gái: Tần đang ngồi với tư thế quan sát máy bay, mặt ngoảnh ra đường, còn 5 cô gái gục đầu lên lưng nhau, trên đầu Xuân vẫn còn kẹp phong thư màu nâu nhạt chưa kịp đọc. Chị Châu la to: “Xuân đây rồi!”.


Chị đỡ Xuân lên, máu miệng, máu mũi ộc ra, chị đặt Xuân nằm ngay ngắn bên Nhỏ, lấy khăn trắng lau chùi sạch sẽ rồi lấy chiếc khăn chị đang trùm đầu đắp lên mặt cho Xuân. Đến chiều, 9 cô gái được đặt thành hàng ngang với những chiếc khăn ngụy trang được đắp lên mặt. Chị em khóc khản cả giọng, thi thể của các chị được chuyển về nghĩa trang xã Xuân Lộc.


Sau đó 3 ngày chị Châu không ăn, không ngủ, cứ nhắm mắt là chị lại thấy hình ảnh 5 cô gái gục đầu lên lưng nhau. Nỗi đau càng lớn hơn khi chị nhận được tin anh Vĩnh (người yêu Xuân) cũng đã hiến mình cho Tổ quốc trong mặt trận đường 9 Nam Lào.


Khi 10 cô gái đã ngủ yên trên những nấm mộ đầy hương hoa, chị về thăm lại Ngã ba Đồng Lộc, thắp cho bạn nén nhang, chị thầm thì những câu thơ nhớ bạn: “Nhớ Xuân người bạn hiền lành/ Ngày đêm luôn nở nụ cười hoa sim.”


Bây giờ cuộc sống gia đình đủ đầy con cháu, chị vẫn không làm sao quên được những người bạn như những người thân trong cuộc đời chị. 10 cô gái ấy vẫn sống mãi trong ký ức của cô gái TNXP năm nào!

Sai gon Giai phong

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video