Ký ức 19-5

17/05/2008
Đã 60 năm trôi qua nhưng ký ức lần đầu tiên trong cuộc đời được vinh dự tham gia buổi lễ sinh nhật lần thứ 58 của Bác Hồ ngày 19-5-1948 tại xã Long Nguyên (Bến Cát) vẫn còn đọng mãi trong tâm trí của dì Sáu Hữu (Trần Thị Hữu - cựu du kích xã Thanh Tuyền thời chống Pháp, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy Sông Bé).

Hồi đó, dì Sáu mới 17 tuổi, trốn gia đình đi du kích và trở thành thành viên tiểu đội nữ du kích Thanh Tuyền anh hùng nổi tiếng khắp miền Đông Nam bộ. Không chỉ giỏi đánh giặc Tây, các cô còn giỏi văn nghệ. Ấy thế mà khi được lệnh tham gia diễu binh và tham gia tiết mục văn nghệ mừng ngày sinh nhật lần thứ 58 (19-5-1948) của Bác Hồ - cũng là sinh nhật Bác đầu tiên được Ủy ban kháng chiến huyện Bến Cát tổ chức, ai nấy tỏ ra bối rối.

“Duyệt binh thì mấy dì không ngán chứ diễn văn nghệ thì lo lắm. Lo là vì đó lại là ngày sinh nhật của Bác - nó thiêng liêng và trang trọng lắm. Nhưng nhiệm vụ đã được giao đâu có thể từ chối được, nên dù lo cũng phải dựng tuồng, dựng cảnh để biểu diễn mừng sinh nhật Bác” - dì Sáu nhớ lại và kể: Lúc đó, ai cũng ý thức được ý nghĩa của ngày sinh nhật Bác nên phải lựa chọn tiết mục “ruột” để tham gia. Cuối cùng, vở kịch “Tiếng trống Mê Linh” được chọn và dàn dựng rất công phu. Dì được phân vai Tô Định. Đây là vai phản diện nên dì phải ăn nói, đi đứng làm sao cho khán giả ghét cay, ghét đắng mới thôi. Nhờ được động viên của các chú lãnh đạo, cùng với sự chuẩn bị chu đáo nên vở diễn rất thành công. Dì coi đó là món quà nhỏ dâng lên Bác trong ngày sinh nhật. Cũng nhờ thành công từ vai diễn này mà cha mẹ chấp nhận cho dì đi du kích luôn.

Nhắc lại ký ức ngày ấy, dì Sáu hồ hởi: Tuy chưa một lần gặp Bác Hồ nhưng trong tim mỗi người dân Bến Cát đều có Bác, rất nhiều gia đình đi làm cách mạng vì lý tưởng của Bác. Vì thế mà hôm Ủy ban kháng chiến huyện tổ chức sinh nhật Bác, bất chấp đường sá xa xôi, sự rình rập của giặc Tây, hàng ngàn người từ Thanh Tuyền, Thanh An, Lai Hưng, Kiến An... lũ lượt kéo về Long Nguyên dự lễ. Buổi lễ chính diễn ra khoảng 18 - 19 giờ nhưng cả hôm đó như ngày hội. Hồi đó đâu có xe cộ gì, đường đi thì len lỏi trong rừng cây, lại băng qua những con sông con suối - mà dữ nhất là sông Thị Tính. Khi đi, trong tay ai cũng mang theo cây đuốc dò đường, có người ở tận Lai Hưng, Thanh An phải đến 2 -3 giờ sáng mới về đến nhà. Cực là vậy nhưng ai cũng nô nức về dự, coi đó như một vinh dự trong cuộc đời. Dì nhớ nhất là cảnh mấy dì lội qua sông Thị Tính, vì sợ ướt quần áo đang trang điểm cho vai diễn nên mấy anh du kích phải cõng mấy dì băng qua dòng sông. Cực lắm nhưng chẳng ai thấm mệt - niềm vinh dự, tự hào được tham gia buổi lễ đã lấn át cả hiểm nguy, có khi còn là súng đạn của giặc Pháp và tay sai.

Cũng như các năm, kỷ niệm 118 năm ngày sinh nhật Bác năm nay, dì Sáu sẽ lại được dự lễ. Dì Sáu bảo rằng, cứ đến dịp này, cảm xúc của buổi lễ 60 năm về trước lại trào dâng.

 
Theo NGỌC TÙNG
Báo Bình Dương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video