Lào Cai: Phụ nữ Sa Pa khởi nghiệp

17/04/2021
Với phẩm chất cần cù, tinh thần vượt khó cùng sự hỗ trợ từ một số chương trình, đề án, nhiều phụ nữ trên địa bàn thị xã Sa Pa đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến những thử thách thành cơ hội và khẳng định vị thế trong gia đình, xã hội.
Du khách trải nghiệm tách hạt bông tại HTX Mường Bo Xanh.

Bắt đầu với ý tưởng sản xuất các sản phẩm từ cây ăn quả có múi và khai thác du lịch tại địa phương khi tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức năm 2020, đến nay, Hợp tác xã Mường Bo Xanh của chị Lồ Thị Hạnh, thôn Mường Bo 2, xã Mường Bo đã trồng được 7 vườn cây ăn quả có múi với tổng diện tích 10 ha. Trong đó, 2 vườn rộng 3 ha hợp tác xã khai thác các sản phẩm từ quả phục vụ du khách đến trải nghiệm, 1 vườn trồng bán cho khách hàng có nhu cầu.

Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ mà Hợp tác xã Mường Bo Xanh đưa ra phù hợp với khách hàng ưa trải nghiệm và giúp khách hàng hiểu sâu hơn về văn hóa các dân tộc bản địa. Mô hình của chị Hạnh còn có các dịch vụ trải nghiệm như làm vườn, chăm sóc cây ăn quả, thu hoạch hoa quả hoặc chế biến mứt, nước ép. Chị Lồ Thị Hạnh cho biết: Ðược sự hỗ trợ tận tình, tạo điều kiện mọi mặt của cán bộ Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa, tôi như được “tiếp lửa”, tự tin thực hiện dự án. Thời gian qua, lượng khách đến khám phá, trải nghiệm tại mô hình của Hợp tác xã Mường Bo Xanh ngày càng đông, đạt gần 600 lượt/năm. Vào đợt cao điểm từ tháng 3 đến tháng 8, khu nghỉ dưỡng của hợp tác xã luôn trong tình trạng hết phòng. Mô hình còn tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với tiền công 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Mã Thị Liên, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Bản Sài, xã Liên Minh mạnh dạn thành lập mô hình trồng cam V2 theo tiêu chí an toàn, ngon, không sử dụng chất bảo quản, không phun thuốc trừ sâu. Sau khi có thêm kiến thức từ lớp tập huấn trồng cây nông nghiệp theo hướng hữu cơ do Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa tổ chức, chị quyết định mở rộng quy mô trồng cam V2 lên hơn 4.000 m2. Với chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp, sản phẩm cam V2 của gia đình dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Chị Liên cho biết: Từ khi triển khai mô hình, tôi được Hội Phụ nữ thị xã giúp đỡ, kết nối với các đơn vị, công ty quảng cáo, mở gian hàng tại Hội chợ OCOP của thị xã, tỉnh để giới thiệu sản phẩm. Năm đầu, mô hình thu khoảng 5 tấn cam V2, với giá bán 25.000 đồng/kg, doanh thu đạt 125 triệu đồng. Từ triển khai dự án, mô hình đã góp phần tạo việc làm tại chỗ cho các thành viên trong gia đình, đồng thời cải tạo môi trường sống, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Đó là 2 trong số nhiều hội viên, phụ nữ đang nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp hội phụ nữ Sa Pa để phát triển ý tưởng khởi nghiệp. Thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trong năm 2020, Hội Phụ nữ thị xã đã hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ cho 2 ý tưởng vẽ sáp ong thổ cẩm, gìn giữ văn hóa dân tộc Mông (thôn Hàng, xã Hoàng Liên) và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch (phường Hàm Rồng); phối hợp với Hợp tác xã Lan Rừng hướng dẫn kỹ thuật cho 20 phụ nữ tham gia mô hình trồng và bảo tồn cây hạt cườm tại thôn Nậm Kéng, xã Liên Minh với 0,5 ha; tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng khởi sự, quản trị doanh nghiệp, triển khai mô hình khởi sự doanh nghiệp, câu lạc bộ nữ doanh nhân. Hội tiếp tục duy trì tín chấp với các ngân hàng với tổng dư nợ hơn 90 tỷ đồng cho 2.031 hộ vay.

Bà Giàng Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa cho biết: Thời gian tới, hội tiếp tục trợ giúp nhằm hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp có tính sáng tạo, phù hợp với tình hình, xu thế phát triển bền vững của địa phương. Đồng thời, tiếp tục mở các lớp tập huấn cho hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp. Hội cũng tìm kiếm, huy động nguồn lực từ các dự án quốc tế; đẩy mạnh tuyên truyền để phụ nữ hiểu các chủ trương, chính sách về khởi nghiệp; phối hợp với các ban, ngành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để hội viên, phụ nữ được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhà nước trong phát triển kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất.

LCĐT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video