Lễ ký kết hợp tác kinh tế - xã hội giữa hai tỉnh Khánh Hoà - Ninh Thuận

03/12/2005
Vừa qua, tại TP Nha Trang, lãnh đạo 2 tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận đã tiến hành ký kết bản thoả thuận về nội dung hợp tác kinh tế-xã hội giữa 2 tỉnh

Dựa trên mối quan hệ truyền thống gắn bó trong các cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước trước đây và yêu cầu khách quan về phát triển kinh tế -xã hội của mỗi tỉnh trong giai đọan hiện nay; nhằm phát huy lợi thế tiềm năng của mỗi tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng -an ninh mỗi tỉnh, khu vực; sau khi trao đổi, hai tỉnh thống nhất sẽ hợp tác lâu dài, toàn diện trên các lĩnh vực: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phát triển du lịch dịch vụ, thương mại và các lĩnh khác. Nội dung hợp tác được xây dựng thành các dự án, đề án cụ thể.

Đại diện lãnh đạo 2 tỉnh, đồng chí Hoàng Thị Út Lan và đồng chí Võ Lâm Phi đã ký kết bản thoả thuận hợp tác kinh tế-xã hội giữa 2 tỉnh. Để các nội dung hợp tác phát triển kinh tế-xã hội của 2 tỉnh đạt hiệu quả cao, lãnh đạo 2 tỉnh nhất trí giao cho Sở Kế hoạch-đầu tư của mỗi tỉnh chủ trì cùng các sở, ngành tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng nội dung hợp tác từ năm 2005 và các năm tiếp theo. Định kỳ 6 tháng một lần, Sở Kế hoạch-đầu tư 2 tỉnh đánh giá kết quả triển khai, báo cáo lãnh đạo mỗi tỉnh. Mỗi năm một lần, lãnh đạo 2 tỉnh sẽ tổng kết, đánh giá kết quả hợp tác, đề ra các biện pháp cần thiết cho các chương trình cụ thể và bổ sung những nội dung để tiếp tục thực hiện tốt nội dung ký kết nhiệm vụ hợp tác kinh tế-xã hội trong nhưng năm tiếp theo. Với việc ký kết thoả thuận hợp tác kinh tế-xã hội, sẽ đẩy mối quan hệ truyền thống cũng như kinh tế-xã hội giữa 2 tỉnh Khánh Hoà - Ninh Thuận lên một tầm cao mới.

 

Bản thỏa thuận hợp tác kinh tế -xã hội 2 tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận


I. Về nguyên tắc hợp tác:


- Tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận cùng thống nhất tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó giúp đỡ lẫn nhau mà các thế hệ trước đã gắng sức thực hiện, xúc tiến các chương trình hợp tác, khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng -an ninh trong khu vực; tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, các huyện, các doanh nghiệp của mỗi tỉnh hợp tác có hiệu quả, phát huy các lợi thế cạnh tranh và cùng có lợi; đảm bảo phát triển kinh tế -xã hội, đồng thời phát huy nội lực cùng phát triển.

- Tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận thống nhất hợp tác trên tinh thần bình đẳng, cùng có lợi và đạt hiệu quả. Trước mắt chọn một số nội dung hợp tác triển khai thực hiện ngay để mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chương trình hợp tác dài hạn. Quá trình hợp tác đi từ quy mô nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm cho sự phát triển kinh tế -xã hội của mỗi tỉnh.


- Tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận nhất trí sẽ hợp tác lâu dài, toàn diện trên các lĩnh vực; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại và các lĩnh vực khác. Nội dung hợp tác được xây dựng thành các dự án, đề án cụ thể.

II. Về nội dung hợp tác:


1. Về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng:


- Sử dụng lợi thế của sân bay Cam Ranh để phát triển kinh tế cả vùng, đặc biệt là các khu du lịch từ Bắc bán đảo Cam Ranh đến Ninh Thuận.


- Phát huy năng lực của cảng Ba Ngòi (tàu 3 vạn tấn) cho hai tỉnh trong việc phát triển các khu công nghiệp tập trung tại Cam Thịnh Đông, Ba Ngòi (Khánh Hòa) và khu công nghiệp Du Long (Bắc Ninh Thuận).


- Tỉnh Khánh Hòa thống nhất sớm đầu tư khai thông tuyến đường từ Quốc lộ 1A đến trụ sở UBND xã Cam Lập (Cam Ranh - Khánh Hòa).


- Hai tỉnh cùng kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải mở tuyến đường sắt từ khu công nghiệp Du Long (Ninh Thuận) đến cảng Ba Ngòi (Khánh Hòa).


2. Về du lịch:


- Hai tỉnh có kế hoạch phối hợp trong công tác vận động xúc tiến các nhà đầu tư, tham gia đầu tư trên địa bàn mỗi tỉnh; cùng phối hợp tổ chức các hội nghị kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước; tiến hành đầu tư xây dựng các khu du lịch từ Nam Cam Ranh đến Bắc Ninh Thuận; triển khai phối hợp thực hiện các tour du lịch giữa hai tỉnh để khai thác tiềm năng về du lịch của Ninh Thuận (du lịch sinh thái biển - rừng, du lịch văn hóa dân tộc, phát triển Vườn quốc gia núi Chúa và tham quan khu bảo tồn rùa vàng, du lịch đồi cát Nam Cương).


3. Về công nghiệp:


- Phát triển vùng muối chuyên canh của tỉnh Ninh Thuận gắn với công nghiệp hóa chất sau muối phục vụ các ngành kinh tế trong nước và xuất khẩu. Khánh Hòa tham gia đầu tư nhà máy sản xuất men sứ cao cấp đáp ứng yêu cầu phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống gốm sứ dân tộc Chăm.


4. Về nông nghiệp và thủy sản:


- Cùng hợp tác đầu tư hình thành vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy đường và tinh bột mì của hai tỉnh; phát triển đồng cỏ để chăn nuôi đại gia súc tại Ninh Thuận và Khánh Hòa.


- Thống nhất phối hợp tốt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở khu vực giáp ranh hai tỉnh, chống ô nhiễm môi trường sinh thái biển ở các khu du lịch dọc biển.

- Hai tỉnh hợp tác và hỗ trợ trong các lĩnh vực: Quản lý, khai thác hoạt động chế biến thủy, hải sản; hỗ trợ người dân Khánh Hòa, Ninh Thuận trong hoạt động đánh bắt, cập bến cá và neo đậu tránh bão.


- Xây dựng trung tâm nuôi trồng và chế biến thủy sản của hai tỉnh để cung ứng các sản phẩm có chất lượng cao cho du lịch và xuất khẩu.


5. Về giáo dục, văn hóa:


- Trên cơ sở các trường và cơ sở đào tạo hiện có của hai tỉnh, sẽ phát triển trường đại học và cao đẳng tại Nha Trang, trung tâm đào tạo nghề Cam Ranh, Phan Rang nhằm liên kết đào tạo nhân lực, trong đó Khánh Hòa đào tạo cao đẳng du lịch để cung ứng lao động du lịch cho vùng kinh tế Bắc Ninh Thuận - Nam Khánh Hòa và cho cả khu vực.


- Hai tỉnh phối hợp nghiên cứu phục hồi bản sắc văn hóa dân tộc Raglai và hợp tác tổ chức lễ hội văn hóa - thể thao các dân tôc thiểu số ba tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận.


6. Về khoa học công nghệ:


- Hai tỉnh nhanh chóng xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm giống cây trồng và vật nuôi để chuyển giao cho các tỉnh các loại giống tốt phục vụ phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa.


7. Về xúc tiến kêu gọi đầu tư:


Hai tỉnh cùng phối hợp tổ chức các hội nghị kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.


III/ Các bước tổ chức thực hiện:


Để các nội dung hợp tác phát triển kinh tế -xã hội của hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đạt hiệu quả cao, Sở Kế hoạch và Đầu tư mỗi tỉnh chủ trì cùng các sở, ngành tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng nội dung hợp tác từ năm 2005 và các năm tiếp theo để mỗi tỉnh quyết định.


Sở Kế hoạch và Đầu tư mỗi tỉnh là cơ quan đầu mối phối hợp, tổng hợp báo cáo và đề xuất lãnh đạo mỗi tỉnh quyết định các chương trình kế hoạch hợp tác cụ thể và cơ chế, giải pháp thực hiện. Định kỳ 6 tháng một lần, các Sở Kế hoạch và Đầu tư đánh giá kết quả triển khai, báo cáo lãnh đạo mỗi tỉnh.


Mỗi năm một lần lãnh đạo 2 tỉnh sẽ tổng kết, đánh giá kết quả hợp tác, đề ra các biện pháp cần thiết cho các chương trình cụ thể và bổ sung những nội dung cần thiết để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ hợp tác kinh tế -xã hội trong những năm tiếp theo.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video