LHQ ca ngợi nỗ lực xoá bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ ở Việt Nam

07/03/2007
Một quan chức của Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên hợp quốc (UNIFEM) cho biết Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá cao nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện các thể chế pháp lý nhằm xoá bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Phát biểu tại buổi Toạ đàm Bình đẳng giới và Công ước CEDAW của LHQ, ông Vũ Ngọc Bình, Điều phối viên của UNIFEM, nói Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản pháp luật mới nhằm xoá bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới theo đúng nghĩa vụ của quốc gia thành viên CEDAW.

Ông Bình cho biết tại khoá họp lần thứ 37 của Uỷ ban về xoá bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ của LHQ vừa kết thúc vào đầu tháng 2/2007, Uỷ ban này đã hoan nghênh việc Việt Nam đã thông qua Luật bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2001-2010, cũng như việc bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai và Luật Hôn nhân và Gia đình.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia về sự tiến bộ của phụ nữ (NCFAW), cho biết Chính phủ Việt Nam đang soạn thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng và thực hiện các chương trình kế hoạch hành động về bình đẳng giới.

Nhờ những nỗ lực trên, Việt Nam đã cơ bản đạt bình đẳng giới trong giáo dục phổ thông. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ tham gia lãnh đạo tăng đáng kể, đặc biệt Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ phụ nữ tham gia quốc hội cao nhất ở châu Á (27,3% trong tổng số đại biểu Quốc hội khoá 11 và 22% trong Hội đồng Nhân dân các cấp khoá 2004-2009).

Tuy nhiên, bà Vương Thị Hanh, đại diện cho tổ chức Mạng giới và phát triển cộng đồng (Gencomnet), cho rằng phụ nữ lãnh đạo thường tập trung ở các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục và lao động, trong khi những ngành, lĩnh vực có vị trí chiến lược khác như nghiên cứu, quản lý kinh tế, kế hoạch và đầu tư lại thuộc quyền kiểm soát của nam giới.

Nhằm thúc đẩy thực hiện công ước CEDAW, bà Hanh cho rằng Chính phủ cần phải xây dựng chiến lược tuyên truyền, giáo dục thông qua hệ thống thông tin đại chúng về CEDAW và Luật bình đẳng giới cho cộng đồng, đồng thời xây dựng cơ chế thực thi có hiệu quả Luật Bình đẳng giới.

Theo ông Bình, điều phối viên UNIFEM, Việt Nam cần phải nội luật hoá các quy định của CEDAW vào hệ thống luật pháp và chính sách của Nhà nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cần xem xét phê chuẩn Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Công ước về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) là một văn kiện chuẩn mực quốc tế được LHQ thông qua tháng 12/1979 và có hiệu lực từ tháng 9/1981. Đến nay, có 185 nước là quốc gia thành viên của công ước này. Việt Nam đã ký CEDAW tháng 7/1980 và đã phê chuẩn công ước này hai năm sau đó./.

(TTXVN).

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video