Liên Hợp Quốc tìm giải pháp thúc đẩy phụ nữ tham chính

05/05/2012
Ngày 25/4, tại phiên họp dành riêng về các vấn đề phụ nữ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khẳng định sự cần thiết của việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế thông qua tăng cường việc phụ nữ tham chính ở quy mô quốc gia và quốc tế.

Khai thác tài năng của phụ nữ

Phó Tổng thư kí Liên hợp quốc (LHQ) và Tổng Giám đốc Tổ chức Phụ nữ LHQ (UN Women), bà Michele Bachelet, nhấn mạnh bầu cử là phương tiện chủ chốt để phụ nữ tham chính cũng như đưa vấn đề phụ nữ vào các cuộc tranh luận chính sách. Bà Bachelet nêu bật nhu cầu tăng số phụ nữ vào các chức vụ lãnh đạo cũng như trong các quá trình lập pháp, các khu vực an ninh và luật pháp của các phái đoàn LHQ. Sự tham gia của phụ nữ vào các thể chế chính trị, luật pháp, tư pháp và an ninh sẽ tạo ra nguồn lực lớn nhất để thúc đẩy các quá trình chuyển tiếp hòa bình và phổ quát.

Từ năm 2011, Hội đồng Bảo an LHQ cùng với Tổ chức Phụ nữ LHQ đã thúc đẩy chiến lược chung về giới và hòa giải để khai thác tài năng phụ nữ trong các sứ mệnh hòa giải, cũng như nhằm tăng số lượng phụ nữ đảm nhiệm các chức năng của nhà hòa giải, quan sát viên hoặc nhà thương lượng trong các quá trình gìn giữ và kiến tạo hòa bình của LHQ. Tuy nhiên, mức độ tham gia lớn hơn của phụ nữ trong các nỗ lực không chính thức này đã không được chuyển thành sự hiện diện hoặc có tác động quan trọng trong giải quyết xung đột hoặc đối thoại chính trị. Các nhóm phụ nữ thường không được tài trợ đầy đủ hoặc không có vị thế xứng đáng để có thể tận dụng các cơ hội tác động đến chính trị.

Phó Tổng Thư kí LHQ về gìn giữ hòa bình, Hervé Ladsous, nhấn mạnh sự tham gia của phụ nữ và bảo vệ phụ nữ là nền tảng cho các nỗ lực thực hiện Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an nhằm tăng cường các biện pháp loại trừ những hành xử tàn bạo đối với phụ nữ trong các cuộc xung đột. Bên cạnh đó là loại bỏ những hành động phủ nhận quyền con người của phụ nữ và loại bỏ những phụ nữ khỏi các quá trình hoạch định chính sách trong các tình huống xung đột vũ trang, gìn giữ và kiến tạo hòa bình. Nghị quyết bao gồm các biện pháp đặc biệt để tăng cơ hội phụ nữ thắng cử, tăng phạm vi quyền hạn của các tổ chức phụ nữ, đào tạo nhiều ứng cử viên, tăng cường an ninh cho phụ nữ và phối hợp với các chính đảng để khuyến khích sự tham gia của phụ nữ.

Thành công nhưng nhiều thách thức

Mặc dù đã có sự gia tăng đáng kể số lượng phụ nữ trên chính trường song so với nam giới, tỉ lệ nữ trên mặt trận này vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của nữ giới. Tổng thư kí IPU, ông Anders B.Johnsson, khẳng định: “Đây là một thực tế đáng buồn trong vấn đề phát triển con người đến thời điểm này và không có gì có thể biện minh. Lí do đơn giản là vẫn còn nhiều nước thiếu ý chí để thay đổi”. Khu vực có tỉ lệ nữ trên chính trường cao nhất là các nước Bắc Âu với khoảng 42%. Thấp nhất là khu vực các nước Ả-rập, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 10,7% trong chính quyền.

Đáng ngạc nhiên là quốc gia dẫn đầu về tỉ lệ phụ nữ trong bộ máy chính quyền không phải ở phương Tây mà là Rwanda. 45 trong tổng số 80 ghế hạ viện nước này là phụ nữ. Tiếp sau lần lượt là Andorra (50%) và Cuba (45,2%). Tuy nhiên trên thế giới vẫn còn tới 7 quốc gia không có người phụ nữ nào trong chính quyền như Quatar, Ả-rập Xê-út…

Tỉ lệ nữ nghị sĩ trong các quốc hội châu Á năm 2011 vẫn ở mức 18% , không thay đổi so với năm 2010, trong khi tỉ lệ này ở châu Mỹ là 22,7%. Các số liệu mới về sự tham gia của phụ nữ trên chính trường thế giới cho thấy, phụ nữ có thể thành công trong bầu cử nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại hơn nam giới.

 

Theo tổ chức Phụ nữ LHQ và Liên Minh Nghị viện thế giới (IPU), hiện có 17 quốc gia có phụ nữ đứng đầu chính quyền, tăng gần gấp đôi so với năm 2005. Số lượng phụ nữ hiện chiếm khoảng 30% trong tổng số chính trị gia trên thế giới.

Theo Phụ nữ Việt Nam (PH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video