Mang nghề thủ công mỹ nghệ về cho chi em

06/02/2014
Chị là tấm gương điển hình trong công tác phát triển kinh tế, giải quyết việc việc làm cho chị em phụ nữ nông thôn được mời chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Đề án 343 và 704 của Thủ tướng chính phủ giai đoạn 2010 – 2015

Đó là chị Nguyễn Thị Xiêm – hội viên phụ nữ thôn Khánh – xã Lương Phong- Hiệp Hoà - Bắc Giang, chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thủ công mỹ nghệ xã Lương Phong trong công tác phát triển kinh tế, giải quyết việc việc làm cho chị em phụ nữ địa phương..

Chị sinh ra và lớn ở miền quê nghèo khó, nhân dân quê chị sinh sống chủ yếu bằng nghề nông thuần tuý, không có nghề phụ. Được bố, mẹ cho ăn học, tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành kế toán nhưng không xin được việc làm. Năm 2002, chị lấy chồng sinh con. Về quê chồng với tấm bằng kế toán chị học được trong trường không dễ gì kiếm được việc làm ở huyện vì lúc đó huyện nhà doanh nghiệp chưa phát triển. Chị nhận thấy, địa phương nơi chị sinh sống có rất nhiều phụ nữ thiếu việc làm, nhất là những phụ nữ ở lứa tuổi 40-50, bởi đồng ruộng thì có hạn mà ở lứa tuổi này họ cũng không dễ gì kiếm được việc làm trong các nhà máy, xí nghiệp, các cụm công nghiệp... . Suy nghĩ trăn trở mãi chị quyết định phải đi tìm nghề, một nghề nào đó vừa phù hợp với bản thân, vừa phù hợp với địa phương nơi mình sinh sống. Chính vì vậy, chị đã quyết định gửi con cho bố mẹ chồng trông nom để đi tìm nghề ở các tỉnh như Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên…Trong hành trình đi tìm nghề mới, chị luôn suy nghĩ  phải tìm cho được một công việc hữu ích cho chính gia đình mình, lại vừa có thể tạo việc làm cho nhiều người khác. Lặn lội nhiều năm, đến năm 2008 chị tìm được đến nghề làm hương xuất khẩu của một doanh nghiệp ở tỉnh Hưng Yên, chị nhận thấy thu nhập từ nghề làm hương khá cao, hơn nữa sản phẩm làm ra được doanh nghiệp bao toàn bộ không lo ngại đầu ra. Tìm được nghề mới chị yên tâm quay về vận động một số chị em thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ Lương Phong, với ngành nghề chính là sản xuất hương nhang xuất khẩu. Chị em bàn bạc thuê đất của dân để mở xưởng sản xuất, chị Xiêm bỏ tiền riêng của gia đình thuê thợ từ Hưng Yên về dạy nghề và vận động chị em học nghề miễn phí.

Chị Xiêm chia sẻ: Thành công nào cũng phải trải qua thất bại, với chị cũng vậy, cũng trải qua nhiều gian nan vất vả mới được có ngày hôm nay, vì cho dù thiếu việc làm nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tin tưởng ngay để đầu tư thời gian học nghề mới, hơn nữa học nghề làm hương không phải học vài ngày là xong mà phải học vài tháng. Khi mời thầy dạy nghề chị phải bỏ ra kinh phí khá lớn để mua nguyên liệu làm thử, thế nên nhiều người không đủ kiên trì bỏ dở làm cho chi phí dạy nghề bị đội lên rất nhiều. Có lúc chị đã tưởng như không thành công vì thấy lớp học ngày một hao dần đi. Nhưng với ý chí quyết tâm, chị quyết không bỏ cuộc, một mặt chị động viên chị em yên tâm học việc, mặt khác chị quan sát tỷ mỷ, ghi chép các công thức phối trộn nguyên liệu hương sau các lần thất bại để tìm ra công thức trộn nguyên liệu hoàn hảo nhất.

Rất may, sau những năm tháng khó khăn chị đã thành công, chị đã tuyển đủ số lao động cần thiết duy trì đều đặn hơn 4 năm qua. Hiện nay HTX của chị  thường xuyên có từ 40 đến 50 công nhân làm việc (các chị đều là hội viên phụ nữ), với mức thu nhập từ 2 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng tuỳ theo vị trí công việc; số hương thành phẩm sản xuất ra mỗi tháng từ 30-35 tấn. Vào thời điểm cuối năm, đơn đặt hàng nhiều chị phải tuyển thêm vài chục lao động thời vụ. Toàn bộ sản phẩm được Doanh nghiệp của Hưng Yên thu mua xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Trung Quốc.

Hiện nay HTX Thủ công mỹ nghệ Lương Phong đang hoạt động ổn định, cho dù những năm qua do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nhiều doanh nghiệp hoạt động khó khăn. Việc duy trì được nghề đòi hỏi sự đầu tư cả về chiều rộng và chiều sâu. Muốn một nghề mới có chỗ đứng vững vàng không chỉ đơn giản là dạy nghề xong rồi để mạnh ai người ấy lo mà quan trọng nhất là phải tạo cơ sở, điều kiện tốt giúp người học duy trì và phát triển nghề mới. Chị Xiêm mong muốn rằng để làm được điều đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi phù hợp, khuyến khích cá nhân, tổ chức đưa nghề mới về dạy cho người dân, tạo việc làm và hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra. Chị nhận thấy hiện nay ở nông thôn còn một bộ phận lao động thừa thời gian, thiếu việc làm, họ có sức khoẻ song tuổi đã cao, không đủ trình độ vào làm trong các nhà máy, xí nghiệp ở các khu, cụm công nghiệp tập trung. Theo chị, để tạo việc làm mới cho nhóm lao động này rất cần nhân rộng và phát huy vai trò của những mô hình, cơ sở sản xuất nhỏ ở nông thôn hoạt động theo quy mô hộ, nhóm hộ hoặc HTX. Khi có nhiều người tâm huyết với việc phát triển nghề mới, lao động ở nông thôn sẽ không phải ly hương tìm việc làm trong khi vẫn có kinh tế ổn định, có thời gian chăm sóc gia đình, dạy dỗ con cái.

Bên cạnh đó, chị tích cực tham gia công tác Hội, quan tâm tới công tác từ thiện, các khoản đóng góp từ thiện của địa phương chị đều tham gia đầy đủ. Thực hiện Công trình thi đua đặc biệt do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động “hướng tới phụ nữ và trẻ em nghèo”, cá nhân chị ủng hộ 1.500.000đ, vận động chị em trong HTX tham gia và quan tâm giúp đỡ các bà con nghèo khó trong cộng đồng dân cư nơi gia đình chị sinh sống.

Với những nỗ lực của bản thân, sự tự tin, quyết đoán quá trình tìm nghề và phát triển nghề tại địa phương, chị được Đảng ủy xã, chính quyền địa phương và Hội cấp trên ghi nhận, bản thân chị được nhận tặng bằng khen “Người có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2009” của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, danh hiệu “Người có công đưa nghề vào phát triển nông thôn” năm  2011của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Chị là một trong “Những tấm gương phụ nữ Tự tin - Tự trọng – Trung hậu - Đảm đang”./.

Theo Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video