Mất cân bằng giới tính đang gia tăng

03/12/2010
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang tăng lên. Điều này sẽ tác động tiêu cực lên cơ cấu dân số trong tương lai, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giới trẻ trong việc tìm kiếm bạn đời và gia tăng tệ nạn xã hội, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam Bruce Campbell cảnh báo.

Gia tăng tỷ số giới tính khi sinh

Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) vừa công bố một báo cáo phân tích định lượng về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam. Báo cáo đã cho thấy sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh theo vùng địa lý và đặc điểm kinh tế xã hội.

Theo đó, kể từ năm 2004, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam bắt đầu tăng, số lượng bé trai sinh ra nhiều hơn bé gái và không đồng đều trên các vùng lãnh thổ và giữa các nhóm dân cư. Tại khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ giới tính khi sinh (SRB) tương đối cân bằng: 105,6 (105,6 nam/100 nữ), thì ở Đồng bằng sông Hồng là 115,4; trung du và miền núi phía Bắc là 108,4; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là 109,8; Đông Nam Bộ là 110 và Đồng bằng sông Cửu Long là 110,1. Sự gia tăng tỷ số không đồng đều giữa các vùng miền đã làm cho tỷ số trung bình trên cả nước là 110,5.

Cũng theo báo cáo của UNFPA, sự mất cân bằng giới tính khi sinh là khác nhau giữa các khu vực. Ở phía Bắc, trừ khu vực miền núi và trung du Bắc bộ, tỷ số giới tính khi sinh ở nông thôn cao hơn ở khu vực thành thị. Nhưng ở phía Nam thì ngược lại, tỷ số giới tính khi sinh ở đô thị cao  hơn ở nông thôn.

Nhiều tác động tiêu cực

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Bruce Campbell cho biết, tính phức tạp của tỷ số giới tính khi sinh không chỉ theo vùng địa lý mà còn theo đặc điểm về kinh tế xã hội. Hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh có quan hệ chặt chẽ đến một loạt các yếu tố như dân tộc, trình độ, việc làm của người mẹ, và tình trạng nhà ở của hộ gia đình.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Thứ nhất, do quan niệm truyền thống: sự ưa thích cố hữu với con trai để nối dõi tông đường. Đây là một quan niệm đã ăn sâu trong suy nghĩ của người Việt. Để thay đổi được tư duy này cần phải có chính sách, phương pháp giáo dục cụ thể và cần phải có thời gian. Thứ hai, điều kiện kinh tế, học vấn cũng là một trong những nguyên nhân gây sự mất cân bằng giới tính. Theo báo cáo của UNFPA, ở các nhóm bà mẹ có trình độ tiểu học và thấp hơn, tỷ số giới tính khi sinh là 107,1; nhóm bà mẹ có trình độ trung học phổ thông và học nghề là 111,4; ở nhóm có trình độ cao đẳng trở lên là 113, 9. Điều này được lý giải: người có mức sống cao, trình độ học vấn cao, dễ tiếp nhận công nghệ là người tiên phong trong sử dụng phương pháp lựa chọn giới tính. Thứ ba, sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan hữu quan trong việc để xảy ra tình trạng chẩn đoán giới tính trước khi sinh, và việc thiếu kiên quyết xử lý những cơ sở y tế nạo phá thai ngoài ý muốn của các cơ quan chức năng đã gây ra tình trạng mất cân đối giới tính đáng báo động trên.

Ông Bruce Campbell cảnh báo, sự mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tác động tiêu cực lên cơ cấu dân số của Việt Nam trong tương lai, sẽ tác động trực tiếp đến giới trẻ trong việc tìm kiếm bạn đời tạo ra sức ép hôn nhân với tình trạng rất ít đàn ông tìm được phụ nữ để kết hôn. Ngoài ra, dư thừa nam giới sẽ là nguyên nhân làm gia tăng các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, HIV… Bên cạnh đó tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em gái có thể sẽ gia tăng.

Theo UNFPA, mỗi cá nhân, gia đình cần phải thay đổi quan niệm truyền thống, không nên phân biệt giới tính khi sinh. Không nên tạo áp lực giới tính, trai  hay gái đều là sự tự nhiên giới tính không nên can thiệp và mỗi chúng ta phải tôn trọng quy luật tự nhiên đó.  Sự can thiệp của các chính sách cụ thể của Chính phủ, của các cơ quan hữu quan trong việc làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính cũng là điều hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, vai trò của giới truyền thông có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thúc đẩy vai trò nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội và các chính sách của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của họ cũng như các biện pháp nhằm đảm bảo sự cân bằng giới tính.

Theo An Hà - Đại biểu Nhân Dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video