Mô hình hoạt động Hội

05/01/2019
- Hội LHPN tỉnh Quảng Bình: Ra mắt hai mô hình “Phòng, chống mua bán người” và “Phòng, chống tệ nạn xã hội”
- Hội LHPN tỉnh Hải Dương: Mô hình dịch vụ giúp việc gia đình.

Hội LHPN tỉnh Quảng Bình: Ra mắt hai mô hình “Phòng, chống mua bán người” và “Phòng, chống tệ nạn xã hội” 

Thôn Tiên Xuân(xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) hiện có 173 hộ với 888 khẩu, trong đó có 99% theo đạo Công giáo, đời sống của người dân địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Toàn thôn hiện có 7 hộ nghèo và 117 hộ cận nghèo. Đây là một trong những thôn khó khăn của xã Quảng Tiên, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội. Cùng với Tiên xuân, Bản Ón, (xã TrọngHóa, huyện Minh Hóa) là một trong những bản khó khăn nhất của huyện, giáp biên với nước bạn Lào, ở đây đa số là đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ dân trí thấp, có nguy cơ cao về tình trạng mua bán người. 

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống mua bán người, nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ tại một số địa bàn trọng điểm, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã tổ chức ra mắt mô hình điểm “Phòng, chống tệ nạn xã hội” tại chi hội Tiên Xuân, xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn và mô hình “Phòng chống mua bán người” tại Bản Ón, xã TrọngHóa, huyện Minh Hóa. 

Mô hình “Phòng, chống tệ nạn xã hội” và “Phòng chống mua bán người” được thành lập với 26 thành viên/mô hình.Tại buổi ra mắt, các thành viên tham gia được tuyên truyền, phổ biến một số nội dung về phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống mua bán người, truyền thông về phòng, chống ma túy, hình thức tội phạm sử dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nạn nhân là những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin.

Hội LHPN tỉnh Hải Dương: Mô hình dịch vụ giúp việc gia đình

Mô hình "Dịch vụ giúp việc gia đình" được triển khai đầu tiên tại xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc. Để triển khai mô hình, Hội LHPN xã Gia Xuyên đã chủ động khảo sát và biết được chị em phụ nữ trong độ tuổi từ 18-45 hầu hết đi làm tại các công ty, một số chị trong độ tuổi 45- 60 cơ bản ở tại địa phương trực tiếp tham gia lao động sản xuất một năm 2 vụ, thời gian còn lại không có việc làm để kiếm thêm thu nhập, cuộc sống gặp không ít khó khăn.

 Ảnh minh họa

 Mô hình "Dịch vụ giúp việc gia đình" của Hội LHPN Hải Dương


Mô hình "Dịch vụ giúp việc gia đình" xã Gia Xuyên được thành lập với 17 thành viên tham gia.Khi nắm bắt được người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ, ban chủ nhiệm câu lạc bộ chủ động phân công cho chị em trong mô hình những công việc phù hợp với sức khỏe, khả năng, sở trường của từng người như: Nấu cỗ, dọn dẹp nhà cửa, dọn vệ sinh cho các công ty, đơn vị, nhà hàng, rửa bát cho đám hiếu, hỉ, chăm sóc người già, trẻ em. Tùy từng tính chất và khối lượng công việc chị em có thể nhận theo giờ, theo buổi, theo tuần hoặc tháng, năm…

Để hỗ trợ mô hình, Hội LHPN xã Gia Xuyên đã tư vấn cho thành viên kiến thức nội trợ và chăm sóc người già, trẻ nhỏ, phục vụ đám hiếu, hỉ…, động viên, chia sẻ với các chị về công việc cũng như hoàn cảnh gia đình, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt Hội, sinh hoạt các CLB, đồng thời thường xuyên giữ mối liên hệ với Ban Chủ nhiệm cũng như các thành viên trong mô hình, hỗ trợ liên kết giới thiệu việc làm cho các thành viên. Năm 2018, Hội LHPN xã đã trích quỹ thăm hỏi tặng quà 3 thành viên có hoàn cảnh khó khăn số tiền là 900.000 đồngkịp động viên về tinh thần và vật chất để chị em yên tâm làm việc.

Mô hình hoạt động ổn định, các thành viên có công việc đều đặn, ổn định hơn, mỗi tháng thu nhập trung bình từ 3-5 triệu đồng (dịp tết lên tới 6 - 7 triệu đồng/tháng), từ số tiền thu được các đã trang trải chi tiêu cho gia đình, nuôi con ăn học và trích một phần xây dựng quỹ của mô hình để thăm hỏi, động viên chị em những lúc khó khăn, hoạn nạn…Từ hiệu quả của mô hình năm 2018 đã có thêm 5 thành viên mới tham gia nâng tổng số thành viên mô hình đến nay là 22 thành viên.

Chị Nguyễn Thị Nhãn, Chủ tịch Hội LHPN xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc chia sẻ: “Hiện nay,nhiều chị làm việc ở các công ty doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước khi về nhà không có điều kiện dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc người già, đưa đón trẻ đi học, phục vụ các đám hiểu, hỉ... Mô hình Dịch vụ giúp việc gia đình là nhu cầu rất cần thiết của xã hội nên mô hình đãđáp ứng nhu cầu của xã  hội, đồng thời giúp hội viên phụ nữ có thu nhập thêm để phát triển kinh tế gia đình”.

Mô hình dịch vụ gia đình tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nữ, tăng sự đoàn kết, tương trợ của các thành viên, tăng khả năng gắn kết với Hội; đồng thời hỗ trợ cho các gia đình có nhu cầu tìm kiếm, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ gia đình đảm bảo tin cậy, chất lượng tại cộng đồng; giảm bớt gánh nặng việc nhà, tạo điều kiện để phụ nữ dành nhiều thời gian vào các hoạt động: sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chính vì vậy, từ năm 2017 đã thành lập được 10 mô hình, năm 2018 phát triển thêm được 10 mô hình nữa nâng tổng số 20 mô hình với 237 thành viên.

Như Quỳnh, Phạm Thơm

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video