Một số ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

20/03/2013
Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 28/ĐCT - CSLP ngày 21/2/2013 lấy ý kiến các cấp Hội và hội viên phụ nữ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
        Tổng hợp nhanh ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, một số tỉnh, thành Hội và trên cơ sở nghiên cứu, phân tích những vấn đề liên quan từ thực tế, một số ý kiến ban đầu về dự thảo luật tập trung gồm:
     1. Về tổng thể dự thảo: so với Luật Đất đai hiện hành, dự thảo luật đã có nhiều quy định cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nhiều quy định đã rõ và đầy đủ hơn so với hiện hành
     Tuy nhiên, việc phân chia các chương của dự thảo chưa hợp lý.
     Xuất phát từ ý nghĩa đặc biệt của đất đai và nhằm khắc phục những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn thời gian qua, việc sửa đổi luật cần làm rõ 03 vấn đề cốt lõi là vai trò, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của nhà nước thông qua các cơ quan nhà nước; quản lý nhà nước về đất đai và bảo đảm quyền, cơ hội tiếp cận, sử dụng đất đai của tổ chức, cá nhân. Trên cơ sở đó có thể nghiên cứu làm gọn lại các chương của dự thảo
     2. Về trách nhiệm quản lý đất đai: dự thảo cần phân định rõ trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy ban nhân dân trong quản lý đất đai nhằm tránh chồng chéo và dễ làm nảy sinh tình trạng lạm quyền trong thực tế
     3. Về mối quan hệ giữa người sử dụng đất với cơ quan quản lý nhà nước về đất đai:
     - Cần có quy định cụ thể về điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, dựa chủ yếu trên điều kiện sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp
     - Cần có quy định nguyên tắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên vợ, chồng hoặc thêm thành viên khác trong gia đình phù hợp với nguồn gốc đất đai sử dụng do được giao hoặc chuyển nhượng, chuyển đổi nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các thành viên trong gia đình.
     - Cần nghiên cứu quy định lại “chủ hộ gia đình” tại Khoản 5 Điều 6 dự thảo vì thực tế chưa có quy định nào xác định người nào trong gia đình là chủ hộ, để tránh duy trì định kiến giới về vai trò của nam chủ hộ gia đình và khắc phục những bất cập thực tế, dự thảo nên quy định theo 1 trong 2 hướng “vợ hoặc chồng đối với việc sử dụng đất của hộ gia đình” hoặc “thành viên gia đình được cử đại diện đối với việc sử dụng đất của hộ gia đình” cho chặt chẽ và hợp lý.
     4. Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:
     - Dự thảo cần điều chỉnh lại những quy định có mối liên hệ với nhau theo hướng logic và hợp lý hơn.
     - Cần có quy định thể hiện rõ việc thu hồi đất: không làm xấu đi tình trạng ban đầu của người có đất bị thu hồi; không tạo ra khoảng cách quá lớn giữa những người cùng bị thu hồi đất do phục vụ cho các mục đích khác nhau của nhà nước và không quá chênh lệch giữa các mảnh đất liền kề nhưng khác địa giới hành chính (đất giáp ranh)
     - Cần có quy định bảo đảm cho đại diện gia đình hoặc người có đất bị thu hồi và các tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ (gồm các tổ chức chính trị - xã hội mà họ là hội viên, đoàn viên) được tham gia ngay từ đầu trong quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bắt đầu từ giai đoạn dự kiến chủ trương)
     - Cần có quy định bảo đảm cơ hội chuyển đổi việc làm, ưu tiên được lựa chọn cung cấp các dịch vụ đi kèm hoặc được làm việc trực tiếp trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được nhà nước giao hoặc cho thuê đất sau khi thu hồi phục vụ mục đích thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội khi đáp ứng đủ các yêu cầu chung.
     - Cần có những quy định bảo đảm và hỗ trợ cơ hội sinh kế bền vững cho thế hệ trẻ trong các gia đình có đất bị thu hồi và các chính sách hỗ trợ khi tình trạng thực tế về nơi ở, việc làm, thu nhập của các thành viên gia đình có đất bị thu hồi xấu hơn tình trạng ban đầu nhưng không có giải pháp hỗ trợ do khách quan tác động.
     5. Về thừa kế quyền sử dụng đất: khi quyền sử dụng đất được coi là quyền tài sản, người sử dụng có thể thế chấp thì cũng cần tính đến những quy định hợp lý hơn trong việc thừa kế quyền sử dụng đất để bảo đảm cơ hội công bằng cho con trai, con gái trong các gia đình vì thực tế chứng minh đối với đất đai, tuyệt đại đa số gia đình để lại di chúc thừa kế quyền sử dụng đất cho con trai hoặc cháu trai (trong các gia đình không có con trai). Cách thiết kế cần tính đến mối quan hệ với quy định về thừa kế trong Bộ luật Dân sự để bảo đảm khả thi
     6. Về quỹ đất: cần có quy định về việc dành quỹ đất cho việc xây dựng nhà ở cho thuê để hỗ trợ các cá nhân, gia đình khó khăn về kinh tế không tự chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trần Thanh Bình- PCT Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video