Mức trợ cấp xã hội: Cần có sự điều chỉnh

18/08/2008
Mức trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng xã hội sống tại cộng đồng chỉ bằng 22% so với tiền lương tối thiểu và bằng khoảng 17,1% mức sống trung bình của cộng đồng dân cư. Mức trợ cấp thấp, lại không theo kịp tốc độ tăng giá khiến đời sống của các đối tượng bảo trợ xã hội gặp phải muôn vàn khó khăn.


Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu ái, hỗ trợ, giúp đỡ   những đối tượng yếu thế trong xã hội. Số người được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng. Năm 2000 có 175.355 người được hưởng trợ cấp với tổng kinh phí trợ cấp 123 tỷ đồng, năm 2005 đã tăng lên 416.000 người với tổng kinh phí trợ cấp 422 tỷ đồng. Đối tượng trợ giúp, trợ cấp xã hội từng bước được mở rộng, trước năm 2000 chỉ có 3 nhóm đối tượng là người già cô đơn, người khuyết tật nặng và trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi. Từ năm 2000 trở lại đây mở rộng thêm cho người   từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội; người bị nhiễm HIV/AIDS; người mắc bệnh tâm thần; gia đình có hai người khuyết tật nặng không còn khả năng tự phục vụ; gia đình, người nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi; người đơn thân thuộc diện hộ nghèo, đang nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi. Ngoài ra, người chăm sóc, điều trị đối tượng bị HIV/AIDS, người khuyết tật nặng trong các cơ sở của Nhà nước cũng được phụ cấp thêm một khoản bằng 30-50% lương ngạch bậc.

Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mức trợ cấp được tiền tệ hoá và được điều chỉnh cao hơn. Thời kỳ trước đây, mức trợ cấp xã hội được tính bằng 12kg gạo để thuận lợi cho các hợp tác xã nông nghiệp trợ giúp cho đối tượng xã hội. Từ khi đất nước bước vào công cuộc   đổi mới mức trợ cấp xã hội đã được chỉnh rất nhiều lần. Tuy nhiên, có một thực tế việc điều chỉnh mức trợ cấp mới chỉ bù đắp được   một phần nhỏ đời sống vật chất và tinh thần của họ. Hay nói một cách khác, so với thực tế của cuộc sống, mức trợ cấp xã hội còn quá thấp.

Theo tính toán của nhiều chuyên gia trong ngành lao động thương binh   và xã hội thì hiện mức trợ cấp xã hội hàng tháng   cho   các đối tượng xã hội sống tại cộng đồng theo quy   định của Nghị định 67/2007/NĐ-CP là 120.000đồng/người/tháng chỉ bằng 22% so với tiền lương tối thiểu và   bằng   17,1% mức sống trung bình của cộng đồng dân cư, còn nếu so với mức sống tối thiểu ở nông thôn   hiện nay thì cũng chỉ bằng 32,5%. Với mức trợ cấp như vậy, những đối tượng yếu thế trong xã hội chỉ   đủ tiêu dùng cho lương thực - thực phẩm hàng ngày.

Mức trợ cấp xã hội đã thấp, mức độ bao phủ của chính sách trong thời gian qua vẫn còn rất nhiều đối tượng bảo trợ xã hội chưa được trợ cấp xã hội do tiêu chí xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội quá chặt. Những người được trợ cấp là những đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tiêu chí này vô hình đã loại bỏ những đối tượng khó khăn nhưng ở dưới ngưỡng đặc biệt. Bên cạnh đó, có nhiều đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhưng chính sách xã hội chưa với tới được vì nhiều lý do khác nhau, song chủ yếu vẫn là lý do thiếu nguồn ngân sách để thực hiện. Chẳng hạn, người già không có lương hưu, không có nguồn thu nhập phải sống phụ thuộc vào gia đình, con cháu; phụ nữ đơn thân nuôi con; những người có thu nhập thấp không bảo đảm mức sống tối thiểu.

Hầu hết đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội là những đối tượng sống trong các gia đình nghèo và với mức trợ cấp xã hội như hiện nay thì khó có thể đảm bảo cuộc sống ở mức tối thiểu nếu như không có sự trợ giúp của gia đình, cộng đồng và xã hội. Quan điểm xã hội hoá công tác trợ giúp xã hội là cần thiết và việc Nhà nước trợ giúp chỉ là một phần, còn phần khác là gia đình, cộng đồng, xã hội, song cũng phải tính đến bảo đảm an toàn cuộc sống cho các đối tượng và gia đình của họ ở mức tối thiểu, có nghĩa là mức trợ cấp xã hội phải gắn với chuẩn nghèo hoặc bằng 50%-70% tiền lương tối thiểu hoặc 33%-50% mức sống trung bình của dân cư.

Theo Hà Nội Mới

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video