Nâng cao quyền năng và vị thế của phụ nữ nông thôn

08/03/2012
Ngày 7/3/2012, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc đối thoại chính sách về Bình đẳng giới do Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh & Xã hội và Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhằm hưởng ứng chủ đề Nâng cao quyền năng và vị thế của phụ nữ nông thôn và vai trò của họ trong xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững của Ủy ban Địa vị Phụ nữ, LHQ tại kỳ họp thứ 56.

Tham gia diễn đàn có hơn 200 đại biểu làn những nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia từ các bộ, ngành và các cơ quan Trung ương liên quan; LHQ tại Việt Nam, Ngân hàng thế giới, các tổ chức phi chính phủ.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và tiếp tục thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phu nữ thông qua việc thực hiện các chính sách, chương trình liên quan đến bình đẳng giới; hoàn thiện khung luật pháp, tăng cường lồng ghép giới trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cũng cho rằng, hiện nay, mặc dù phụ nữ nông thôn có những đóng góp to lớn trong lao động, sản xuất nhưng họ vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi do định kiến giới, đặc biệt là đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phụ nữ nông thôn Việt Nam cũng ít cơ hội học tập, việc làm, tiếp cận thông tin và thụ hưởng các lợi ích của sự phát triển hơn phụ nữ ở khu vực thành thị. Do đó, “Việc đảm bảo các quyền tiếp cận bình đẳng giới trong các lĩnh vực cho phụ nữ nông thôn là một trong những chiến lược quan trọng của công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững của mỗi quốc gia”.

Tại Diễn đàn đối thoại, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng trong bình đẳng giới ở Việt Nam như: Anh sinh xã hội với lao động nữ nông thôn, các giải pháp tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ nông thôn; những hoạt động can thiệp của Hội LHPN Việt Nam trong việc hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ nông thôn; bình đẳng giới từ quan điểm nghiên cứu nhóm người dân tộc thiểu số ở Việt Nam; chính sách về bình đẳng giới trong thích nghi với biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai ở Việt Nam; các cản trở liên quan đến giới của các doanh nghiệp do nữ làm chủ…

 Ảnh minh họa

 Đoàn điều hành diễn đàn

Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam phát biểu, phụ nữ ngày nay đã có tiếng nói và tính đại diện lớn hơn so với trước kia, đặc biệt là ở cấp độ địa phương, một phần nhờ vào mạng lưới và sự cam kết mạnh mẽ của những tổ chức như Hội LHPN Việt Nam. Tuy nhiên, sự tham gia của phụ nữ vào những vị trí lãnh đạo cao cấp, bao gồm các vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch HĐND và UBND vẫn còn thấp. Bà cũng khẳng định những nỗ lực của LHQ trong việc cải thiện cuộc sống của phụ nữ nông thôn bao gồm công tác phối hợp với Hội LHPN nhằm trao quyền cho phụ nữ để ứng phó với thiên tai và tăng cường vai trò của phụ nữ trong quản lý va giảm nhẹ nguy cơ thiên tai. Bà cho biết, trong vòng 5năm tới, LHQ sẽ đầu tư khoảng 40 triệu đô-la Mỹ cho công tác Bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho phụ nữ, gấp đôi ngân sách giai đoạn 2006-2011.

Tại diễn đàn, tham luận của Hội LHPN Việt Nam về những hoạt động can thiệp của Hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ nông thôn đã được các đại biểu quan tâm, chú ý. Theo đó, bằng nhiều cách làm năng động, sáng tạo, Hội LHPN Việt Nam đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho phụ nữ trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống thông qua các hoạt động cho vay vốn và hướng dẫn sản xuất với các mô hình tín dụng hiệu quả; tổ chức các nhóm tương trợ và hợp tác xã để tiếp cận bình đẳng thông qua việc làm; nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực mọi mặt của phụ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới; đảm bảo quyền được tiếp cận các phương tiện chăm sóc sức khỏe thích hợp kể cả thông tin, tư vấn và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình…

Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí về những chính sách của Hội LHPN Việt Nam trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa vị thế của người phụ nữ trong gia đình và tham gia chấp chính, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng, với chức năng, nhiệm vụ của Hội thì công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng. Bên cạnh đó, sự chia sẻ, chung vai gánh vác xây dựng cuộc sống gia đình, “cả đôi cùng tiến” của người nam giới cũng là động lực to lớn giúp chị em phụ nữ vừa đảm đương tốt vai trò người vợ, người mẹ vừa làm tốt công tác xã hội. Về vấn đề phụ nữ tham gia chấp chính, theo Chủ tịch Hội, sự nỗ lực phấn đấu của chị em là yếu tố quyết định; với vai trò của mình, Hội LHPN Việt Nam sẽ tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước có những cơ chế quy định chức năng, nhiệm vụ của Hội trong công tác cán bộ nữ và chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ, đây cũng là một khâu đột phá trong phương hướng, nhiệm vụ của Hội nhiệm kỳ 2012- 2017.

 Ảnh minh họa

 Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hòa trả lời phỏng vấn báo chí

Diễn ra vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, diễn đàn đối thoại chính sách về Bình đẳng giới đã mang lại những ý nghĩa tích cực và sâu sắc; góp phần thúc đẩy sự phối hợp, chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức quốc tế và toàn xã hội trong việc đem lại những thay đổi thực chất trong đời sống của phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái nông thôn Việt Nam.

Vũ Hoa- TTTT
Ban Quốc tế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video