Nâng cao vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế APEC, thúc đẩy quyền của người khuyết tật

17/05/2017
Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM2) và các hội nghị liên quan Năm APEC 2017 đã chính thức khai mạc sáng 9/5, tại Hà Nội.

Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu từ 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã tham dự Hội thảo về Danh mục Kiểm tra Đóng mỏ của Chính phủ; Hội thảo Giấy chứng nhận xuất khẩu; Nhóm Bạn về người khuyết tật (GOFD); Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế (PPWE).

Phát biểu khai mạc tại cuộc họp Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế do Việt Nam làm Chủ tịch, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ trong sự phát triển của các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương. Theo Thứ trưởng, Việt Nam và các nền kinh tế thành viên khác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đều có chung ưu tiên hội nhập kinh tế, phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, phát triển nông nghiệp, hướng tới một nền kinh tế bền vững. 

“Chủ đề của APEC 2017 về "Tạo động lực mới, cổ vũ cho một tương lai chung" đã xác định rõ ràng kỳ vọng của các nền kinh tế APEC của chúng ta để thúc đẩy tính năng động mới cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế. Chủ đề cũng nhấn mạnh mục tiêu chung và lâu dài của APEC là xây dựng một cộng đồng hòa bình, ổn định, hội nhập và thịnh vượng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Theo đó, Việt Nam đã lựa chọn bốn ưu tiên: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đổi mới và hòa nhập; Hội nhập kinh tế khu vực sâu hơn; Tăng cường khả năng cạnh tranh và đổi mới của MSME  trong thời đại kỹ thuật số; Tăng cường An ninh lương thực và Nông nghiệp Bền vững trong ứng phó với Biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, chủ đề Phụ nữ và Diễn đàn Kinh tế năm 2017 đã được xác định là "Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và tăng cường kinh tế trong một thế giới đang thay đổi" với 3 ưu tiên bao gồm: Tăng cường bình đẳng giới cho tăng trưởng kinh tế toàn diện; Nâng cao khả năng cạnh tranh và đổi mới của MSME do phụ nữ làm chủ; Thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu và nhấn mạnh: cần phải làm nhiều hơn nữa để làm cho hợp tác APEC mang tính thực tiễn và có lợi cho tất cả phụ nữ để đảm bảo rằng không phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau tăng trưởng kinh tế và xã hội, và phụ nữ có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế của các nền kinh tế APEC.


Cuộc họp Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế lần này hướng tới việc thảo luận, đưa ra những giải pháp cụ thể, góp phần đẩy mạnh vai trò của phụ nữ trong cộng đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp mong muốn, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có sự hợp tác, phối hợp mạnh mẽ hơn nữa giữa các nền kinh tế Diễn đàn; tiếp tục thực hiện Kế hoạch chiến lược Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ giai đoạn 2015- 2018. Thứ trưởng đề nghị, các nền kinh tế thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ủng hộ Việt Nam tổ chức Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC (WEF) vào tháng 9/2017. 

Tại cuộc họp Nhóm Bạn về người khuyết tật (GOFD), Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, năm 2015, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7-8% dân số. Việc Luật Người khuyết tật có hiệu lực năm 2011 cho thấy những nỗ lực của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc tạo các cơ hội công bằng cũng như các quyền và lợi ích của người khuyết tật trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế, đào tạo nghề và việc làm; tiếp cận các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, nhà ở, giao thông công cộng, công nghệ thông tin và viễn thông. 

Thứ trưởng cũng đánh giá cao hiệu quả từ nhiều cuộc họp Nhóm Bạn về người khuyết tật được tổ chức trong những năm qua. Những kết quả này tạo nền tảng quan trọng, đánh dấu sự phối hợp chính thức trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về vấn đề người khuyết tật trong phát triển kinh tế.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp bày tỏ hy vọng, trong khuôn khổ các cuộc họp tới đây của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017, Việt Nam có thể cùng các nước thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ những kinh nghiệm thúc đẩy quyền và lợi ích của người khuyết tật.

http://genic.molisa.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video