Nghị lực siêu phàm của một cô giáo nhiễm HIV

13/05/2010
Một mái ấm với chồng và con là hạnh phúc bình dị nhất mà người phụ nữ nào cũng mơ ước . Nhưng với cô giáo ấy thì hạnh phúc lại quá mong manh khi chồng, con gái chưa tròn tuổi và người em trai đã lần lượt qua đời bởi căn bệnh HIV, bản thân chị cũng mang trong mình căn bệnh thế kỉ. Không gục ngã trước số phận, ngày ngày chị vẫn lên bục giảng với khát vọng “còn sống được ngày nào trên đời cũng phải sống cho ra sống”.

Giấc mơ gõ đầu trẻ

Có lẽ, ước mơ đứng trên bục giảng của cô giáo N.T.H (huyện Yên Thế, Bắc Giang) ảnh hưởng từ ông nội là một giảng viên một học viện ở Đà Lạt. Tuổi thơ H. khá vất vả khi mẹ bệnh tật liên miên, người chị gái đầu bị bệnh ngẩn ngơ. Quanh năm cô bé H. quần quật trên cánh đồng làm 1 mẫu ruộng. Có những mùa làm không kịp, H. phải đổi công cho hàng xóm. Cũng từ đó, cô gái bé nhỏ ấy rèn cho mình được bản tính tự lập.

Dù việc đồng áng vất vả nhưng H. vẫn rất ham học. Năm học cấp hai cô bé đỗ vào trường chuyên của huyện, suốt các năm học H. đều tham gia thi học sinh giỏi của huyện, tỉnh. Năm lớp 9 H. có mặt trong đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn.

Từ khi là học sinh cấp 2, H. đã có học bổng: “Học bổng lúc ấy là gần 4 trăm đồng, bố mình dành dụm lại mua cho chiếc xe đạp Phượng Hoàng để đi học. Đó là điều tự hào nhất vì nó là món tài sản đầu tiên mình tự làm được“.

H. được tuyển thẳng vào cấp 3 và khi định lên học tại trường chuyên của tỉnh Bắc Giang bố cô bảo: “Con mà học giỏi thì ở đâu cũng giỏi, nhà mình neo người bố đi làm xa, mẹ lại hay đau ốm nên con học gần nhà mà chăm mẹ với chị”. Nghe lời bố, H. vào học tại Trường THPT Tân Yên, suốt ba năm liền H. đều dự thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh và từng đoạt giải nhì.

Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm ấy, H. trúng tuyển cả trường ĐH Luật Hà Nội và ĐH Sư phạm II với số điểm rất cao. Đam mê môn Văn mà mong ước được đứng trên bục giảng như ông nội, H. chọn học ngành Sư phạm.

Tốt nghiệp đại học, N.T.H. là một trong 6 người cao điểm nhất khóa. Sau khi tốt nghiệp, khoa đã gợi ý cho cô làm đơn xét ở lại làm giảng viên, nhưng mong ước đến với học trò trường vùng cao đã thôi thúc cô.

H. nhận được quyết định về công tác tại trường THPT Mỏ Trạng, Yên Thế, Bắc Giang. Năm 1998, H. hăm hở lên với môi trường mới. Nhìn khu tập thể cho giáo viên là căn nhà cấp bốn lụp xụp, giếng nước không có, các cô giáo phải ra suối để giặt giũ, không có bếp núc… đôi lúc H. cũng chạnh lòng. Nhà cách trường 20 km, hằng ngày H. đạp xe đến trường đi dạy, nhưng do một lần bất cẩn, xe đạp bị trộm lấy mất nên cô giáo H. đã phải ở lại luôn khu tập thể cùng các em học sinh xa nhà.

Đau thương ào ào đến

Cô giáo trẻ khó quen với những vất vả nơi vùng cao nên hay đau ốm. Những ngày đầu ấy lương giáo viên tập sự chỉ hơn 200 nghìn, H. lại bị căn bệnh cặn thận nên rất khó khăn. Những ngày nằm viện có anh chàng ở gần trường cảm mến cô giáo H. nên đã tình nguyện lên bệnh viện để chăm sóc. Cảm động vì tấm chân tình ấy, chị đã đem lòng yêu anh. 

Chị tâm sự: “Đã say một chén cũng say, đã nên nhân nghĩa một ngày cũng nên. Khi yêu anh cũng có người khuyên là anh có quá khứ không tốt đẹp gì, có thể anh dính vào ma túy. Nhưng lúc ấy mình lại tự hào cho rằng mình đã cảm hóa được một con người, mình sẽ giúp anh thay đổi nên mình đã nhận lời anh không chút đắn đo“.

Không phân biệt giàu nghèo, bằng cấp, chị chấp nhận về làm vợ một anh sửa xe máy nghèo khó. Tháng 12/2001, cô giáo N.T.H lên xe hoa mong chờ một hạnh phúc ở mái ấm gia đình như bao người phụ nữ khác.

Tình yêu kết trái, chị sinh con đầu lòng là một cô công chúa rất dễ thương. Hai vợ chồng đặt tên con gái là Huyền Trang, nhân vật chính trong phim “Biệt động Sài Gòn” mà chị yêu thích. Thời gian này, chị lại nghe tin đồn chồng mình từng là “dân nghiện”, đã nhiễm HIV. Bàng hoàng, nhưng sau những lời thề thốt của chồng, chị vẫn một mực tin anh. Một tháng sau, con gái chị bị viêm phổi phải chuyển gấp xuống Bệnh viện nhi Trung Ương dưới Hà Nội.

Con đau ốm, chồng chị chán nản lại quay lại con đường nghiện ngập. Gia đình nhỏ bé ấy bắt đầu những tháng ngày khủng hoảng. Chị vừa chăm con vừa lo chồng nên gầy rộc đi chỉ còn 40 kg. Cả nhà lo lắng bắt chị đi xét nghiệm HIV, với một hi vọng mong manh. 

Tin con gái ốm không thể qua khỏi, bác sĩ cho thở bình oxi để đưa bé về nhà lần cuối cùng, chị như người chết đi sống lại, kết quả xét nghiệm HIV chị cũng không màng lấy. Ôm con về ngồi trên ô tô mà người mẹ ấy ngẩn ngơ.

Biết tin, người nhà đã chuẩn bị tất cả mọi thứ áo quan, vòng hoa trắng nhỏ bé…chờ bé về. Nhưng đi dọc đường, nghe tiếng đồ chơi ông nội lắc cô bé chợt mở dần mắt tỉnh dậy. Niềm hy vọng ùa về trong người mẹ trẻ, chị mang con về chăm sóc, còn một hơi thở cũng sẽ còn hy vọng.

Những ngày chăm sóc con, có đêm chị chỉ ngủ hai tiếng đồng hồ, ngày vẫn đến lớp dạy. Hai tháng sau, đang bế con trên tay thì chị thấy người con lạnh dần. Bà nội và bà ngoại đã thấy triệu chứng nên chuẩn bị tâm lí sẵn. Còn chị òa khóc nức nở: “Chiều nay con còn cho nó ăn bột cơ mà…?”. Người mẹ đau đớn như chết thêm lần nữa.

Con mất, chồng càng chìm sâu trong nghiện ngập, chị gạt nước mắt quyết tâm bắt anh đến trại cai nghiện. “Còn nước còn tát”, chị mong anh làm lại từ đầu. Tiền lương chị dành hết cho chồng đi cai, hằng tuần lại mang đồ đạc lên thăm anh. Có hôm, chị hết tiền phải nhịn cả ăn sáng, tiền đổ xăng đi thăm chồng cũng phải vay mượn.

Nể phục chị, mấy anh cán bộ trung tâm cai nghiện luôn động viên và giúp đỡ chị rất nhiều. Hết thời gian cai nghiện, về chỉ ở nhà được đến ngày thứ 31 anh lại bỏ đi. Khi hết tiền, anh tìm về nhà lấy hết đồ đi bán, có mấy sợi dây chuyền mẹ cho chị từ thời con gái anh cũng đem đi.

Những khi lên cơn không tìm được thứ gì đáng giá, anh quay ra đánh đập chị, dẫm cả gót giày lên ngực chị. Bố chồng thương quá đành khuyên: “Bố không muốn con bỏ chồng vì nó là con trai bố sinh ra, nhưng nó làm con cơ cực quá, nếu con có ý định ra đi bố mẹ không oán trách gì con đâu. Con đã trọn chữ nghĩa, chữ tình với nó rồi”.

Mẹ chồng chị thì chỉ biết im lặng khóc. Chị vẫn bao dung: “Những lúc ấy không phải là anh nữa mà là ma túy nó sai khiến anh ấy thôi”.

Cùng lúc ấy, chị được tin em trai cũng bị nghiện ma túy và nhiễm HIV trong một lần dùng chung kim tiêm với người bị HIV. Đó là thời gian chị vừa đến trường vừa lo vì chồng và em trai đã mắc bệnh vào giai đoạn cuối.

Những ngày tháng cuối cùng, chồng chị chỉ muốn được vợ đút cơm cho ăn và chỉ nắm tay chị không nói được lời nào. Chị như con thoi tất tả ngược xuôi từ nhà chồng đến nhà mẹ đẻ vừa chăm chồng vừa chăm em trai.

Ngày chị đưa tang em trai ra đồng, bầu trời đầy gió. Khi đám tang chưa xong, chị lại nghe tin chồng mất. Chị hốt hoảng lao về nhà, nhưng vẫn không kịp. Chồng đi không nói được với vợ một lời nào. Lúc ấy, chị nghĩ mình đã chết rồi, chị nằm liệt giường ngày này qua ngày khác. Mẹ chị chỉ biết ôm con khóc. Và một lần nữa, chị gắng đứng dậy.

Quãng đời còn lại


Những ngày sau khi chồng mất, ở một mình trong ngôi nhà vắng lạnh đến rợn người, đã có lúc chị tuyệt vọng hoàn tòan. 


H. bảo: “Tôi cũng thấy khâm phục sức chịu đựng của mình, bao nhiêu chuyện như thế vẫn chưa quật ngã được“. Trước đó, H. đã đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với HIV. Và H. đã nghĩ, nếu còn có ngày nào may mắn được sống trên đời, phải cố sống cho ra sống.

Người phụ nữ ấy đã dùng hết sức lực cuối cùng của mình để gần chục năm nay vừa chống chọi với bệnh tật vừa đến trường. Năm 2009, chị vừa từ bệnh viện cắt khối u về được 3 tuần lại tiếp tục đến trường.

Đau ốm, bệnh tật đeo bám nhưng cô giáo H. cố gắng không nghỉ bất cứ buổi dạy nào vì sợ phiền lụy đến các giáo viên khác. 4 năm H. là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là lao động tiên tiến ở tất cả các năm học.

Năm 2008, cô giáo H. được cử đi tập huấn chương trình đổi mới sách giáo khoa ở Bộ Giáo dục và là giáo viên đại diện phát biểu trước toàn thể Sở Giáo dục Bắc Giang. Bên cạnh hoạt động giảng dạy, chị tham gia viết thơ, truyện ngắn, bình văn… cho các tạp chí trong tỉnh và Trung ương và từng được giải thưởng của tạp chí Sông Thương.

Cô giáo H. tâm sự: “Bây giờ tôi không đơn độc vì có người thân quan tâm, các em học sinh cũng động viên tôi rất nhiều”. Em Thương (cựu học sinh THPT Mỏ Trạng) kể: “Em từng ở cùng cô giáo ở khu tập thể với hai bạn nữa, học sinh rất kính trọng cô và biết cô đau ốm càng thương cô hơn”. 

Mọi người ở đây thường biết đến một cô H. thân thiện, thường đến nhà phụ huynh chơi, động viên các em học hành. Nhà nào khó khăn, cô H. còn bỏ tiền lương ra hỗ trợ các em học sinh mua sách vở. Thầy Nông Văn Lương (Giáo viên THPT Mỏ Trạng) chia sẻ: “Các giáo viên trong trường thật sự cảm phục tấm gương của chị. Không phải ai cũng làm được như thế”…

Bây giờ, những khổ đau vẫn còn ngự trị nhưng cũng đang dần qua, cứ mỗi chiều, cô giáo vùng cao ấy lại một mình đi về sau giờ dạy và đi tiếp trong quãng đời ngắn ngủi còn lại.

Theo vietnamnet.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video