Người hàn gắn “nỗi đau da cam”

12/07/2006
Sau 6 năm phục vụ quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, những vất vả lo toan hàng ngày vẫn không làm vơi đi ký ức của tuổi thanh xuân gửi gắm nơi chiến trường và lại càng không thể thờ ơ với những nỗi đau hậu chiến của những người đồng chí, đồng đội, chị Nguyễn Thị Tâm quyết định phải làm một cái gì đó xoa dịu bớt nỗi đau của hàng nghìn nạn nhân bị di chứng của chất độc điôxin quái ác.

Hội nạn nhân chất độc da cam được thành lập, hàng nghìn nạn nhân được hưởng chế độ trợ cấp – đó là kết quả và là nỗ lực không mệt mỏi của chị sau bao ngày lặn lội, vận động gõ cửa các cơ quan chức năng đòi quyền lợi cho những người có số phận kém may mắn.

 

Đau nỗi đau thời hậu chiến

 

Năm 1973, tròn 17 tuổi, chị Nguyễn Thị Tâm tình nguyện lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ mở đường. Đất nước vừa giải phóng, chị được điều về tỉnh Ninh Thuận công tác, 4 năm sau chị chuyển ngành, ra Hà Nội học và về công tác tại trường nuôi dạy trẻ Hoa Hồng, thị xã Thái Bình (nay là TP Thái Bình), tỉnh Thái Bình. Trong bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật, ước muốn tìm lại đồng đội, gặp gỡ ôn lại ký ức Trường Sơn luôn là nỗi niềm đau đáu trong tâm trí chị.

 

Cuộc sống vừa ổn định, chị hăm hở thực hiện ý nguyện của mình. Năm 1994, Hội đồng ngũ “Nữ bộ đội Trường Sơn” được thành lập nhằm mục đích “giao liên” với những cựu công binh. Những lần đi thăm đồng đội, những cựu chiến binh đau yếu, những đứa trẻ tật nguyền…làm chị không cầm được nước mắt. Cuộc sống thiếu thốn, những số phận thiệt thòi của chị em càng làm chị khó ngủ hơn. Làm gì để giúp đỡ họ? Câu hỏi và trăn trở đó cứ xoáy trong đầu chị và thôi thúc chị bắt tay vào hành động. Chị cũng không ngờ rằng từ chuyện đi tìm lại đồng đội, chị đã đi theo một con đường thầm lặng, vất vả nhưng đầy ý nghĩa, đó là giúp đỡ và cùng sát cánh với những nạn nhân chất độc da cam.

 

Thắp lên ngọn lửa niềm tin

 

Những năm 90 của thế kỷ trước, khi Nhà nước ban hành chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, chị và những người đồng đội vui mừng khôn xiết bởi từ đây những con người đang phải chịu nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần sẽ phần nào bớt khó khăn. Nhưng thời điểm ấy, hầu hết các nạn nhân ở Thái Bình, do nhiều nguyên nhân đều chưa được hưởng chính sách ưu đãi. Nhiều người không biết mình được hưởng quyền lợi; những người khác lại mặc cảm…chị đã giúp họ nói lên tiếng nói của mình.

 

Không kể ngày mưa hay nắng, ngày cũng như đêm, một mình chị trên chiếc xe máy cà tàng rong ruổi trên những triền đê vắng vẻ hay những con ngõ nhỏ lầy lội, gặp gỡ, thuyết phục, hướng dẫn các nạn nhân làm đơn, tựmình đi gõ cửa các cơ quan chức năng đòi quyền lợi cho họ. Năm 2004, sau khi được đọc bài báo của giáo sư K. Hơ man kêu gọi các nạn nhân chất độc da cam lên tiếng, chị đã lao vào thách thức mới. Chỉ trong 1 tháng, chị đã tập hợp được hơn 3.500 lá đơn của những nạn nhân da cam lên tiếng để thế giới biết đến những mất mát họ đang phải gánh chịu. Bên cạnh đó, chị và các nạn nhân da cam còn giao lưu với Đoàn Luật sư Mỹ tại Hà Nội; tham dự nối vòng tay ủng hộ nạn nhân tại TP Hồ Chí Minh, góp phần kêu gọi ủng hộ của những người có lương tri trên thế giới trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh và góp thêm tiếng nói trong vụ kiện các công ty hoá chất cung cấp chất độc hoá học cho quân dội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

 

Nói về “sứ mệnh” của mình, chị tâm sự: Điều làm mình vui nhất bây giờ là các nạn nhân đã được sống bình đẳng giữa xóm làng, không còn lo mặc cảm với số phận. Họ đã được quan tâm, chia sẻ nhiều hơn. Và chị chỉ mong: Ngày càng có nhiều nạn nhân được chia sẻ, giúp đỡ, làm vơi đi những đau thương, mất mát và có nhiều cơ hội được hoà nhập với cuộc sống cộng đồng.

 

Ghi nhận những đóng góp của chị, tháng 6/2006 chị đã được cử đi dự Cuộc gặp gỡ tôn vinh “Những phụ nữ làm rung động trái tim Việt nam” do Thời báo kinh tế Việt Nam phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, Đài truyền hình Việt nam tổ chức tại TP. HCM.

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video