Người phụ nữ 6 năm “chở đò” nơi đất khách

19/10/2017
Hơn 6 năm giảng dạy ở Vương quốc Campuchia là quãng thời gian cô giáo Nguyễn Mai Thúy dành trọn tấm lòng nhiệt huyết để "truyền lửa” cho thế hệ trẻ người Việt ở Campuchia thêm tình yêu và hiểu về giá trị của tiếng mẹ đẻ.

Hơn 6 năm giảng dạy tiếng Việt ở Vương quốc Campuchia, giờ đây cô giáo Nguyễn Mai Thúy - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến tại TP. Phnôm Pênh đã quen với cuộc sống nơi xa xứ. Hơn 6 năm ấy là quãng thời gian cô dành trọn tấm lòng nhiệt huyết để "truyền lửa” cho thế hệ trẻ người Việt ở Campuchia thêm tình yêu và hiểu về giá trị của tiếng mẹ đẻ.

Tôi gặp cô Thúy tại một sự kiện ở Hà Nội. Ấn tượng của tôi đó là một người phụ nữ dịu dàng, cởi mở và có tấm lòng nhân hậu luôn hướng về học trò. Cô Thúy kể, cô đến Vương quốc Campuchia xinh đẹp như một sự tình cờ, qua lời mời của một người bạn ở đây. Nhớ những ngày đầu đặt chân lên đất khách, lúc đó cô đã bước vào tuổi ngũ tuần, nỗi nhớ nhà da diết cộng với những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy đã khiến cô Thúy nản lòng và quay trở về Việt Nam sau một thời gian ngắn. Nhưng khi trở về, những cô cậu học trò ở Campuchia của cô lúc đấy liên tục gọi điện cho cô, nài nỉ: “Cô ơi, hãy dạy chúng con”, cô Thúy lại động lòng nên quyết tâm quay trở lại và dạy tiếng Việt cho các em đến ngày hôm nay.

Nói về những khó khăn trong công tác giảng dạy trên đất khách, cô Thúy chia sẻ, do đời sống của đại bộ phận bà con Việt kiều tại Campuchia còn rất thiếu thốn nên việc học tập của con em người Việt tại đây gặp nhiều khó khăn. Học trò của cô hầu hết được sinh ra và lớn lên tại Campuchia. Tuy nói được tiếng Việt nhưng các em lại không hiểu hết nghĩa, thậm chí các em dịch tiếng Việt theo nghĩa tiếng Khmer nên việc dạy từ vựng và cách đặt câu đúng ngữ pháp cho các em rất vất vả. Cô Thúy trăn trở, do “cơm áo gạo tiền” nên các em thường bỏ học giữa chừng, hoặc gia đình nào quan tâm thì cũng chỉ cho con học hết lớp 4, lớp 5.

Tại Campuchia, ngoài 33 điểm trường, các lớp do Hội người Việt Nam tại Campuchia quản lý còn có các lớp do tư nhận mở ra dạy theo phương châm người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết. Một giáo viên dạy ghép nhiều lớp, từ lớp 1 đến lớp 4. Trong số 60 giáo viên người Việt Nam, hầu hết đã ngoài 50 tuổi như cô Thúy, thậm chí có thầy giáo ngoài 70 tuổi vẫn đứng lớp. Theo cô Thúy, việc thiếu giáo viên trẻ cũng là một trở ngại trong công tác giảng dạy tại nơi đây.

Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer - Việt Nam Tân Tiến đi vào hoạt động gần 10 năm, là một trong những ngôi trường tiểu học đầu tiên được xây dựng khang trang dành cho con em Việt kiều tại Vương quốc Campuchia, nhờ sự quan tâm của chính quyền Campuchia, Nhà nước Việt Nam, sự đóng góp của các cấp hội Việt kiều và các nhà hảo tâm. Bằng tình yêu thương đối với các học trò nhỏ, cô Thúy luôn tận tâm, nhiệt tình khi đứng lớp. Tấm lòng và tình yêu thương của cô đã thôi thúc các em tới lớp mỗi ngày. Một năm học mới lại bắt đầu, cô Thúy tâm sự, còn sức khỏe là còn chan chứa tấm lòng nhiệt huyết làm người "lái đò" giúp thế hệ trẻ Việt Nam sinh sống tại Campuchia được học tiếng mẹ đẻ để không quên nguồn cội.

QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video