Người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel hòa bình

07/01/2005
Giải Nobel hòa bình năm 2004 đã được quyết định vào phút chót dành cho bà Wangari Maathai, người Kenya. Đây là một kết quả xứng đáng, thuyết phục được tất cả mọi người và làm nức lòng những người dân của lục địa đen.

Wangari Maathai không chỉ là người phụ nữ đầu tiên của châu Phi nhận giải Nobel hòa bình, bà còn là người phụ nữ châu Phi đầu tiên lãnh đạo một khoa tại một trường đại học, là người đi tiên phong trong bảo vệ môi trường... Sau khi nhận văn bằng cử nhân và thạc sĩ tại Mỹ, Wangari Maathai (sinh ngày 1/4/1940) trở về Kenya lấy tiếp bằng tiến sĩ triết học tại Đại học Nairobi.Nhưng có lẽ tên tuổi bà chỉ thật sự gây chú ý kể từ năm 1977, khi bà khai sinh cuộc vận động xã hội mang tên “Phong trào vành đai xanh”, phát động toàn xã hội tham gia trồng cây. Bà đặc biệt chú trọng việc tổ chức ươm cây con để rồi trao chúng miễn phí cho tất cả những ai muốn trồng cây.

Tại Kenya, đây là một việc làm vô cùng cấp thiết giúp bảo vệ dòng chảy của nước, ngăn chặn nạn xói mòn đất đai. Việc này còn giúp bảo đảm củi đun cho người dân bởi 90% người Kenya tới nay vẫn sử dụng củi để nấu nướng.
Năm 1986 phong trào của bà đã vượt ra khỏi biên giới Kenya, trở thành một mạng lưới trồng cây trên khắp châu Phi. Sau nhiều năm hoạt động, người ta ước tính tổng cộng đã có 30 triệu cây xanh được “Phong trào vành đai xanh” trồng ở châu Phi.

Năm 1977, Wangari Maathai ra tranh chức tổng thống Kenya, nhưng đảng đề cử bà đột nhiên rút lại lời tiến cử. Trong giai đoạn cầm quyền của tổng thống Daniel Arap Moi, Wangari Maathai đã nhiều lần bị bắt vì phê phán chế độ. Có lúc bà còn bị đánh đập. Đó là vào năm 1999, khi bà đang cùng với những người bạn trồng cây trên một vùng đất đã được khai quang để xây dựng.


Chính quyền Arap Moi có nhiều lý do để không ưu ái bà Wangari Maathai: bà là người đã dám nói thật về những gì đang xảy ra trong những cánh rừng Kenya. Maathai cho công bố nhiều báo cáo, nêu nguyên nhân chính của việc hủy diệt và lụi tàn của những cánh rừng Kenya là sự tham nhũng vô độ của các quan chức chính phủ. Những cánh rừng đã dần biến mất để thay vào đó người ta trồng các loại cây cần sa xuất khẩu. Việc chặt phá rừng để lấy gỗ - theo Maathai - không thể diễn ra mà các quan chức nhà nước không biết.

Năm 2002, Maathai được bầu vào Quốc hội Kenya. Sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2003 của Mwai Kibaki (người tuyên bố sẽ nhổ tận gốc nạn tham nhũng ở Kenya), Maathai được bổ nhiệm làm Thứ trưởng bảo vệ môi trường.
Chức vụ mới khích lệ mạnh mẽ Maathai vì Tổng thống mới của Kenya đã ủng hộ cuộc vận động bảo vệ thiên nhiên của bà. Cùng với Bộ trưởng Kulundu, bà thông báo kế hoạch trong năm năm tới sẽ tăng diện tích rừng trong nước từ 2% lên tới 10% (mức các nhà khoa học đề nghị để Kenya có thể phát triển bền vững). Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ bà sẽ thực hiện kế hoạch này thế nào. Kenya không phải là nước nghèo tài nguyên, nhưng nạn tham nhũng đáng sợ tại đây đã để lại một dấu ấn khó phai trên đất nước này.

Ở vị trí Thứ trưởng, Maathai nổi tiếng với những quyết định gay gắt, không nhân nhượng. Để ngăn bớt nạn phá rừng, Maathai đề cập vấn đề này cả từ góc độ sức khỏe. Mỗi năm Kenya có 700 người chết vì AIDS, và theo bà Maathai, đó là một trong những yếu tố khiến nhiều cây quí của Kenya bị xẻ ra lấy gỗ đóng hòm.

 

Bà đề nghị để giữ những cánh rừng Kenya, chính quyền nên thuyết phục người dân làm quan tài từ nhựa rẻ tiền. Đoán trước sẽ có phản ứng, bà nhấn mạnh truyền thống chôn bằng quan tài gỗ chủ yếu là du nhập từ phương Tây Thiên Chúa giáo, điều mà bà nói “xa lạ với tập tục địa phương”.

Maathai cũng dành nhiều sự chú ý cho việc bảo vệ hệ động thực vật Kenya. Bà đã đặt việc bảo vệ các loài hoang dã làm một trong những nhiệm vụ ưu tiên cho công tác môi trường của Kenya sau khi nhận được thông tin báo động về việc đàn voi của nước này giảm từ 170.000 con xuống chỉ còn 16.000 con. 
Bà cũng đang hậu thuẫn cho Tổ chức Cứu lấy đàn voi (Save elephants) của Chính phủ Kenya thực hiện các đề án cứu voi (đề án này bao gồm việc gắn các bộ cảm biến vào voi để có thể theo dõi mọi sự dịch chuyển của chúng).

Không có gì đáng ngạc nhiên khi trước giải Nobel hòa bình 2004, Maathai đã nhận được rất nhiều giải thưởng giá trị, trong đó có giải thưởng Goldman tương đương giải thưởng Nobel của châu Phi.
Cho dù là người ủng hộ hay là đối thủ của Maathai, không ai không đồng ý rằng Wangari Maathai là một phụ nữ mạnh mẽ và không bao giờ từ bỏ mục tiêu đã định.

Theo báo Tuổi trẻ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video