Người phụ nữ Cơ Tu với sắc màu nhuộm sợi

30/09/2022
Trò chuyện với bà Bling Bết, khoảng hơn 70 tuổi, sinh ra và lớn lên tại làng Công Dồn, được coi là cái nôi nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Cơ Tu, được biết, từ xưa truyền lại, các bà, các mẹ trong làng thường lựa chọn những nguyên liệu từ tự nhiên để nhuộm màu cho trang phục . Với các nguyên liệu từ núi rừng, bà con Cơ Tu nơi đây đã tạo ra các thuốc nhuộm sợi bông với các sắc màu phong phú. Từ đó, tạo ra các sản phẩm dệt cườm hoặc dệt hoa văn gợn sóng trên nền chàm đen độc đáo.
Bà Bling Bết (thôn Công Dồn), xã Zuôih, huyện Nam Giang (Quảng Nam) đang truyền nghề nhuộm màu vàng (mơ rơớt), từ cây ma rơớt cho con gái Bling Bên

Với bà Bling Bết, hàng ngày ngoài thời gian lên rẫy hay vào rừng tìm kiếm thêm rau, măng rừng phục vụ sinh hoạt ăn uống của gia đình, bà còn vào rừng tìm kiếm cây ma rơớt, tà râm, ahứ, củ a ngoan mơrớt, ahó... Sau khi thu thập được “kha khá” từ thứ nguyên liệu tự nhiên vừa kiếm được, bà Bết sẽ mang chúng về nhà và tạo ra thuốc nhuộm cho sợi bông vải thổ cẩm.

Theo kinh nghiệm, để có màu đen (tăm) hoặc màu xanh chàm (ta viêng), bà Bết chặt cây tà râm, lấy thân lẫn lá cùng chất phụ gia là bột vôi từ vỏ ốc và hạt bắp rang cháy cho vào trong một cái ché lớn đổ nước vào rồi bỏ sợi vào ngâm. Muốn sợi bông trở nên màu đen (tăm), thì ngâm khoảng 10-12 ngày. Hoặc màu xanh chàm (ta viêng), thì ngâm chừng khoảng 6-7 ngày. Tùy thuộc vào kinh nghiệm, cách thức và thời gian nấu để có được những sắc màu đẹp nhất. Để sợi bông có màu đỏ (bhrôông), củ a hứ gọt bỏ vỏ rồi xéc mỏng, giã nát cho vào nồi đổ nước vừa phải bắc lên bếp nấu; còn muốn có màu vàng sẽ dùng thân của cây ma rơớt; thân và rễ của cây a ngoan mơrớt sẽ cho gam màu tím (pơnghinr/phrông). Sau công đoạn nhuộm màu thì vớt sợi bông ra phơi cho khô để dành phục vụ nghề dệt. Với cách làm truyền thống của bà Bết, quá trình tạo ra sợi dệt với các màu sắc khác nhau, nên mất rất nhiều công sức và thời gian, nhưng nó không làm mất đi giá trị, bản sắc văn hóa của dân tộc Cơ Tu.

Theo bà Bết, tự nhuộm màu cho sợi bông nên luôn tốn nhiều thời gian, nhưng bù lại sẽ làm tấm vải bằng sợi bông mềm mịn, mặc rất thoải mái mà còn có giá trị hơn, nên bà luôn đặt cả tâm huyết, tình yêu vào trong từng sợi chỉ đã nhuộm trên tấm thổ cẩm. Ngoài việc tỉ mỉ trong chọn, phối màu, phụ nữ Cơ Tu còn sáng tạo dệt họa tiết hình hoa văn bằng cườm khác nhau. Được dệt hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên các hoa văn hết sức tinh tế tạo thành những hoạ tiết đặc sắc bằng cườm trắng (arát bhooc) trên nền chàm đen thể hiện đậm nét tính thẩm mỹ và tài năng sáng tạo của người phụ nữ Cơ Tu.

Bà Bling Bết với quy trình tạo màu từ cây tà râm trong ché để có gam màu đen (tăm) hoặc màu xanh chàm (ta viêng)

Theo đó, tình yêu với nghề dệt truyền thống của người Cơ Tu đã ngấm sâu vào máu thịt hơn 50 năm nay của bà Bết lúc nào không hay. Khi hết sợi nhuộm, bà Bết lại lặng thầm vào rừng tìm nguyên liệu về chế xuất tự nhuộm màu cho sợi bông. Mỗi sản phẩm từ nghề dệt truyền thống của người Cơ Tu không những có giá trị về mặt kinh tế mà còn là sản phẩm tinh thần để bà Bết gửi gắm tâm hồn, tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình.

Chị Zơrâm Bằng (58 tuổi), một phụ nữ Cơ Tu trong thôn Công Dồn cho biết, bà Bling Bết là một trong ít người phụ nữ Cơ Tu của làng hiện nay biết dệt thổ cẩm giỏi, bà còn là phụ nữ có nhiều kinh nghiệm trong việc chiết suất màu từ thiên nhiên, núi rừng phục vụ cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Với kỹ thuật nhuộm biến những sợi bông trắng thành màu chàm đen, không một phụ nữ Cơ Tu nào trong làng Công Dồn sánh được với bà Bết. Do vậy, việc chế biến thuốc nhuộm và kỹ thuật nhuộm sợi bông của bà cũng khiến phụ nữ dân tộc Cơ Tu học hỏi rất nhiều.

Cảm nhận được cái tài hoa, khéo léo của bà Bling Bết trong việc tạo ra các màu từ các loại cây, củ, quả cũng như khung dệt, ché đựng thuốc nhuộm, giàn phơi sợi và một số dụng cụ khác để bà làm công việc yêu thích của mình là nhuộm màu và dệt vải phục vụ trong nghệ thuật tạo hình đặc trưng trên trang phục thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu. Các con gái, con dâu, lớp trẻ Cơ Tu thế hệ sau trong làng Công Dồn luôn được bà nhắc nhở phải giữ nghề truyền thống của tổ tiên và ai cũng thành thạo nghề dệt.

Nguyễn Văn Sơn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video