Người phụ nữ Khùa đầu tiên làm Bí thư xã vùng biên

03/02/2020
Không chỉ tận tâm với công việc, chị Hồ Thị Thoi - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) còn có nhiều thành tích trong xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình.
Bí thư Đảng ủy Trọng Hóa Hồ Thị Thoi trò chuyện với Bí thư chi bộ bản La Trọng 2 về kế hoạch đại hội sắp tới.

Đi lên từ nhân viên y tế thôn bản

Lớn lên trong gia đình người Khùa (dân tộc Bru Vân Kiều) ở bản La Trọng 1 nên ngay từ nhỏ Hồ Thị Thoi (SN 1983) đã sớm nhận thấy cái nghèo, cái khó đeo đẳng, bám lấy cuộc sống của gia đình và dân bản. Để nuôi được năm đứa con ăn học, bố mẹ Thoi phải bám rừng để tìm nguồn sống nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Đã thế, nhiều hủ tục lạc hậu và việc sinh đẻ nhiều con càng làm cho cuộc sống của bà con dưới chân dãy Giăng Màn khó khăn thêm.

Tốt nghiệp trung học cơ sở, Hồ Thị Thoi cứ suy nghĩ mãi phải làm gì để góp phần giúp đỡ gia đình và bà con nâng cao sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình. Như một duyên may, năm 2001, Thoi trở thành nhân viên y tế thôn bản, là “cánh tay nối dài” của ngành y tế địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục và chăm lo sức khỏe. Với sức trẻ và nhiệt huyết, cô nhân viên y tế Hồ Thị Thoi đã đến toàn bộ 18 bản của xã Trọng Hóa cùng ăn, cùng ở với đồng bào để tuyên truyền, vận động ăn chín uống sôi, vệ sinh thôn bản sạch sẽ và xóa bỏ tập tục lạc hậu. Khi đó, nhiều bản vùng biên Trọng Hóa chưa có đường mà chỉ là lối mòn băng qua núi đồi, khe suối nên có lúc, Hồ Thị Thoi phải đi bộ hai ngày đường mới đến được trung tâm bản.

Từ năm 2003 đến 2010, Hồ Thị Thoi được bầu làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trọng Hóa. Trên cương vị mới, chị kiên trì tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không kết hôn sớm, kết hôn cận huyết; vận động phụ nữ phát triển kinh tế thông qua sự trợ giúp của Hội. Người đảng viên trẻ này không chỉ xông xáo trong việc mà còn tranh thủ học tập, tự nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị cho mình. Năm 2015, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2015-2020, trở thành người phụ nữ Khùa đầu tiên giữ cương vị này ở Quảng Bình.

Nói đi đôi với làm để dân bản tin

Cộng đồng các dân tộc thiểu số sống bên dãy Trường Sơn ở khu vực miền trung nói chung, Quảng Bình nói riêng thường có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thụ động trong thực hiện các chương trình hỗ trợ tạo sinh kế. Trước đây đã có nhiều câu chuyện khôi hài diễn ra ở Quảng Bình đến nay thỉnh thoảng vẫn được nhắc nhớ: gạo được hỗ trợ tận xã, kêu bà con nhận thì không ai đến lấy vì…đang bận say rượu, bảo cán bộ cho thì mang đến nhà cho miềng (mình); hỗ trợ cây giống thì bà con đưa lên rẫy bỏ chết khô, hỏi sao không trồng, trả lời cán bộ cho thì lên trồng giúp luôn?!

Câu chuyện này, lần nữa chúng tôi được nghe nữ Bí thư xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi kể lại để mình chứng cho tư tưởng ỷ lại từng hằn sâu trong suy nghĩ của nhiều hộ đồng bào dân tộc trong xã. Với Trọng Hóa, nơi có 96% đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều sinh sống và đời sống đều khó khăn thì muốn vươn lên các gia đình phải tự tạo lập đời sống cho chính mình.

Nhận diện rõ lực cản lớn này, Bí thư Hồ Thị Thoi cùng với Chủ tịch xã Hồ Phin và Ban thường vụ Đảng xã tìm cách xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong thực hiện các chương trình, công việc cụ thể. Muốn bà con tin, cán bộ xã phải xắn tay làm trước rồi bà con mới làm theo. Hồ Thị Thoi tâm sự: “Với bà con dân bản, muốn họ tin thì trước hết mình phải làm tốt, làm cho họ thấy hiệu quả thì họ mới làm theo. Vì vậy, từ khi là một nhân viên y tế bản đến bây giờ là người đứng đầu đảng bộ, tôi đều làm việc theo phương châm này”.

Khoảng 10 năm trước, việc trồng rừng kinh tế ở xã biên giới này hầu như đều do người dưới xuôi lên thuê đất làm. Dân bản thì chỉ vào rừng tự nhiên kiếm lâm sản, săn bắt thú. Để thay đổi cách thức sản xuất cho bà con, đồng chí Hồ Thị Thoi cùng các cán bộ xã đi đầu trong việc nhận đất trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc. Bắt đầu những đồng vốn ưu đãi, Hồ Thị Thoi mua bò, nhận đất rừng trồng keo, tràm, lim, trám… Sau tám năm, gia đình chị đã có hai ha rừng kinh tế đang trong kỳ khai thác, đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt mang lại nguồn thu nhập khá cao. Vừa làm, chị vừa vận động và nhiều hộ người Khùa, người Mày ở Trọng Hóa đã tin tưởng làm theo.

Đến nay, toàn xã có hơn 600 hộ đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi với tổng số tiền lên đến 13 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Trên địa bàn xã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm như gia đình Hồ Phăn, Hồ Thị Thanh, Hồ Thị Thon. Đặc biệt, người dân trong xã đã trồng được hơn 500 rừng kinh tế và bảo vệ hàng nghìn ha rừng tự nhiên. Hiện, bà con cũng không còn cắt đất bán cho người ngoài xã trồng rừng như trước mà ngược lại còn đề nghị chính quyền xin cấp trên cho phép chuyển đổi một số vùng rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế.

Nhiều người đã có đất mà chưa nhận được cây giống hỗ trợ đã bỏ tiền ra mua cây về trồng cho kịp thời vụ.

Biết làm ăn nên đời sống bà con ở Trọng Hóa hiện đã khá hơn trước nhiều. Hàng trăm hộ đã tự chủ được kinh tế và biết đầu tư cho các mô hình kinh tế phù hợp. Năm 2019, toàn xã có 85 hộ thoát nghèo, trong đó có 7 hộ tự nguyện làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Chia sẻ về công việc của mình, đồng chí Hồ Thị Thoi cho biết, ngoài các ngày làm việc tại trụ sở xã theo giờ hành chính, chị tranh thủ thời gian xuống nắm tình hình, thăm bà con ở các bản gần trung tâm xã. Còn ngày nghỉ thì đến ở các bản xa. Đường sá nay cũng được đầu tư nên việc đi lại đỡ vất vả hơn trước song các chuyến công tác đều chiếm trọn thời gian nghỉ ngơi của chị. Về với dân bản để không chỉ tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước mà người nữ bí thư này còn lắng nghe những kiến nghị, thắc mắc của bà con. Chị Thoi kể lại, có lần, bà con ở vùng Lòm nhận cây keo giống nhưng chưa trồng do còn thắc mắc về chuyện phân chia đất. Chuyện nóng dần lên bởi cách giải quyết chưa thấu đáo của cán bộ chuyên môn xã. Nhận được thông tin, Bí thư Đảng ủy xã đến tận nơi đối thoại, lắng nghe ý kiến của bà con, đồng thời chỉ đạo cách giải quyết của UBND xã. Sau một buổi làm việc nghiêm túc trên tinh thần cầu thị, kiến nghị của người dân được giải quyết, bà con nhận đất vui vẻ trồng rừng.

Đối với những việc lớn, vượt quá thẩm quyền của mình, với tư cách là một đại biểu HĐND huyện, chị Hồ Thị Thoi tiếp thu ý kiến của nhân dân để kiến nghị cấp trên giải quyết, trả lời thấu đáo cho cử tri rõ. Chính vì vậy, uy tín của chị ngày càng được khẳng định, cán bộ và nhân dân tin tưởng, quý mến người nữ Bí thư xã năng động và luôn tận tâm với công việc.

Nhờ vậy, trong những năm qua, tình hình an ninh, chính trị ở xã vùng biên này luôn ổn định. Đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều, Chứt luôn đoàn kết, chung sức chung lòng cùng với bộ đội biên phòng giữ vững chủ quyền biên giới phía tây Tổ quốc.

Với những nỗ lực đạt được, tháng 8 năm 2019, chị Hồ Thị Thoi là cá nhân duy nhất của tỉnh Quảng Bình vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc thiểu số. Chia sẻ về niềm vui này, người nữ Bí thư Hồ Thị Thoi nói chân thành: “Thành tích là của cả tập thể, tôi chỉ là người đại diện mà thôi nhưng đây cũng là động lực để mình phấn đấu làm tốt hơn nữa trong công tác và phục vụ bà con”.

“Thời gian qua, trên cương vị công tác của mình, đồng chí Hồ Thị Thoi đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh- quốc phòng, góp phần thực hiện hiệu quả trong phong trào thi đua yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân tộc trên địa bàn xã Trọng Hóa. Đồng chí là điển hình trong thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện” - Nguyễn Bắc Việt, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Minh Hóa.

nhandan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video