Nguyên lãnh đạo TW Hội LHPN Việt Nam tâm huyết góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc XIII

16/10/2021
Sáng 16/10, nhân kỷ niệm 91 năm thành lập Hội và Ngày Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Những điểm mới trong dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, xin ý kiến các đồng chí nguyên là lãnh đạo TW Hội vào dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc XIII.
Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cảm ơn các thế hệ lãnh đạo Hội đã góp ý cho dự thảo văn kiện (Ảnh: Báo PNVN)

Tọa đàm có sự tham gia của các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam từ khoá X đến nay tại 2 điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga báo cáo với các đại biểu về tình hình hoạt hoạt động Hội 9 tháng đầu năm; sự phát triển của tổ chức và sự trưởng thành của cán bộ Hội; công tác chuẩn bị Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Đồng thời bày tỏ sự cầu thị được tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo TW Hội vào dự thảo báo cáo Chính trị, dự thảo sửa đổi Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội LHPN Việt Nam trình Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.

Toạ đàm diễn ra trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội và trực tuyến tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Báo PNVN)

Báo cáo với các đại biểu về dự thảo văn kiện, Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh các điểm mới, và vấn đề trọng tâm cần xin ý kiến. Trong đó có 5 quan điểm, định hướng phát triển của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027; 8 chỉ tiêu nhiệm kỳ trong các lĩnh vực phát triển kinh tế; văn hoá, xã hội, môi trường; xây dựng tổ chức Hội; và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới"; cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam"; hai khâu đột phá; ba nhiệm vụ trọng tâm và bốn nhóm giải pháp.

Đa số các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội tham dự toạ đàm đều cơ bản đồng tình, với những quan điểm mới: Lấy sự hài lòng của phụ nữ là thước đo chất lượng hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chuyên nghiệp; cán bộ Hội phải có tinh thần, trách nhiệm, khát vọng, cống hiến, vừa có năng lực, vừa có tâm, có tầm, sâu sát cơ sở, nắm được tâm tư nguyện vọng của tầng lớp phụ nữ để từ đó tham mưu, đề xuất những phương hướng giải pháp thấu đáo trong triển khai nhiệm vụ công tác Hội, phong trào phụ nữ, phù hợp với nhu cầu thiết thực của từng đối tượng, đặc biệt là nhóm phụ nữ yếu thế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Nguyên Uỷ viên BCH TW Đảng khoá X, XI; Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khoá X, XI góp ý cho dự thảo Văn kiện (Ảnh: Báo PNVN)

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khoá XI, XII; UV Đoàn Chủ tịch khoá IX, X góp ý cho dự thảo Văn kiện  (Ảnh: Báo PNVN)

Các đại biểu cũng đề nghị, mục tiêu trong dự thảo Văn kiện cần được xác định rõ để từ đó xây dựng được các chỉ tiêu, nội dung trọng tâm: công tác Hội phải phát huy được truyền thống, phẩm chất, tiềm năng, khả năng đóng góp của người phụ nữ; vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia tạo thành sức mạnh gắn kết đại đoàn kết dân tộc; tham gia xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước; Tổng kết, đánh giá để có những điều chỉnh, bổ sung, xây dựng thể chế mới, vận động các nguồn lực xã hội trong các phong trào, hoạt động Hội. Đặc biệt, theo ý kiến các đại biểu, quan điểm và định hướng phải tách biệt và có những đổi mới nhằm nâng cao sự tự tin cho phụ nữ nhằm bắt kịp xu thế hội nhập mới hiện nay.

Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, các tiêu chí trong dự thảo Văn kiện cần chú trọng việc phát huy ý chí tự lực, tự cường của phụ nữ, nâng cao năng lực, kỹ năng nhằm đáp ứng các hoàn cảnh, điều kiện việc làm; mở rộng tính đoàn kết, liên hiệp các tổ chức phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội để tạo sức mạnh chung, đóng góp vào công tác bình đẳng phụ nữ.

Đặc biệt, vấn đề về khâu đột phá chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ Hội cấp cơ sở nhận được sự quan tâm, tâm đắc của các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội, cho đây là điều kiện tiên quyết, quan trọng để  tập trung xây dựng Hội phụ nữ cơ sở nói riêng, hệ thống tổ chức Hội nói chung vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời đại 4.0. Các đại biểu đề nghị dự thảo Văn kiện cần quan tâm nhiều hơn nữa tới nội dung đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở có trình độ, kỹ năng, phương pháp để đại diện cho quyền và lợi ích của phụ nữ, thể hiện rõ vai trò, năng lực của cán bộ Hội trong tham gia giám sát, phản biện các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em tại địa phương.

Các đại biểu sôi nổi góp ý cần bổ sung một số vấn đề mới mang tính thời sự trong dự thảo Văn kiện

Bên cạnh đó, một số đề xuất đưa ra, dự thảo Văn kiện cần bổ sung một số vấn đề mới, thời sự hiện nay, cụ thể như việc hỗ trợ, đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề trong đời sống gia đình, đặc biệt là nuôi dạy, làm bạn cùng con thời kỳ Covid-19 và hậu Covid-19…

Trân trọng cảm ơn và tiếp thu các ý kiến đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm và sâu sắc của cán thế hệ lãnh đạo Hội, Chủ tịch Hà Thị Nga khẳng định, các ý kiến sẽ được nghiên cứu để hoàn thiện Văn kiện.

 

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video