Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh lớn, người thầy của tôi”

11/10/2013
Dẫu đã biết trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ ra đi không cưỡng lại được quy luật sinh tử, nhưng khi nghe tin bác Giáp qua đời tôi vẫn cảm thấy hụt hẫng, đau xót. Đối với tôi và nhiều người cùng lứa tuổi, chúng tôi luôn coi bác Giáp là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của đất nước và là một nhân cách lớn. Tôi hiểu thái độ của bác Giáp đối với công việc trên tất cả các cương vị. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh lớn, người thầy của tôi.

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang chỉ huy cuộc chiến đấu của chúng ta ở Điện Biên Phủ thì tôi hoạt động cách mạng bí mật ở TP Hồ Chí Minh. Tôi bị bắt nhưng sớm được thả. Khi đó, mọi người nói với tôi rằng: Chúng ta chiến thắng ở Điện Biên Phủ nên tôi mới sớm được trả tự do. Sau này, khi hoạt động trên công tác đối ngoại của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, tôi được đi rất nhiều nước và thấy rằng chiến thắng Điện Biên Phủ đã gây tiếng vang lớn trên thế giới, đưa Việt Nam từ một nước không ai biết đến thành một nước được nhiều người biết đến. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khơi dậy lòng tự giác của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn cầu. Với thế giới, chiến thắng Điện Biên Phủ gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không chỉ người dân Việt Nam ngưỡng mộ, biết ơn Đại tướng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều người dân trên thế giới cũng ngưỡng mộ và biết ơn Đại tướng. Tại nhiều nước, trong các cuộc biểu tình ủng hộ Việt Nam, người dân luôn hô vang: Hồ Chí Minh! Giáp! Giáp! Giáp. Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tôi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và có nhiều dịp đi công tác với Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó là Phó Thủ tướng phụ trách khoa học và giáo dục. Quan điểm của Đại tướng về giáo dục luôn xuyên suốt và phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Đại tướng cho rằng: “Chúng ta phải xây dựng, chăm lo nền giáo dục thật tốt vì đó là xây dựng con người. Muốn phát triển đất nước phải có những con người tài đức. Phải làm như thế nào để đầu tư tốt nhất cho giáo dục, quan tâm đến đội ngũ thầy giáo, cô giáo là những người dìu dắt các em học sinh”. Khi chúng tôi nói phải cải cách trong giáo dục thì Đại tướng ủng hộ: “Phải cách mạng trong giáo dục! Sự nghiệp giáo dục của chúng ta đã có đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến, nhưng trong giai đoạn này, chúng ta phải nâng giáo dục lên mức cao hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. Chúng tôi rất hiểu điều Đại tướng muốn nói. Đó là phải có sự chuyển biến thật mạnh trong nền giáo dục của chúng ta để đào tạo ra những lớp người có tài, có đức, đủ sức đóng góp cho đất nước. Kể cả sau khi nghỉ công tác và tuổi đã cao, Đại tướng vẫn luôn luôn trăn trở về vấn đề này. Mấy năm nay tôi vẫn luôn quan tâm đến giáo dục và tôi vẫn làm theo một số quan điểm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Với cá nhân tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng nhưng rất gần gũi với anh em. Chúng tôi có thể nói tất cả những suy nghĩ của chúng tôi với Đại tướng và luôn được Đại tướng đóng góp, động viên. Bản thân tôi rất biết ơn Đại tướng vì sự động viên của Đại tướng đối với tôi. Phải khẳng định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một học trò xuất sắc của Bác Hồ, khi nói đến Bác Hồ là nói đến Đại tướng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đi là một tổn thất to lớn cho đất nước, đó là quy luật của cuộc sống. Nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại trong chúng tôi một tấm gương rất sáng của người lãnh đạo, một con người luôn nghĩ đến nhân dân, đất nước.

Theo Báo QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video