Nhật Bản: Dự luật mới cấm quấy rối nơi công sở

12/03/2019
Ngày 8/3, Nội các Nhật Bản đã thông qua một loạt dự luật sửa đổi, trong đó cấm mọi hình thức quấy rối ở nơi làm việc và yêu cầu các công ty ngăn chặn tình trạng lạm dụng chức quyền hoặc ức hiếp, bắt nạt.

Thúc đẩy sự tiến bộ xã hội của phụ nữ

Các dự luật mới quy định mọi hành vi quấy rối của những người lợi dụng chức vụ cao hơn nơi công sở sẽ bị coi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, dự luật không đặt ra khung hình phạt đối với những người vi phạm. Những quy định mới cũng sẽ cấm các công ty có hành vi đối xử không công bằng đối với những lao động trình báo việc họ là nạn nhân của quấy rối tình dục. Ngoài ra, các công ty có nhân viên quấy rối tình dục một nhân viên của công ty khác sẽ buộc phải hợp tác trong tiến trình điều tra khi được yêu cầu.

Để thúc đẩy sự tiến bộ xã hội của phụ nữ, Chính phủ Nhật Bản sẽ yêu cầu các công ty vừa và nhỏ, có quy mô từ 100-300 nhân viên, đặt ra một loạt mục tiêu để thúc đẩy vai trò của phụ nữ lên các vị trí cao hơn. Trước đây, chỉ có những công ty quy mô lớn mới bị buộc phải đặt ra các mục tiêu như vậy. Ngoài ra, các công ty lớn cũng sẽ bị yêu cầu công khai các thông tin như tỷ lệ nữ giám đốc điều hành trong đội ngũ nhân viên, số lao động nữ hoặc nam đã nghỉ việc ở nhà chăm sóc con cái. Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ công bố danh sách các công ty không tuân thủ các quy định này.

Nếu được Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ hiện tại, dự luật trên sẽ có hiệu lực sớm nhất là từ tài khóa 2020 tới.

Động lực thay đổi luật

Trước đây, luật pháp Nhật Bản không có điều lệ nào cấm lạm dụng quyền lực ở nơi làm việc, trong khi các quy định về quấy rối tình dục được cho là không có tác dụng.

 Ảnh minh họa

 Thứ trưởng Bộ Tài chính Junichi Fukuda từ chức vì bê bối quấy rối tình dục


Theo một nghiên cứu năm 2017 của Liên minh Công đoàn Nhật Bản, 1/3 phụ nữ tại quốc gia này bị quấy rối tình dục tại nơi họ làm việc. 30% trong số 1.000 nạn nhân bị quấy rối ở nơi làm việc cho biết họ phải điều trị tâm lý và 20% đã nghỉ việc. Theo khảo sát đó, đối tượng thực hiện hành vi lạm dụng hoặc tấn công tình dục thường là những người có địa vị cao. Vì thế, 63% phụ nữ Nhật Bản đã im lặng và không có bất cứ khiếu nại gì. Tồi tệ hơn, với những người lên tiếng đòi công lý, họ đã bị giáng chức hoặc đuổi việc.

Thế nhưng, thời gian gần đây, phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo (Tôi cũng vậy) đã xuất hiện tại Nhật Bản - nơi mà những người phụ nữ bị tấn công tình dục thường không dám nói lên tiếng nói của mình. Một loạt cáo buộc quan chức cao cấp, người nổi tiếng ở Nhật Bản có hành vi quấy rối tình dục phụ nữ đã diễn ra. Đáng chú ý là ông Junichi Fukuda, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bị cáo buộc quấy rối tình dục một nữ phóng viên của đài truyền hình Asahi. Ông này đã phải từ chức năm ngoái. Bộ Tài chính sau đó thừa nhận vụ quấy rối và cắt giảm 20% lương của ông này trong 6 tháng. Vụ bê bối của ông Fukuda đã thu hút sự chú ý của công chúng đối với vấn nạn quấy rối tình dục nhưng đồng thời cũng đang giúp thay đổi thái độ cộng đồng.


 Ảnh minh họa

 Phong trào chống quấy rối tình dục #MeToo tại Nhật Bản


Kazuko Ito, luật sư tham gia tích cực phong trào #MeToo ở Nhật Bản cho biết, luật pháp của Nhật Bản về tội phạm tình dục đi sau nhiều quốc gia phát triển khác trên thế giới. Các điều luật có liên quan đến tội phạm tình dục đã được sửa đổi vào tháng 6/2017 sau 110 năm. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế chưa thể giải quyết. Thiếu những quy định chặt chẽ của pháp luật, cộng với đó là vấn đề văn hóa lâu đời khiến những phụ nữ bị tấn công tình dục bị tổn thương. “Điều cần thiết lúc này là sự đoàn kết, chung tay của cả xã hội. Hãy khuyến khích những người phụ nữ lên tiếng!”, bà Ito nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nội vụ Seiko Noda, người nắm giữ danh sách vốn đầu tư vì quyền lợi phụ nữ trong nội các của Thủ tướng Shinzo Abe, đã kêu gọi một đạo luật tăng cường bảo vệ những nạn nhân bị quấy rối tình dục. Nữ luật sư Kyoko Niimura cũng đã thu thập khoảng 20.000 chữ ký kêu gọi ban hành luật cấm các hành động quấy rối tại nơi làm việc.

 Ảnh minh họa

 Các nhà báo và các nhà hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ cầm bảng tuyên bố #WeToo (Chúng tôi cũng vậy) trong một buổi họp mặt tại Tokyo


Trước đó, một nhóm nữ phóng viên Nhật đã tổ chức họp báo thành lập mạng lưới đấu tranh chống xâm hại tình dục trong giới truyền thông. Mạng lưới Phụ nữ trong giới Truyền thông Nhật Bản (WiMN) được thành lập với 86 thành viên nhằm vạch trần những hành động quấy rối và lạm dụng tình dục trong ngành truyền thông.

phunuvietnam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video