Những điều không nên làm khi trời lạnh

27/12/2005
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương,

mùa đông năm nay nhiệt độ có thể xuống tới 7 độ C, thậm chí tại một số nơi miền núi phía bắc, nhiệt độ có thể xuống đến 3 độ C. Khi trời lạnh, không nên hơ tay trên lửa, trùm chăn kín đầu... vì đó là những thói quen có hại cho sức khỏe.

 

Tránh hơ tay trực tiếp trên lửa

 

Nhiều người có thói quen khi bàn tay bị lạnh cóng sẽ hơ lên bếp lửa hoặc bếp điện, bếp gas để lấy lại sự dễ chịu mà không biết rằng khi da bị lạnh kéo dài, huyết quản trên bề mặt da bị co lại và các huyết quản ở tầng sâu hơn cũng co theo, có thể dẫn đến co thắt, máu không lưu thông được bàn tay trở nên trắng bệch, tê dại. Nếu đột ngột đưa tay vào lửa hơ, các huyết quản bề mặt sẽ giãn ra nhanh chóng cho ta cảm giác dễ chịu, nhưng các huyết quản sâu lại chưa kịp giãn nở, chưa qua trạng thái co thắt nên máu vẫn không lưu thông được hoàn toàn. Do đó bàn tay sẽ bị sưng đau, phù nề.

 

Trước khi hơ tay vào lửa, hãy chà xát hai bàn tay vào nhau thật mạnh để làm ấm và tăng sự tuần hoàn máu ở tay đã rồi mới hơ tay vào lửa.

 

Tránh trùm chăn lên đầu khi ngủ

 

Thói quen đắp chăn kín cả đầu khi ngủ rất không tốt vì lượng oxy trong chăn rất ít, còn lượng cácbonic lại nhiều do ta thở ra. Do đó cơ thể sẽ bị hít vào lượng không khí quá thiếu oxy, các bộ phận không thể duy trì sự điều tiết bình thường. Nhẹ nhất, bạn không có giấc ngủ ngon, thức dậy thì tinh thần và năng suất làm việc của ngày hôm sau sẽ bị ảnh hưởng. Nếu kéo dài và thường xuyên tình trạng trên sẽ bị ảnh hưởng tới sức khoẻ. Vì vậy, dù trời có lạnh cũng không nên trùm chăn kín đầu khi ngủ. Tốt nhất nên có mũ ngủ để chống rét và đắp chăn bình thường, tư thế thoải mái, thư giãn.

 

Khi bị đau nửu đầu

 

Mùa lạnh đi ngoài đường về rất hay bị đau nửa đầu. Lúc ấy hãy ngâm tay vào nước nóng (nhiệt độ nước nóng già sẽ tốt nhưng phải đảm bảo không bỏng da tay), lượng nước chỉ cần ngập qua bàn tay là đủ. Có thể rỏ thêm vài giọt tinh dầu bưởi, hồi hoặc quế. Mỗi lần ngâm từ 30 - 40 phút nếu lạnh thì đổ thêm nước nóng để nhiệt độ nước luôn nóng. Ngâm tay nhiều lần trong nước nóng sẽ bớt đau đầu.

 

Lở môi khi trời lạnh

 

Đó là do virus herpes gây nên, cả khi dùng loại khăn ướp lạnh trong các quán ăn, nhà hàng. Virus herpes sẽ làm xuất hiện những chùm mụn nước li ti ở môi, đôi khi lan xuống cằm hay lên mũi hoặc hai má làm vùng da đó sưng đỏ, cảm giác đau rát. Nếu mụn vỡ sẽ lây nhiễm cho những người khác. Đồng thời các hạch cổ, dưới hàm có thể sưng to đau và thường kèm các triệu chứng giống cảm cúm như sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, đau họng, khó ăn uống... Sau 1-2 tuần, các mụn nước sẽ tự khô, đóng vảy lành lại và không có sẹo. Nhưng chúng dễ bị bội nhiễm vi trùng và gây lây lan virus herpes nhiều hơn. Vì thế khi thấy trời lạnh, có hiện tượng lở môi trước hết không sờ vào vùng có sang thương, không hôn hít, chạm vào người khác (đặc biệt là trẻ em). Không dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, khăn tắm, khăn lau mặt, ly uống nước, chén, đũa, muỗng, son môi, phấn trang điểm và "khăn ướp lạnh"... Nếu trang điểm và tẩy trang không nên dùng cream hay phấn trang điểm để che đi những mụn rộp hay vết lở vì sẽ dễ bị bội nhiễm vi trùng.

 

Có thể tự chăm sóc và điều trị bằng cách xúc miệng bằng nước muối pha loãng để làm sạch, dịu vết thương và giảm nguy cơ bội nhiễm vi trùng. Chỉ bôi thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Quan trọng hơn là giảm căng thẳng, lo âu; tăng cường dinh dưỡng, nâng cao tổng trạng. Tránh các loại thức ăn có nhiều arginine (một amino acid cần cho chu kỳ tái sinh của herpes) như dừa, đậu nành, đậu phụng, chocolate, cà-rốt... Nên ăn các loại thực phẩm mềm và nhạt như rau quả, trái cây, giá, thịt bò, cá gà, pho-mát... để tránh kích thích các vết lở và các vùng da nhạy cảm xung quanh.

 

Nếu bệnh kéo dài, có biến chứng, cần đi khám để bác sĩ kê đơn thuốc diệt virus càng sớm càng tốt. Nếu tái phát tới 6 lần/năm, phải uống thuốc diệt virus liên tục và chỉ được ngừng điều trị nếu chỉ còn ít hơn 2 đợt/năm.

Theo Gia đình xã hộ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video