Những bước tiến mới trong cuộc chiến chống HIV/AIDS

12/08/2010
Hơn 20.000 đại biểu, trong đó bao gồm hàng nghìn các nhà khoa học trên khắp thế giới, đã hội tụ về Vienne (Áo) tham dự Hội nghị quốc tế về AIDS lần thứ 18 nhằm chia sẻ và tìm ra những giải pháp cho các vấn đề liên quan đến căn bệnh thế kỷ. Trong thời gian diễn ra hội nghị từ ngày 18 đến 23-7, nhiều bước tiến trong cuộc chiến chống HIV/AIDS đã được công bố.

Đáng chú ý nhất là báo cáo thử nghiệm lâm sàng loại gel bôi âm đạo có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ. Nghiên cứu do Trung tâm về chương trình nghiên cứu AIDS tại Durban (Nam Phi) tiến hành đối với 889 phụ nữ ở độ tuổi 18-40, không bị nhiễm HIV, thường quan hệ tình dục và có nguy cơ lây nhiễm cao. Một nửa số đó được dùng gel kháng khuẩn âm đạo có chứa 1% tenofovir, loại thuốc ngăn ngừa HIV/AIDS của hãng Gilead Sciences (Mỹ). Loại gel không mùi, không màu này được dùng trong vòng 12 giờ trước và sau khi quan hệ. Trong khi đó, 50% còn lại dùng loại gel không có tenofovir.

Kết quả sau hai năm rưỡi thử nghiệm cho thấy gel chứa tenofovir có thể giảm đến 39% nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ, nhờ đó hạn chế lây nhiễm HIV qua đường tình dục. Với những người sử dụng gel này trong ít nhất 80% thời gian thử nghiệm, mức độ ngăn chặn lây nhiễm HIV lên đến 54%. Tuy nhiên, những người sử dụng gel ít hơn 50% thời gian thử nghiệm chỉ có thể giảm 28% nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, loại gel này còn làm giảm 51% khả năng lây nhiễm bệnh mụn rộp sinh dục, tác nhân làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV. Tác dụng phụ duy nhất có thể gặp nhưng không phổ biến là chứng tiêu chảy nhẹ.

Các nhà khoa học đang thử nghiệm nhiều hàm lượng hoạt chất tenofovir khác nhau nhằm tìm cách tăng cường mức độ hiệu quả của thuốc. Mặc dù loại gel kể trên phải đạt hiệu quả phòng ngừa ít nhất 80% mới có thể được Cục Quản lý Thực - Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép lưu hành và sẽ mất nhiều năm mới có thể đưa sản phẩm này ra thị trường, nhưng thành công bước đầu của nghiên cứu này được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình phòng chống AIDS Liên Hiệp Quốc (UNAIDS) đều đánh giá cao nghiên cứu trên vì đây là lần đầu tiên một phương thức phòng chống HIV dành riêng cho phụ nữ được thử nghiệm và cho hiệu quả cao. Điều này mở ra hy vọng lớn cho phụ nữ, đối tượng vốn dễ lây nhiễm HIV hơn đàn ông, đặc biệt là khi họ bị ép buộc quan hệ tình dục với bạn tình không sử dụng bao cao su. Hơn nữa, theo Tiến sĩ Salim S. Abdool Karim, một trong các tác giả của nghiên cứu, giá mỗi liều thuốc bôi này chỉ vài cent Mỹ nên phụ nữ ở các nước nghèo sẽ dễ dàng tiếp cận. Bà Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO, tuyên bố nếu gel được chứng minh hiệu quả trong những thử nghiệm tiếp theo, “WHO sẽ làm việc với các nước và đối tác để mau chóng mang chế phẩm này đến với mọi người”.

Một vấn đề luôn được thế giới quan tâm là quá trình bào chế vắc-xin phòng chống AIDS. Sau nhiều năm nghiên cứu với không ít thất bại, các nhà khoa học Mỹ đang tiến một bước rất gần tới việc tạo ra loại vắc-xin phòng chống AIDS khi tìm ra nguyên nhân tại sao một số người có khả năng đề kháng với HIV. Viện Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) phát hiện 3 kháng thể có khả năng vô hiệu hóa hơn 90% biến thể của vi-rút HIV-1. Phát biểu tại hội nghị ở Vienne, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho biết dự kiến trong 2-3 tháng tới NIAID sẽ công bố báo cáo kết quả thử nghiệm bước đầu vắc-xin được bào chế từ 3 kháng thể này. “Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu cho bệnh nhân nhiễm HIV dùng vắc-xin không phải đợi đến khi họ chuyển sang giai đoạn bệnh AIDS toàn phát mà ngay khi lượng tế bào CD4 trong máu họ giảm thấp hơn mức bình thường, thuốc có thể ngăn ngừa 90% nguy cơ tiến triển thành bệnh AIDS”. Ông cho rằng tuy hiệu quả của vắc-xin không đạt 100%, nhưng với một loại vắc-xin như thế, cuộc chiến chống bệnh AIDS sẽ chuyển biến mạnh trong 5 năm nữa.

Trong khi đó, các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phát hiện khoảng 1/200 người bị nhiễm HIV mang gien HLA B57 có biểu hiện phát bệnh rất chậm. Nghiên cứu cho thấy loại gien này giúp cơ thể sản sinh thêm nhiều tế bào T, dạng tế bào miễn dịch trong cơ thể, qua đó nâng cao khả năng phòng chống HIV. Phát hiện này mở ra hy vọng bào chế một loại vắc-xin phòng chống AIDS hiệu quả nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng quá trình phát triển và thử nghiệm thường kéo dài ít nhất 10 năm.

Theo baocantho online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video