Những ghi nhận sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước tại Bến Tre

24/07/2012
Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết, phụ nữ Bến Tre được tạo điều kiện tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, dạy nghề, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe. Nhiều cán bộ nữ được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị và được bố trí các chức vụ lãnh đạo, quản lý nhà nước.

Để Nghị quyết số 11 - NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thật sự đi vào cuộc sống, chỉ hơn 1 tháng sau khi Nghị quyết được ban hành, Tỉnh uỷ Bến Tre đã xây dựng Chương trình hành động số 13-CTr/TU, ngày 18/6/2007 về thực hiện Nghị quyết số 11. Đồng thời, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết cho các đồng chí trong Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy; chỉ đạo quán triệt sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng. Bên cạnh đó, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới, thông qua nhiều hình thức như: tuyên truyền qua kênh thông tin đại chúng, tọa đàm, hội thi tìm hiểu, tập huấn kiến thức về giới, bình đẳng giới, đóng góp ý kiến các văn bản luật, nghị quyết Đại hội Đảng, các chủ trương chính sách về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương… đưa quan điểm bình đẳng giới vào các lĩnh vực hoạch định chính sách, vào nghị quyết, chủ trương của Đảng, qua đó, nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được nâng lên, tạo bước chuyển biến rõ rệt về công tác phụ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị.

Để đẩy mạnh công tác phụ nữ thời kì CNH, HĐH đất nước, các cấp ủy đảng, chính quyền Bến Tre đã tăng cường chỉ đạo các ban, ngành cụ thể hóa việc thực hiện luật pháp và các chính sách có liên quan đến phụ nữ; tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia quản lý nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, dạy nghề, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ và đi vào nền nếp, giải quyết việc làm tại chỗ cho phụ nữ nông thôn. Điển hình như các tổ nghề nghiệp của huyện Bình Đại đã hỗ trợ vay vốn, kỹ thuật qua tập huấn, giải quyết cho 500 phụ nữ có việc làm ổn định, tăng thu nhập gia đình; huyện Thạnh Phú tổ chức 288 lớp dạy nghề thu hút 6.772 phụ nữ tham gia học nghề và giới thiệu việc làm cho gần 2.700 phụ nữ; xã Tân Thanh Tây (huyện Mỏ Cày Bắc) có trên 23 tổ, nhóm làm hàng thủ công mỹ nghệ may banh, kết cườm, se chỉ xơ dừa, dệt lưới xơ dừa, may cặp da... với trên 400 lao động, trong đó có 250 phụ nữ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, không có đất canh tác. Việc chăm lo về nhà ở, chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho lao động nữ tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh được chính quyền và các ngành chức năng quan tâm tốt hơn.

Xác định xây dựng gia đình và xây dựng người phụ nữ là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, góp phần giải quyết một số vấn đề xã hội, Cấp uỷ Bến Tre đã chỉ đạo việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ học tập, đăng ký và thực hiện tốt các tiêu chí trong xây dựng gia đình, xây dựng người phụ nữ gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “ Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; tạo điều kiện cho việc thực hiện các đề án “ Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, đề án “ Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”… Thông qua xây dựng những phong trào, mô hình hoạt động đã tác động lớn đến giới nữ, tuyên dương gia đình hạnh phúc, các gương điển hình tiên tiến, thành lập câu lạc bộ theo sở thích ở khu dân cư đã thu hút đông đảo phụ nữ tham gia và thúc đẩy cộng đồng tích cực hưởng ứng. Đến nay số gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt95,57%. Công tác tư vấn, hỗ trợ trên lĩnh vực hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội được tập trung thực hiện, tổ chức nhiều lớp tập huấn về Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ…. Qua đó, nhận thức trong giới nữ được nâng lên, góp phần thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ phụ nữ, trẻ em và ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình.

Trong xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá, Tỉnh uỷ rất chú trọng công tác quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ nữ và có sự chuyển biến tích cực. Trong nhiệm kỳ qua, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy và Hội đồng nhân dân các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước: tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủycấp tỉnh đạt gần 15%, cấp huyện đạt 13,4%, cấp cơ sở đạt 20,03%; tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 22,22% (tăng 2,29%), cấp huyện 21,87% (tăng 9,27%), cấp xã 18,78% (tăng 2,88%). Chất lượng đội ngũ cán bộ nữ được nâng lên cả trình độ chuyên môn và chính trị, cán bộ nữ được bố trí các chức vụ lãnh đạo, quản lý nhiều hơn. Trong 5 năm, cấp tỉnh có 125 cán bộ nữ, cấp huyện có 125 cán bộ nữ được bổ nhiệm phó phòng trở lên, cấp xã có 68 cán bộ nữ giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐND xã. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được tỉnh quan tâm. Từ năm 2008 – 2011, toàn tỉnh có 9.326 lượt cán bộ nữ các cấp được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận. Công tác phát triển đảng viên nữ được các cấp ủy đặc biệt quan tâm, gần 5 năm qua đã phát triển gần 4.000 đảng viên nữ, đạt tỷ lệ 30,89%.

Đặc biệt, trong những năm qua, Bến Tre đã chú trọng xây dựng, củng cố các cấp Hội LHPN vững mạnh, phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ. Theo đó, tổ chức Hội LHPN các cấp chuyển hướng mạnh hoạt động về cơ sở với phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có tổ chức Hội”. Đội ngũ cán bộ Hội ngày càng trưởng thành, trình độ được nâng lên. Cán bộ Hội cấp tỉnh có trình độ đại học chuyên môn đạt trên 90%, trung cấp chính trị trở lên đạt 79%; cấp huyện, thành phố có trình độ đại học chuyên môn và trung cấp chính trị trở lên đạt trên 45%. Công tác tập hợp, thu hút hội viên được có nhiều đổi mới. Trong 5 năm, toàn tỉnh Bến Tre đã phát triển mới trên 50.000 hội viên, nâng tổng số hội viên trong toàn tỉnh lên 272.570 hội viên, đạt tỷ lệ 77,1%. Việc xây dựng hội viên nòng cốt được tập trung thực hiện theo hướng dẫn của Hội cấp trên, 100% cơ sở xây dựng được lực lượng hội viên nòng cốt với 60.357 hội viên, đạt tỷ lệ 22,5 %.

Theo đồng chí Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bến tre Võ Thanh Hạo-, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt công tác tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Để làm được điều này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và thông qua Đề án “Xây dựng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ giữ chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị tỉnh Bến Tre giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020”

Thanh Hương - Ban GĐ – XH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video