Những mô hình làm kinh tế hiệu quả của phụ nữ

30/01/2018
- Sóc Trăng: Cây năn và con bò giống giúp phụ nữ cải thiện kinh tế gia đình
- Quảng Trị: Làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn rừng
- Thừa Thiên Huế: Hiệu quả từ mô hình trồng cây đậu bắp.

Sóc Trăng: Cây năn và con bò giống giúp phụ nữ cải thiện kinh tế gia đình

Trồng năn và nuôi bò đang là mô hình “ăn nên làm ra” của hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Thành Đạt, ấp Tà Lọt C, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Từ tổ hợp tác trồng cỏ, nuôi bò thành lập vào tháng 2/2016 với 14 thành viên, được vay vốn lãi suất thấp để mua bò giống và trồng cỏ, đến nay, HTX đã phát triển thêm 5 thành viên và đàn bò đã nhân lên được 44 con. Với đặc thù là vùng đất phèn trũng, xã Thạnh Trị có lợi thế trong trồng năn. Năn là loại cây thân mềm, lá năn non được dùng như một loại rau sạch,... mang lại lợi nhuận cho các thành viên từ 18 -20 triệu đồng/tháng. Việc nuôi bò giống của HTX chăn nuôi Thành Đạt được chính quyền địa phương rất quan tâm, cử cán bộ theo dõi, đồng thời tổ chức bồi dưỡng kiến thức điều hành, quản lý cho Ban chủ nhiệm HTX. Các thành viên tương trợ vốn cho nhau phát triển kinh tế, mua sắm vật dụng có giá trị trong gia đình, xây, sửa nhà ở... (mỗi thành viên góp vốn cho 1 thành viên mượn 10 triệu đồng/lượt), đến nay, đã có hơn chục thành viên được hỗ trợ. Thông qua mô hình đã mang lại lợi ích rõ rệt cho chị em, tạo ra sự phấn khởi và động viên chị em tích cực tham gia phát triển kinh tế, hoạt động Hội.

Quảng Trị: Làm giàu từ mô hình chăn nuôi lợn rừng

Gia đình chị Đoàn Thị Lợi, thôn Nam Phú, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được UBND xã cấp 3 mẫu đất. Từ 3 mẫu đất này, anh chị thiết kế 1 mẫu trồng cây ăn quả, một mẫu trồng cà phê, số còn lại anh khoanh vùng, xây chuồng trại chăn nuôi, trong đó có lợn rừng. Ban đầu chị vay mượn tiền từ bà con lối xóm đầu tư mua 4 con lợn giống. Anh chị bổ sung thức ăn, tạo sức đề kháng và phòng chống dịch bệnh cho lợn từ các loại lá cây thuốc Nam do chính mình trồng. Nhờ biết cách chăm sóc, đàn lợn của chị sinh trưởng, phát triển tốt. Từ 4 con lợn mỗi năm cho sinh sản 3 lứa, trung bình mỗi con lợn đẻ mỗi lứa từ 5- 10 con, đến nay đàn lợn của chị trên 30 con. Với phương pháp nuôi sạch, thịt lợn rừng thơm, ngon, tiếng lành đồn xa, thịt lợn rừng sạch của chị đượcnhiều khách hàngkhắp nơi ưa chuộng, chị đã cung cấp lợn giống, lợn thịt cho các nhà hàng và nhiều hội viên. Mỗi năm xuất từ 50 đến 60 con lợn rừng, thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng. 

 Ảnh minh họa

 Chị Đoàn Thị Lợi chăm sóc đàn lợn rừng


Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, chị còn là người “tiếp lửa”, hướng dẫn và truyền kinh nghiệm cho rất nhiều người phụ nữ khác, chia sẻkinh nghiệm cho chị em, những người được cung cấp con giống giúp chị em hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi lợn rừng, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững.

Thừa Thiên Huế: Hiệu quả từ mô hình trồng cây đậu bắp

Đây là loại cây trồng đã mang lại hiệu quả, năng suất cho chị em phụ nữ và nhân dân toàn xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền. Đậu bắp cho thu hoạch thường xuyên và liên tục với năng suất trung bình từ 10 đến 30 kg/lần/sào đem lại thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/1 sào/vụ; mỗi năm có thể trồng được từ 1 đến 2 vụ; mỗi vụ kéo dài 5 tháng. Từ việc trồng nhỏ lẻ, tập trung chủ yếu ở thôn La Vân Hạ nhưng đến nay đã lan rộng trên toàn địa bàn xã và đã trở thành thế mạnh trong sản xuất kinh doanh của chị em phụ nữ trong xã. Hiện nay, đậu bắp được đưa đi tiêu thụ ở các chợ trên địa bàn toàn tỉnh và còn đưa sang các tỉnh lận cận như Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng,… Việc mở rộng diện tích trồng cây đậu bắp đã góp phần giúp cho kinh tế gia đình ổn định, đời sống của chị em được nâng lên đáng kể, việc chăm lo cho con cái được tốt hơn; tạo điều kiện cho chị em tham gia các hoạt động xã hội.

Hồng Loan, Phương Thiện, LHPN Quảng Điền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video