Những ngọn nến trong đêm...

24/12/2010
Con người nói chung, một lúc nào đó và ở đâu đó vô tình hay hữu ý văng đời mình vào “bến đục”. Bến đục được hiểu như sự bần cùng của số phận, đáy cùng của danh dự sống và đầy ắp những mặc cảm. Đó là nỗi buồn sâu thẳm nhất – nỗi buồn mang tên HIV/AIDS. Nhưng giờ đây, nỗi buồn ấy đang chuyển sang một gam màu khác, sáng láng và tươi đẹp hơn nhờ những con người dám “đốt cháy” mình vì đồng loại. Họ đã tạo được một bức tranh đẹp về cuộc sống, bức tranh ấy mang tên: Những ngọn nến trong đêm...

Những câu chuyện... độc


Sau cú điện thoại gấp của bác sĩ Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Bệnh viện 09 Hà Nội, chúng tôi đã có mặt tại nơi mà một số người ác khẩu gọi là “lò si đa”. Bệnh viện 09 đầu đông có vẻ vắng lặng và ảm đạm – cái ảm đạm ấy như tăng thêm phần lạnh vì đây là nơi chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối...


Bệnh viện 09 hiện có 100 giường bệnh – đó cũng là 100 số phận éo le khác nhau đang gồng mình chèo chống lại tử thần. “Chống lại cái chết không khó nhưng chống lại những ánh mắt không đồng cảm thì khó vô cùng...” – bác sĩ Tuấn cho biết khi dẫn chúng tôi đi thăm khu bệnh nhân đặc biệt.


Những lời chia sẻ ấy quả là có lí khi chúng tôi giơ máy ảnh lên định chụp, một bệnh nhân HIV đã lấy tấm chăn ngả màu kéo che mặt. Chúng tôi lại gần cất tiếng, bệnh nhân vẫn không buông chăn, khóc ấm ức: “Em không muốn bạn bè biết em ở đây. Đừng chụp, đừng viết gì cả, đi đi...”.


Mấy chục năm tham gia chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, bác sĩ Tuấn thấu hiểu hơn ai hết những mặc cảm mà bệnh nhân nhiễm “H” phải chịu. Mỗi con người là một số phận buồn, một câu chuyện đầy nước mắt. Như anh Nguyễn Kim H. – hiện đang điều trị tại Bệnh viện 09, H. từng là tổng giám đốc thành đạt của một công ty khai khoáng. Vợ đẹp, con ngoan lại thành đạt nên H. tưởng cuộc đời sẽ đưa mình đến bục vinh quang. Nhưng không ngờ, trong một lần tiếp đối tác nước ngoài, H. đã “ngoại giao” với một cô gái chân dài mang tên Anna. “Số mệnh đưa đẩy hay định mệnh đặt sẵn hoặc có thể ông trời dùng bệnh “si đa” làm dấu chấm hết cho cuộc đời tôi...” - H. chia sẻ rất triết lý như thể anh muốn quên đi những vinh quang mà mình đã có hoặc sâu hơn là “đổ tội cho ông trời”.


Khác với H., Trần Bá T. lại nghèo kiết xác do “bậm” vào ma túy. “Trong cơn vật của thuốc, nào ai biết sống chết là gì, cứ thỏa mãn cái đã rồi sống chết tính sau...” – T. bộc bạch rất thật rồi vạch những vết lở loét trên mình để chứng minh với chúng tôi những đau đớn mà T. phải chịu sau những năm tháng thác loạn quên đời.


Trịnh Thu Q. là một trong những nữ bệnh nhân nhiễm “H” giai đoạn cuối tại Bệnh viện 09 lại “ruột ngựa” hơn. Có lẽ lời của những người sắp chết là thật hơn tất cả: “Tớ sắp chết, tớ chẳng giấu gì nhà báo, chồng tớ đã chết vì HIV cách đây 4 năm, hai đứa con tớ cũng không còn. Chúng bị nhiễm “H” ngay trong bụng mẹ... Tớ không ân hận gì cả, chẳng lẽ lại ân hận vì đã lấy chồng hay hận ông trời đã buộc tớ vào “bến đục”. Chỉ tiếc là tớ sắp chết nên chẳng giúp được gì cho xã hội và những người cùng cảnh...”.


Chiến thắng mặc cảm


“Chiến thắng mặc cảm tức là đã chiến thắng số phận, chiến thắng bệnh tật” – bác sĩ Tuấn khẳng định như đinh đóng cột. Sở dĩ bác sĩ Tuấn dám khẳng định điều ấy vì sau nhiều năm chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân nhiễm “H”, ông đã chiêm nghiệm được khá nhiều điều thú vị về tâm lý mà qua đó sẽ biến đổi thân thể bệnh nhân, giúp người có “H” chiến thắng bệnh tật, kéo dài tuổi sống như một người bình thường.

Câu chuyện không đâu xa lạ, Phạm Thị Huệ - một người nhiễm “H” sau nhiều đau khổ, trốn tránh do mặc cảm đã can đảm đứng ra công khai với xã hội và hoạt động rất tích cực trong công tác giúp đỡ và phòng chống HIV/AIDS, không chỉ tại Việt Nam mà cả thế giới đều biết đến chị. Với những hoạt động xuất sắc ấy, năm 2004, Tạp chí Time của Mỹ đã bầu chọn Phạm Thị Huệ là Anh hùng châu Á. Gần đây, Huệ điện thoại cho chúng tôi khoe rằng chị được chọn là nữ diễn viên chính trong bộ phim Siêu thoát của đạo diễn Vĩnh Khương.


Giống với Phạm Thị Huệ ở cái tên rất đẹp, hoa hậu HIV Trần Thị Huệ cũng rất năng động. Gặp chị tại quê hương Hà Nam, Huệ vui vẻ chia sẻ: “Vương miện hoa hậu chỉ là một giải thưởng nhỏ, giải thưởng lớn cho cuộc đời sẽ dành cho những ai biết vượt lên chính mình và chiến thắng số phận...”. Quả thực, vương miện cho cuộc đời mới đáng trân trọng, có lẽ vì thế mà từ khi thoát khỏi cái “kén” của sự mặc cảm, Huệ đã năng động và tự tin tiếp cận với nhiều người nhiễm “H” ở Hà Nội, Hà Nam... giúp các bệnh nhân có được những thông tin dự phòng và điều trị. Tuy chỉ học hết lớp 9 nhưng sự thông minh và nghị lực đã làm mọi người cảm phục.


Mỗi người là một ngọn nến


“Hãy tôn trọng quyền của những người nhiễm HIV, hãy chia sẻ với họ, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và cuộc sống của họ” – Đó là lời kêu gọi của ông Đoàn Văn Thái, Phó Chủ tịch Trung ương Hội CTĐ Việt Nam trong chương trình giao lưu “Thắp sáng quyền của những người nhiễm HIV/AIDS” tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội vừa qua.


Sân trường Đại học Quốc gia Hà Nội đang bừng sáng bởi những ánh điện đủ màu bỗng phụt tắt. Tất cả chìm vào bóng tối, những tán cây cổ thụ như chờ đợi bóng tối để vươn cánh tay khổng lồ ra nơi đang ken đặc người để phủ bóng. Những “cánh tay đen” ấy bỗng biến mất bởi hàng ngàn ngọn nến được thắp sáng lung linh. Người người nắm tay nhau dưới ánh nến cùng hát vang bài ca hi vọng. Hi vọng cho một cuộc sống tươi sáng hơn đối với những người nhiễm “H”. Trong ánh nến ấm áp ấy, tiếng ai đó thật trầm, chầm chậm cất lên: Mỗi người là một ngọn nến, chúng ta hãy thắp sáng quyền của những người nhiễm “H”. Hãy chung tay vì một cộng đồng yêu thương, hãy đùm bọc nhau lại vì một tương lai tươi sáng, vì một Việt Nam thân thiện...


Trong ánh sáng của những ngọn nến kia, tôi phát hiện thấy những giọt nước mắt của những bạn trẻ. Tôi hiểu rằng, những giọt nước mắt ấy không đơn thuần chỉ là yêu thương mà cao hơn tất cả, đó là sự “hòa mình với đồng loại” để phá bỏ khoảng cách.


Tôi cố đi tìm giọng nói trầm kia đã làm cho những bạn trẻ rơi lệ nhưng không được. Người thanh niên ấy đã hòa mình vào đám đông, tôi hiểu rằng, mỗi người là một... ngọn nến 


Sống hay là chết


Theo tổng kết của bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Việt Nam hiện nay có hơn 180.000 người nhiễm bệnh HIV/AIDS còn sống và khoảng 50.000 người đã chết vì căn bệnh thế kỷ. Cũng theo bác sĩ Tuấn, với cách sống buông thả, thiếu bản lĩnh của một số thanh niên hiện nay thì HIV rất dễ lây lan. Mỗi cá nhân trong cộng đồng phải biết tự bảo vệ mình và chung tay với xã hội ngăn chặn nạn dịch HIV.


Một trong những cách ngăn chặn hiệu quả là hòa mình vào cuộc sống của những người nhiễm “H”; Tuyên truyền và giúp đỡ họ vượt qua những rào cản về tâm lý. Đặc biệt tại các vùng nông thôn, nhiều người còn xem HIV như một cái gì ghê gớm và người nhiễm “H” tại các vùng quê phải chịu oan tiếng ác cùng những ghẻ lạnh của cộng đồng. 

Theo denthan.com (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video