Những nữ quân nhân nhà giáo Hai giỏi

30/12/2020
Các chị luôn giữ vững tinh thần sẵn sàng vượt qua khó khăn để thực hiện tốt công tác quốc phòng, chuyên môn.
Nguyễn Thị Kim Thoa (thứ ba, hàng đầu, từ phải sang) cùng các giảng viên Khoa Lý luận Mác-Lênin, Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Biến ước mơ thành hiện thực

“Không có việc gì khó, quan trọng là mình phải có quyết tâm và tinh thần sẵn sàng vượt qua khó khăn để thực hiện ước mơ hay không”- đó là chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Thoa, giảng viên Khoa Lý luận Mác - Lênin, Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Từ nhỏ, Thoa đã mang trong mình ước mơ sau này trở thành cô giáo đứng trên bục giảng. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Thoa thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Năm 2003, tốt nghiệp ra trường, chị về công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân 1.

Những ngày đầu nhận nhiệm vụ, Thoa không khỏi băn khoăn lo lắng bởi kinh nghiệm thực tế cũng như vốn sống của bản thân còn quá ít ỏi; hiểu biết về quân đội còn hạn chế, trong khi môi trường công tác vốn nổi tiếng khắt khe về nền nếp, tác phong kỷ luật quân đội... Để khắc phục những điều này, Thoa tự mày mò nghiên cứu, học hỏi; chỗ nào chưa hiểu rõ chị mạnh dạn hỏi những người đi trước. Cứ thế, cần mẫn và cầu thị, mọi khó khăn vướng mắc trong chị từng bước được tháo gỡ.

Thời gian thấm thoắt trôi, đến nay, Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Thoa đã có gần 20 năm gắn bó với Trường Sĩ quan Lục quân 1. Trong khoảng thời gian ấy, bằng những nỗ lực không ngừng, chị đã đạt nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị ghi nhận. 5 năm trở lại đây, ngoài thời gian giảng dạy, chị tham gia biên soạn 28 bộ đề cương bài giảng; chủ biên 1 giáo trình Triết học Mác-Lênin (dùng cho đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng); tham gia biên soạn 3 giáo trình Triết học Mác-Lênin (dùng cho đào tạo đại học, cao đẳng, liên thông từ cao đẳng lên đại học); tham gia nghiên cứu 2 đề tài khoa học đạt kết quả xuất sắc và có tính ứng dụng cao.

Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Thiếu tá Nguyễn Thị Kim Thoa còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của trường, của các tổ chức quần chúng. Trên cương vị là cán bộ công đoàn cơ sở, hội viên hội phụ nữ, chị đã chủ động đề xuất, tham mưu nhiều mô hình hoạt động thiết thực; tích cực vận động đoàn viên công đoàn, hội viên phụ nữ tham gia các cuộc thi, hội thi do tổ chức quần chúng nhà trường và cấp trên phát động; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cán bộ, đoàn viên, hội viên hoàn cảnh khó khăn, ốm đau dài ngày.  

Với những nỗ lực và cố gắng trong công tác, 4 năm liền (2016-2019) Nguyễn Thị Kim Thoa được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2019; bằng khen của Bộ Quốc phòng (năm 2018) cùng nhiều bằng khen, giấy khen...

Chính trị viên phó “hai giỏi”

Hội thi cán bộ giảng dạy chính trị năm 2020 của Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đã khép lại, nhưng ấn tượng về nụ cười, phong thái đĩnh đạc, truyền cảm trên bục giảng của người đoạt giải Nhất cuộc thi vẫn còn mãi.

Đồng chí Bế Thị Châm - Chính trị viên phó Ban CHQS xã Vân Tùng (huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn), người đoạt giải nhất hội thi, không chỉ để lại ấn tượng bởi không chỉ bởi khuôn mặt xinh xắn với nụ cười luôn nở trên môi mà bởi phong thái đĩnh đạc, truyền cảm trên bục giảng.

Đồng chí Bế Thị Châm thực hành giảng bài chính trị tại hội thi.

Sinh năm 1993, cô gái trẻ dân tộc Tày lớn lên giữa núi rừng với lợi thế tốt nghiệp Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tháng 7-2018, chị Bế Thị Châm được bổ nhiệm chức vụ Chính trị viên phó Ban CHQS xã. Tham gia hội thi giảng dạy chính trị, chị lựa chọn chủ đề “Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta hiện nay” để giảng cho đối tượng là dân quân tự vệ (DQTV). Đây được coi là đề tài khá “gai góc”, đòi hỏi người giảng phải có vốn kiến thức chính trị-xã hội và những thông tin thường xuyên cập nhật, cùng sự hiểu biết sâu mới có thể thực hiện tốt nội dung này. Bằng chất giọng truyền cảm, tố chất thông minh và sự chuẩn bị chu đáo về nội dung, chị Châm đã vận dụng trình bày lưu loát, phân tích, giảng giải các khái niệm, luận điểm sâu sắc, súc tích; từng nội dung, từng vấn đề đều khái quát, chuyển ý linh hoạt, tạo sự lôi cuốn cho người nghe... Quá trình giảng bài, chị luôn làm chủ phương pháp, thể hiện phong thái tự tin, đĩnh đạc; kết hợp các hình thức, phương pháp giảng bài truyền thống với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng hình ảnh, đồ họa trình chiếu và dẫn chứng nhiều ví dụ liên hệ sát với tình hình, nhiệm vụ của quân đội, cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo sự sinh động, hấp dẫn...

Hoàn thành xuất sắc phần thi của mình, chị Bế Thị Châm chia sẻ: “Tôi chọn chủ đề này bởi hiện nay, các đối tượng phản động lợi dụng mạng internet thường xuyên có những hành vi xuyên tạc, gây chia rẽ, tác động đến tư tưởng, nhận thức của các tầng lớp nhân dân, trong đó có lực lượng DQTV. Qua bài giảng giúp chiến sĩ DQTV xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”. Được biết, ngoài việc lên lớp giảng dạy các bài chính trị, chị còn thường xuyên đến thăm, kiểm tra công tác huấn luyện, động viên cán bộ, chiến sĩ DQTV. Đồng thời nắm bắt tư tưởng, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho chiến sĩ dân quân yên tâm tham gia huấn luyện đạt chất lượng cao. Hằng năm, công tác giáo dục chính trị của Ban CHQS xã luôn đạt khá trở lên.

Thượng tá Nguyễn Văn Kiên, Chính trị viên Ban CHQS huyện Ngân Sơn, vui vẻ cho biết: “Hằng năm, Ban CHQS xã Vân Tùng luôn là điểm sáng hoàn thành tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Thành tích ấy có đóng góp không nhỏ của đồng chí Bế Thị Châm. Không những hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, chị còn chăm lo chu đáo công việc gia đình, thực sự là phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

QĐND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video